Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Philippines ra luật chống bắt cóc và giam giữ bí mật

Tối thứ Sáu 21/12/2012, theo báo chí Philippines, Tổng thống Benigno Aquino đã phê chuẩn luật trừng phạt thủ phạm các vụ bắt cóc và chống lại hệ thống nhà tù bí mật (Anti-Enforced Disappearances Act). Đối tượng trừng phạt chủ yếu của luật này là các vụ bắt người từ năm 1970 đến nay, mà thủ phạm là các nhân viên công lực.

Một nhà tù bị quá tải ở Manila.
Một nhà tù bị quá tải ở Manila. Getty Images
Quảng cáo

Theo giới quan sát, chính áp lực của các tổ chức nhân quyền khiến chính quyền Philippines thông qua luật này. Tổ chức Human Rights Watch nhận định : Sự ra đời của luật này là một bước tiến quan trọng trên con đường chấm dứt « các vi phạm nhân quyền trầm trọng » tại Philippines.

Thông tín viên Gabriel Kahn tường trình từ Manila :

« Đây là một luật rất được trông đợi, đặc biệt là từ phía thân nhân của hàng nghìn người bị an ninh Philippines bắt đi mất tích kể từ những năm 1970. Theo luật này, các thủ phạm của hành động bắt người như trên bị coi là tội phạm. Như vậy, sự ra đời của luật đáp ứng được các đòi hỏi của các tổ chức bảo vệ nhân quyền từ nhiều năm nay.

Những hành vi phạm tội bắt người, tra tấn của các lực lượng an ninh có thể khiến thủ phạm bị phạt tù tối đa đến chung thân. Luật này cũng coi các trung tâm giam giữ bí mật của chính quyền là bất hợp pháp và buộc Nhà nước phải thống kê toàn bộ số lượng những người bị giam giữ và những nơi giam họ.

Tại Philippines, các vụ bắt cóc và ám sát do các lực lượng an ninh tiến hành diễn ra thường xuyên. Kể từ khi Tổng thống Benigno Aquino lên nắm quyền vào tháng 6/2010 đến nay, các vụ bắt người và ám sát vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo các nhà bảo vệ nhân quyền, 11 nhà tranh đấu đã bị mất tích kể từ năm 2010. Gia đình của một trong những nạn nhân này, ông Jonas Burgos, mất tích sau vụ bắt cóc năm 2007, đặc biệt lo ngại vì : Một viên tướng bị tình nghi đã tham gia vào vụ bắt cóc này, mới đây đã được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu cơ quan tình báo Philippines. »

Luật chống bắt cóc cũng nghiêm cấm các trung tâm giam giữ bí mật và cho phép chính quyền tiến hành « các cuộc thanh tra thường xuyên, không báo trước tất cả các nơi giam giữ ».

Theo HRW, « đây là đầu tiên tại Châu Á một luật như vậy ra đời và đây là một bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt các vi phạm nhân quyền trầm trọng » tại Philippines.

Xin nhắc lại là, các vụ an ninh bắt cóc người tăng vọt, sau khi nhà độc tài Ferdinand Marcos áp dụng lệnh thiết quân luật vào năm 1972. Mặc dù Marcos bị lật đổ sau cuộc nổi dậy của dân chúng Philippines vào năm 1986, nhưng các vụ bắt người do an ninh tiến hành vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo Manila, lực lượng nổi dậy cộng sản đã tiến hành một cuộc chiến đấu vũ trang chống lại chính quyền từ năm 1969, hơn 30.000 người đã thiệt mạng trong các xung đột. Hiện tại, theo quân đội Philippines, quân nổi dậy chỉ còn khoảng 4.000 binh sĩ, thấp hơn rất nhiều so với con số 26.000 người trong giai đoạn đỉnh cao vào cuối những năm 80.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.