Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Tập Cận Bình thăm Thẩm Quyến, khẳng định quyết tâm cải cách kinh tế Trung Quốc

Trong chính trị, mỗi động thái của giới lãnh đạo đều hàm ý một tín hiệu, ý nghĩa nào đó. Khi lựa chọn đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một trong những biểu tượng của sự phát triển kinh tế Trung Quốc, làm nơi đến thăm trong chuyến vi hành đầu tiên, kể từ khi nhậm chức tổng bí thư đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng là Bắc Kinh chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách.

Ông Tập Cận Binh (T) trổng cây ở Thẩm Quyến, Quảng Đông. Ảnh ngày 10/12/2012.
Ông Tập Cận Binh (T) trổng cây ở Thẩm Quyến, Quảng Đông. Ảnh ngày 10/12/2012. REUTERS/TaKungPao.com/Handout
Quảng cáo

Hôm thứ Sáu, 07/12, ông Tập Cận Bình đến thăm một công ty dịch vụ internet tư nhân. Ngày hôm sau, lãnh đạo Trung Quốc tới khu đồi Hoa Sen, đặt vòng hoa trước tượng đài Đặng Tiểu Bình, người chủ xướng cải cách kinh tế từ năm 1979 và xây dựng Thẩm Quyền thành một đặc khu kinh tế. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình quay lại nơi này để khuyến khích cải tổ kinh tế sau vụ đàn áp phong trào đòi dân chủ ở Thiên An Môn, năm 1989.

Theo báo chí Trung Quốc, tân tổng bí thư khẳng định : « Quyết định của Ban Chấp hành trung ương (đảng Cộng sản Trung Quốc) tiến hành cải cách và mở cửa là đúng đắn. Chúng ta kiên quyết tiếp tục đi theo con đường này, để đất nước vào nhân dân thịnh vượng ».

Trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, đã có nhiều người, kể cả những nhân vật thân cận với ông Tập Cận Bình, kêu gọi ban lãnh đạo mới phải đẩy mạnh các chính sách tự do kinh tế, thậm chí, tiến hành thí điểm cải cách chính trị và coi đó là phương cách để duy trì sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, một số chính trị gia Trung Quốc được coi là có đầu óc cải tổ cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một mô hình tăng trưởng mới, bền vững, chú trọng đến tiêu thụ nội địa, thay vì chỉ dựa vào đầu tư hạ tầng và xuất khẩu, đồng thời, giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước.

Nhà phân tích chính trị Lý Vĩ Đông (Li Weidong) nhận định : « Nếu ông Tập Cận Bình có ý định tới Thẩm Quyến, có nghĩa là ông ta muốn coi việc tiến hành cải cách là một chủ đề ưu tiên. Đó có thể thực sự là một hiện tượng ».

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thận trọng. Ông nhận định, cái gọi là chính sách cải cách được tiến hành sau chuyến công du phương nam của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992, đã kết thúc không hay ho gì, bởi vì sự phát triển của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng tham nhũng lan tràn, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước được mở rộng, bất chấp các doanh nghiệp tư nhân.

Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình cũng gây thất vọng. Năm 2002, khi nhậm chức tổng bí thư Đảng, ông Hồ Cẩm Đào, được coi là một nhà cải cách tiềm tàng, thế nhưng, nhiều chính sách bảo thủ được ban hành và thực hiện trong nhiệm kỳ của ông. Tháng 12 năm 2002, trong chuyến công du đầu tiên trên tư cách người đứng đầu đảng Cộng sản, ông Hồ Cẩm Đào đã tới thành phố Tây Bách Pha (Xibaipo), tỉnh Hà Bắc (Hebei), cái nôi cách mạng Trung Quốc. Tại đây, ông Hồ Cẩm Đào đã nhắc lại những phát biểu của Mao Trạch Đông.

Dường như ông Tập Cận Bình thực sự muốn đẩy mạnh cải tổ, nhưng điều đáng chú ý là ông nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc chủ nghĩa, coi đây như là động lực để làm việc này. Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh, ngày 29/11 vừa qua, ông nói đến « giấc mơ Trung Hoa thực hiện một sự hồi sinh dân tộc ». Cụm từ « giấc mơ Trung Hoa » có thể sẽ thường xuyên được sử dụng trong nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình.

Trong hơn một thế kỷ trước đây, giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nói đến sự « phục hưng – Fu xing ». Theo giới quan sát, có thể ông Tập Cận Bình sẽ khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn so với các tiền nhiệm, bởi vì có thể ông hiểu rằng, ý thức hệ cộng sản truyền thống không còn được lòng dân nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.