Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : mồ mả tổ tiên đem dâng cúng cho tăng trưởng

Trong khi các nền kinh tế Tây phương vất vả kiếm 2% tăng trưởng thường niên, thì tại Trung Quốc, dù bị cho là mất đà tăng trưởng, nhưng vẫn ở mức trên dưới 8%. Nhưng để được sự tăng trưởng đó, Trung Quốc phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có một truyền thống lâu đời là : không xâm phạm đến mồ mả tổ tiên. Báo Le Figaro chạy tựa : "Trung Quốc đem mộ phần dâng cúng cho tăng trưởng".

Công nhân Trung Quốc đang di dời các mộ phần (REUTERS)
Công nhân Trung Quốc đang di dời các mộ phần (REUTERS)
Quảng cáo

Tờ báo nhìn về một địa phương thuộc tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc. Chính quyền ở đây đã không ngại cho san lấp mồ mả để lấy đất phục vụ sản xuất. Theo tờ báo, đã có khoảng 2 triệu ngôi mộ bị giải tỏa. Phương pháp trưng dụng đất khá thô bạo : chính quyền thông báo cho những gia đình liên quan phải nhanh chóng di dời hài cốt, nếu không sẽ cho máy ủi đất đến san bằng, ai mà chống lại lệnh đó sẽ bị ghép tội «mê tín dị đoan ».

Về mặt chính thức, chính quyền cho biết là đất được trưng dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thế nhưng người dân đã bày tỏ trên Internet mối nghi ngờ, theo đó chính quyền đã nhận hối lộ để trưng dụng đất mà bán lại cho các dự án bất động sản và công nghiệp. Theo trang mạng của tờ báo chính thức là Nhân Dân nhật báo thì nếu người dân chấp nhận di dời mồ mả ông cha, mỗi ngôi mộ sẽ được hỗ trợ 1 000 nhân dân tệ (120 euro). Thế nhưng, Le Figaro cho hay, tiền hỗ trợ như đã hứa hiếm khi đến tay người dân.

Hiện trạng này đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều trí thức và thường dân tỉnh Hà Nam đã cùng ký tên lên án việc xúc phạm đến nơi yên nghỉ của người quá cố. Nhà cầm quyền trung ương đã hủy bỏ một điều luật cho phép « phá hủy bắt buộc» các mồ mả. Thế nhưng, quyết định đó chỉ có hiệu lực trong năm 2013, còn chính quyền địa phương thì lại giải thích luật theo kiểu của họ.

Le Figaro cho biết, nhiều phản ứng đã dấy lên trên các trang mạng. Một người bức xúc : « Làm như thế có khác nào người ta đang giết chết quá khứ của chúng ta ». Một người khác tỏ ra cay đắng hơn : « Dường như đất nước chúng ta đã mất nền móng đạo đức ».

Từ mấy ngày nay, làn sóng phản đối này thêm dữ dội sau khi một cán bộ địa phương đã tỏ ra « hối hận » và phản đối chính sách san bằng mồ mả trên Internet. Tờ báo cho biết, hậu quả của sự hối hận đó là : ông ta đã bị cách chức, bị ngăn cản không cho tham gia vào Hội đồng nhân dân địa phương. Le Figaro mỉa mai : quá bảo vệ cho người chết sẽ gây hại cho người sống.

Đánh giá tóm lược về hiện trạng trên, Le Figaro chua xót : « Những bước phát triển lớn của Trung Quốc đôi khi được thực hiện trên mồ mả tổ tiên ».

Lào : chính quyền bắt cóc nhà đấu tranh bảo vệ nông dân?

Cũng tại Châu Á, nhìn sang nước Lào, nhật báo Le Monde đăng bài nói về : « Sự mất tích bí ẩn của một nhà đấu tranh nổi tiếng ». Nhà đấu tranh nổi tiếng mà bài báo đề cập đó là ông Sombath Somphone. Ông này nổi tiếng là nhà đấu tranh cho quyền lợi của người dân nông thôn và cho sự phát triển bền vững.

Nhà đấu tranh này năm nay đã 62 tuổi. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông là vào ngày 15 tháng 12 này. Hôm đó, ông đã bị cảnh sát giao thông chặn xe kiểm tra giấy tờ. Nhưng sau đó, theo máy ghi hình cài đặt trên đường, ông đã bị hai người đàn ông mặc thường phục đẩy vào trong một chiếc xe tải nhỏ. Và ông mất tích từ đó.

Le Monde cho biết, mới đây, 61 tổ chức phi chính phủ và hàng chục nhà trí thức Châu Á và thế giới đã gửi thư ngỏ đến thủ tướng Lào bày tỏ « quan ngại » về số phận của người mà họ xem là «một cộng sự đáng kính ». Bức thư cũng yêu cầu chính phủ Lào cho điều tra về vụ việc để đương sự sớm ngày về với gia đình. Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại cho an toàn của ông Somphone. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) thì khẳng định rằng : « Ông Somphone đã bị nhà cầm quyền Lào bắt giam và có thể sẽ bị đối xử không tốt ».

Tờ nhật báo của chính phủ Lào Vientianne Times đã đăng thông cáo của bộ ngoại giao Lào theo đó ông Somphone « có thể đã bị bắt cóc vì những lý do liên quan đến xung đột cá nhân ». Bản thông cáo thừa nhận rằng trước khi mất tích, ông Somphone đã bị cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ như đã nói trên. Tuy nhiên, bản thông cáo thừa nhận là hiện tại « không thể nói được chính xác điều gì đã xảy ra ».

Le Monde nhận định : Lào là nước thuộc hàng nghèo nhất Đông Nam Á. Theo tờ báo, kinh tế Lào mấy năm nay phát triển tốt, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Thế nhưng tờ báo cũng nhấn mạnh, bên cạnh sự phát triển đó, thì đã xuất hiện hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa một bên là tầng lớp quan chức gắn liền lợi ích với đảng cầm quyền, và một bên là người dân nghèo khổ.

« Nghề ông già Noel » cũng lắm gian nan

“Ông già Noel là một nghề lắm gian nan”, đó là bài viết đăng trên nhật báo Libération trong số ra ngày Giáng Sinh hôm nay. Vào mùa giáng sinh, tại Pháp, người ta nhìn thấy ông già Noel ở khắp nơi: ở những gian hàng Noel, các siêu thị, đường phố, dưới cây thông Noel của các công ty và cả trên các phương tiện giao thông công cộng.

Dịch vụ ông già Noel cũng khá đa dạng. Ngoài các doanh nghiệp, các siêu thị hay quán ăn, những hộ gia đình cũng thuê ông già Noel. Nhất là trong đem Noel, ông già Noel được các bậc phụ huynh thuê mang quà đến cho các em bé trong đêm giáng sinh 24/12.

Thế là, ông già Noel có thể mang niềm vui đến cho mọi người, góp phần thu hút khách cho các cửa hàng trong mùa Noel, được trẻ em yêu thích cười chào khi nhìn thấy. Ấy thế nhưng, ở một phương diện khác, nghề đóng giả ông già Noel không hề sung sướng gì.

Trước tiên, đây là một nghề hoàn toàn mang tính thời vụ, tức chỉ trong dịp Noel mà thôi. Thứ hai, thù lao hiện tại cho ông già Noel ở Pháp theo Libération là được trả theo mức lương tối thiểu. Chưa hết, nếu được thuê đi phát quà ở các hộ gia đình, thì ông già Noel phải vất vã di chuyển. Còn nếu được thuê đứng làm đẹp cửa hàng hay siêu thị, thì ông già Noel phải lắc lư cả ngày trong bộ trang phục kềnh càng.

Tuy vậy, ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cái nghề ông già Noel mùa giáng sinh quả thật mang lại niềm vui cho những người không có việc làm ổn định, cho các sinh viên muốn làm thêm để trang trải tiền ăn học.

Người Pháp ăn Noel bằng cách “về nguồn”

Tiếp tục không khí giáng sinh tại Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix có bài cho biết, người Pháp năm nay ăn Noel bằng cách “về nguồn”.  Tờ báo dùng từ “về nguồn” để chỉ việc người Pháp năm nay chọn các sản phẩm nội địa cho bửa ăn mừng Noel của gia đình.

Theo một thăm dò được thực hiện hồi đầu tháng 12 của viện Ipsos, có đến 78% người Pháp cho rằng, việc bữa ăn mừng Noel với sản phẩm nội địa là “quan trọng”. Một nghiên cứu khác cho biết, tiền dành cho bữa ăn mùa lễ năm nay tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn khủng hoảng, con số 0,6% dù nhỏ nhưng cũng nói lên được nhiều điều.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất gan béo tại Chalosse tỉnh Landes miền tây nam Pháp, đã có doanh số tăng 7% trong hai tháng vừa rồi, tức mỗi tháng doanh số tăng thêm 100 000 euro. Lãnh đạo của tổ chức này cho biết, từ đầu tuần rồi, lượng mua quá lớn, và họ đã bắt đầu thiếu sản phẩm để cung cấp.

Trứng cá muối (caviar) Sturia, nhãn hiệu đứng thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực này, cũng đã ghi nhận sự tăng doanh số hai chữ số so với mùa Noel năm ngoái. Đặc sản rượu nho của Pháp cũng được người Pháp “thương yêu” hơn. Một nhà sản xuất rượu nho cho biết, mùa Noel năm nay doanh số tăng hơn 15% so với năm ngoái.

Ở thời buổi khó khăn kinh tế như hiện nay, các gia đình phải chọn cách chi tiêu phù hợp. Vì thế, việc tránh nhà hàng để nấu ăn tại nhà là một giải pháp tiết kiệm nhưng cũng không kém phần ngon miệng. Hơn nữa, việc người Pháp ưu ái hàng Pháp cũng là một cách họ giúp nhau vượt qua khủng hoảng.

Người Pháp vẫn yêu nước Pháp

Một tin tốt lành khác nhân mùa giáng sinh dành cho nước Pháp: đại đa số người Pháp vẫn luôn yêu nước Pháp. Đó là nhận định của nhật báo Le Monde dựa trên thăm dò dò thường niên của Viện Ipsos, theo đó có đến 92% người Pháp cho biết “hài lòng khi được sống ở Pháp”, 66% cho rằng nước Pháp vẫn tiếp tục “đóng một vai trò quan trọng trên thế giới”. Trên phương diện xã hội, có đến 58% cho biết “cảm thấy thoải mái trong xã hội Pháp hiện tại”.

Noel là ánh sáng hy vọng

Trong không khí lễ hội mùa Noel, nhật báo Công Giáo La Croix dành nhiều bài viết về các tình nguyện viên mang niềm vui đến cho những người cơ nhỡ trong xã hội. Tờ báo chạy dòng tít lớn trên trang nhất như để biểu trưng niềm hy vọng: “Ánh sáng Noel”. Bên cạnh đó, La Croix cũng dành bài xã luận để cổ vũ mọi người nhân mùa giáng sinh với dòng tựa: “Noel là thời khắc người ta có thể bắt đầu lại mọi thứ”.

“Bắt đầu lại”, bởi vì hiện thế giới đang trong khủng hoảng kinh tế, đời sống của người dân trên khắp địa cầu đều bị ảnh hưởng. Nhất là trong năm 2012, cái năm mà theo La Croix “đánh dấu bằng những bất ổn về xã hội và kinh tế”. Tờ báo nhấn mạnh, không chỉ có từng cá nhân trở nên “mong manh”, mà toàn xã hội cũng khổ sở bởi nhiều hồ sơ gai góc.

Tuy nhiên, La Croix cho rằng, Noel là thời điểm khiến người ta không thể bi quan, Noel là lúc ánh sáng quay trở lại, lúc mà người ta có thể bắt đầu lại mọi thứ. Nhìn về năm mới, tờ báo lạc quan: Noel năm 2012 có thể là sự bắt đầu cho việc con người biết chia sẻ nhiều hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.