Vào nội dung chính
CAM BỐT

Quan chức Cam Bốt tình nghi bắn vào công nhân đình công được trắng án

Theo AFP, hôm nay 19/12/2012, các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên án gay gắt việc tư pháp Cam Bốt đã ra quyết định hủy bỏ việc truy tố lãnh đạo đặc khu, người được cho là trực tiếp bắn công nhân dệt may đình công, hồi đầu năm nay tại tỉnh Svay Riêng.

Công nhân dệt may Cam Bốt thường bãi công để đòi cải thiện điều kiện làm việc (Reuters)
Công nhân dệt may Cam Bốt thường bãi công để đòi cải thiện điều kiện làm việc (Reuters)
Quảng cáo

Sự việc xảy ra vào hôm 20/02/2012, các công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may của hãng Puma trong đặc khu kinh tế Bavet thuộc tỉnh Svay Rieng đình công đòi cải thiện điều kiện lao động. Chính quyền đã cho người bắn thẳng vào những người đình công khiến ba nữ công nhân bị trọng thương.

Người bị tình nghi đã trực tiếp nổ súng trong vụ này chính là ông Chhuk Bundith, lãnh đạo cơ quan hành chánh tại đặc khu Bavet. Rất nhiều nhân chứng đã khẳng định nhân vật này đã rút súng bắn vào người đình công.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Puma cũng như hãng quần áo Gap, H&M đã yêu cầu chính quyền mở điều tra về vụ việc. Hồi đầu tháng Ba, các tập đoàn quốc tế đã gửi thư đến Bộ Thương Mại yêu cầu chính quyền phải bắt giữ thủ phạm vụ nổ súng. Sau một thời gian im lặng cuối cùng đến tháng Tư, chính quyền tỉnh Svay Rieng cũng đã phải cách chức truy tố nghi can vì tội cố ý gây thương tích nhưng bị cáo được tại ngoại.

Hơn nửa năm sau, tòa án lại ra quyết định hủy truy tố đối với nghi can số 1 của vụ án. Hôm nay, Chin Linda, luật sư của các nạn nhân cho biết tòa án đã hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại Chhuk Bundith. Tòa án không đưa lời giải thích nào nhưng thông báo đã truy tố một cảnh sát với cùng tội danh trong vụ này.

Quyết định này ngay lập tức gây phẫn nộ trong giới bảo vệ nhân quyền tại Cam Bốt. Ông Ouk Virak, chủ tịch Trung tâm Nhân quyền của Cam Bốt kêu gọi hãng Puma hãy rút khỏi đất nước này, ông nói : « nếu không người tiêu dùng tại châu Âu sẽ không tha thứ vì nhãn mác Puma đã bị vấy máu của những công nhân dệt may Cam Bốt nghèo khổ ».

Trong một thông cáo gửi cho AFP, Puma không bình luận về quyết định của tòa án nhưng tỏ hy vọng chính phủ Cam Bốt sẽ cố gắng để đưa ra xét xử thủ phạm của vụ nổ súng nói trên.

Công nghiệp dệt may, chủ yếu với vốn đầu tư nước ngoài, là nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho kinh tế Cam Bốt. Hiện có khoảng 400 nghìn lao động, đa số là phụ nữ, làm việc trong ngành này. Do điều kiện làm việc và tiền lương không bảo đảm, công nhân trong ngành dệt may Cam Bốt vẫn thường xuyên đấu tranh bằng hình thức bãi công.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.