Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Trung Quốc khai trương tuyến tàu cao tốc dài nhất thế giới

Chuyến tàu nhanh đầu tiên nối liền Bắc Kinh với Quảng Đông hôm nay 26/12/2012 đã vận hành suông sẻ với vận tốc 300 km/giờ, trên tuyến đường tàu cao tốc dài nhất thế giới. Đây là giai đoạn mới trong việc phát triển hệ thống đường cao tốc một cách quy mô ở Trung Quốc, cho dù đã bị nhiều tai tiếng với các xì-căng-đan và tai nạn.

Tàu cao tốc tại trung tâm bảo trì Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Tàu cao tốc tại trung tâm bảo trì Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Khởi hành từ Bắc Kinh vào lúc 9 giờ sáng, chuyến tàu đã mất 8 giờ cho đoạn đường 2.300 km nối liền thủ đô Bắc Kinh với Quảng Đông - trung tâm kinh tế quan trọng ở miền nam - rút ngắn một phần ba thời gian chạy tàu so với trước đây. Đoàn tàu đến nơi vào 17 giờ, được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình trung ương với đầy tự hào dân tộc, cũng như lúc khởi hành. Các phóng sự quay bên trong con tàu cho thấy các hành khách chụp hình kỷ niệm chuyến đi khai trương này.

Trung Quốc đã chọn lựa ngày kỷ niệm sinh nhật của Mao Trạch Đông, sinh ngày 26/12/1893 để đưa vào hoạt động tuyến đường trên đây. Với vận tốc trung bình 300 km/giờ, tàu dừng ở 35 trạm tại các thành phố chính như Trịnh Châu, Vũ Hán, Trường Sa…Các đoạn đường cao tốc đã vận hành trên tuyến đường này, nhưng còn thiếu đoạn Bắc Kinh – Quảng Châu.

Tàu cao tốc chỉ mới xuất hiện từ năm 2007 tại Trung Quốc. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã xây dựng một mạng lưới đường tàu quy mô nhất thế giới với chiều dài trên 8.000 km vào cuối năm 2010, con số này sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên việc phát triển tàu cao tốc bằng mọi giá đã đi kèm với nhiều xì-căng-đan tham nhũng, cũng như vấn đề thiếu an toàn.

Vụ hai đoàn tàu cao tốc đụng vào nhau hôm 23/07/2011 làm cho 40 người chết, 200 người bị thương tại miền đông Trung Quốc đã gây phẫn nộ trong dư luận. Sau vụ này chính quyền đã tìm hiểu các sai lầm. Một loạt video được phân tích trên mạng cho thấy các xe xúc đang đẩy xác các toa tàu vào hố. Trên một đoạn phim nghiệp dư khác, cư dân mạng khẳng định thấy một hoặc hai xác chết rơi vào khoảng không, đồng thời làm một toa khác đang bị treo trên chiếc cầu cạn rơi theo.

Cuộc điều tra chính thức kết luận « các lỗi thiết kế » trong những thiết bị báo hiệu, và sự chểnh mảng của các lãnh đạo ngành đường sắt. Có 54 viên chức đã bị kỷ luật, trong đó có cựu Bộ trưởng Hỏa xa.

Trước khi khai trương tuyến cao tốc Bắc Kinh – Quảng Đông, chính quyền khẳng định đã có các biện pháp nhằm cải thiện việc bảo trì và thanh tra cơ sở hạ tầng (đường tàu, các toa, hệ thống cấp cứu). Tuy nhiên các quan ngại vẫn còn. Tờ Global Times hôm nay dẫn lời một viên chức bộ này nhìn nhận cho dù có nhiều nỗ lực, nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Người này nói : « Không thể chắc chắn rằng hoàn toàn không có rủi ro trong tương lai. Chúng tôi phải chịu đựng nhiều áp lực nơi công chúng ».

Trung Quốc đã dựa vào sự chuyển giao kỹ thuật của phương Tây để sản xuất các tàu cao tốc cho mình, đặc biệt là từ các tập đoàn Alstom của Pháp, tập đoàn Siemens (Đức) và Kawasaki (Nhật). Nhưng nay Bắc Kinh muốn kiếm tiền từ các kỹ thuật học hỏi được và giành một chỗ đứng trên thị trường thế giới : Trung Quốc đã ký được hợp đồng xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc cho Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Mẫu tàu cao tốc thông dụng nhất trang bị cho tuyến Bắc Kinh – Quảng Đông được sản xuất bởi China CNR Corp., một tập đoàn quốc doanh thành lập năm 2008, có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuyến đường nói trên sẽ hoạt động thường xuyên vào dịp nghỉ Tết âm lịch, năm nay là vào giữa tháng Hai, khi hàng trăm triệu người về quê ăn Tết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.