Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Một tạp chí của đối lập lưu vong được lưu hành trong nước

Vào thứ năm 13/12/2012 tới đây, tạp chí Irrawaddy do các nhà báo Miến Điện lưu vong thành lập tại Thái Lan sẽ bắt đầu được lưu hành tại Miến Điện. Đây là một trong những dấu hiệu đánh dấu một cách rõ ràng tiến trình cởi trói báo chí dưới chính quyền tổng thống Thein Sein vì lẽ đây là lần đầu tiên từ khi ra đời cách nay hai thập niên mà tờ Irrawaddy xuất hiện công khai tại Miến Điện.

Báo chí tại Miến Điện đang dần dần được cởi trói.
Báo chí tại Miến Điện đang dần dần được cởi trói. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, trước mắt, độc giả ở Rangoon cũng như tại một số thành phố lớn khác sẽ có thể tìm thấy trên các sạp báo các ấn bản biếu không của tạp chí Irrawady. Trả lời AFP vào hôm nay, 11/12, ông Kyaw Zwa Moe, chủ bút phiên bản Anh ngữ của tạp chí, cho biết là ông muốn ‘thăm dò’ tình hình, vì chưa biết chính quyền sẽ phản ứng ra sao. Trong thời gian qua tạp chí này đã bị giới tướng lãnh nghiêm cấm.

Chủ bút tờ báo khẳng định là ấn bản sắp ra mắt vẫn không khoan nhượng trong nội dung bài viết, vẫn mang tính ‘phê phán’ cố hữu. Tạp chí số tháng 12 này, dầy 60 trang, được phát hành với khoảng 5000 bản. Chủ đề lớn là chuyến đi Miến Điện vừa qua của tổng thống Mỹ Obama. Còn những số tiếp theo sẽ ra sao, thì còn tùy thuộc vào ngân sách. Báo Irrawaddy hoạt động nhờ các nhà tài trợ quốc tế.

AFP nhắc lại là Tổng thống Thein Sein, đã từng nói là ông không sợ giới truyền thông báo chí. Lời nói này được chứng minh qua hành động bãi bỏ kiểm duyệt, và cho báo giới đối lập về nước. Các trường hợp điển hình của chính sách này là đài truyền hình DVB - Tiếng nói Dân chủ Miến Điện - cơ sở tại Oslo, và tờ báo mạng Irrawady cùng với hãng thông tấn Mizzima.

Đài DVB đã về nước mở văn phòng tại Rangoon từ vài tháng nay, nhưng một cách kín đáo, dưới một tên mượn. Tuy nhiên các nhà báo của đài được các viên chức cao cấp chính thức đón tiếp. Một sự kiện không thể tưởng tượng nổi cách đây hơn một năm thôi.

Nữ phóng viên Hla Hla Win, từng hoạt động tại Miến Điện, giải thích với AFP : “Trước đây đêm nào tôi cũng thấp thỏm, vì có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Chính quyền mới làm cho tôi rất ngạc nhiên, tôi không tưởng tượng được là họ có thể đi xa đến thế, cho phép những điều như hiện nay’’.

Tuy nhiên báo giới nhìn chung vẫn rất thận trọng, như đánh giá của chủ bút Irrawaddy, chưa thể nói chắc tình hình cởi trói kéo dài, không biết được diễn tiến tương lai ra sao. Đối với Phóng viên không Biên giới, Miến Điện vẫn chưa đáp ứng những tiêu chí tự do báo chí. Tổ chức này vẫn đặt Miến Điện bên cạnh các nước như Iran hay Bắc Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.