Vào nội dung chính
CHÂU Á - 2013

Châu Á lạc quan về triển vọng kinh tế 2013

Tại Pháp, báo giấy ngày đầu năm 2013, dĩ nhiên, không đến tay bạn đọc, chỉ có thể tham khảo trên mạng, ngoại trừ những số đôi như của La Croix ghi hai ngày 31/12 và 01/01/2013. Nếu báo Pháp thiên về những khó khăn đang chờ đợi người dân, thì tại khu vực châu Á, xu hướng chung là đều lạc quan, đa số các báo nhìn năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp.

Niềm vui tại thị trường chứng khoán Manila Philippines, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012 (28/12)
Niềm vui tại thị trường chứng khoán Manila Philippines, trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012 (28/12) REUTERS
Quảng cáo

Trong tựa đề bài xã luận, nhật báo Thái Lan The Nation nhìn thấy : « 2012 làm lóe lên hy vọng cho năm mới ». 

Theo tờ báo một năm mới là một năm đầy hy vọng và thay đổi. Sân khấu chính trị Thái vẫn không thể nói là êm ấm, nhưng người Thái đã cho thế giới thấy là họ có thể vượt qua được tình hinh chia rẽ mang tính ý thức hệ này, và năm 2013 cũng sẽ tiếp tục như thế. 

Về mặt kinh tế, Thái Lan tương đối khỏe. Lãnh vực tư nhân đã chứng minh khả năng không những có thể hoạt động bình thường trong bối cảnh chính trị rối ren, mà còn tham gia vào nỗ lực làm trong trong sạch hơn đời sống chính trị. Tình hình này sẽ tiếp tục vào năm mới, khi Thái Lan và các láng giềng Đông Nam Á tiến gần thêm đến việc hội nhập kinh tế. Thái Lan phải trong tư thế sẵn sàng. 

The Nation còn nhin thấy một yếu tố lạc quan khác : Có một chiến dịch để ý thức giới trẻ Thái về tính nguy hiểm của nạn tham nhũng. Một cuộc thăm dò dư luận năm ngoái cho thấy, giới trẻ rất lơ là hoặc đánh giá sai tệ nạn này. Năm 2013 tới đây, một lần nữa, sẽ dậy cho thanh niên là tham nhũng không có lợi cho ai cả, và hối lộ - nếu tạm thời mang lại cái gì họ cần - thì chẳng sớm thì muộn, nó lại tước đi của bạn nhiều hơn nữa. Hy vọng là rèn luyện thêm được ý thức cho thế hệ trẻ Thái Lan. 

Trong phần kết luận, tờ báo nhận thấy năm mới luôn mang lại thử thách mới, nhưng cũng như mọi khi, nó đi kèm với cơ hội, và tờ báo tin chắc là Thái Lan một lần nữa sẽ ở trong thế có thể khắc phục thách thức ,và cũng sẽ cố gắng không bỏ lỡ cơ hội. 

Tờ báo Hàn Quốc The Korea Herald, trong bài xã luận "Vĩnh biệt 2012 - Adieu 2012" nhìn thấy là ít người Hàn Quốc có thể nói là năm 2012 - với khó khăn kinh tế không lùi bước - là một năm tốt đẹp đối với họ. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó là một năm khủng khiếp đối với họ. Nhìn lại năm qua, người Hàn Quốc thấy đó là một năm đầy thử thách, nhưng những thách thức này nếu tìm được câu trả lời thích ứng thì sẽ cải thiện được tình hình. 

Philippines có lý do để phấn khởi 

Nhật báo Philippines Daily Inquirer, nêu trong tựa bài xã luận : “Lý do để phấn khởi vươn lên”, và cho là người Phi có lý do để đối mặt với năm mới với niềm hy vọng. 

Chỉ riêng trên mặt kinh tế, các chỉ số đều cho thấy là kinh tế Philippines hoạt động tốt nhất châu Á trong năm 2012, và cũng đi theo hướng này trong năm vừa khai mở. 

The Enquirer nhắc lại lời Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine La garde, vào tháng 12 vừa qua, đã đánh giá rằng, có lẽ Philippines là quốc gia duy nhất mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng cao dự báo tăng trưởng, trong lúc mà tại những nơi khác trên thế giới thì phải hạ thấp dự báo của mình. 

Theo bà Lagarde, tăng trưởng Philippines dự kiến đạt 5% vào năm 2012, và sẽ tiếp tục ở mức này năm 2013. 

Tờ báo cũng hãnh diện là với thành quả kinh tế, Philippines đã được xếp hạng nhì trên 58 nước về tinh thần lạc quan trong bảng xếp hạng Global Consumer Survey do The Nielsen Co. thực hiện. Philippines được 118 điểm chỉ thua Ấn Độ và Indonesia đồng hạng nhất với 119 điểm. Theo bản nghiên cứu này, từ 101 điểm trở lên được xem là lạc quan, từ 100 trở xuống là bi quan. 

Nhìn lại các quốc gia Đông Nam Á, tờ Philippines Daily Inquirer tỏ vẻ tự hào về việc sự tin tưởng của người tiêu dùng Philippines cao hơn cả Thái lan đến 6 điểm, cao hơn Malaysia đến 13 điểm, trong khi Singapore và Việt Nam lại bị điểm dưới 100. Singapore 98 điểm, còn Việt Nam chỉ 87 điểm. 

Tờ báo nhìn Philippines bưóc vào năm 2013 với sự lạc quan. Các chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng Philippines trong năm này, như Edward Teather, ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nhìn thấy từ "đầu tư, tín dụng, xuất khẩu... đều tăng lên". 

Tuy nhiên tờ báo công nhận còn một số điểm đen : Tham nhũng. Bất chấp nỗ lực của tổng thống Aquino, Philippines bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng 105 trên 176 quốc gia. 

Hạ tầng cơ sở yếu kém là mối ưu tư hàng đầu hiện nay của giới hoạt động kinh tế. Một điểm khác mà Philippines cần phải cố gắng thêm là phải phát triển "bền vững", làm thế nào để phân chia đồng đều hơn của cải quốc gia, giảm bất công xã hội. 

Trong phần kết luận tờ báo lập lại là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, người dân Philippines có lý do thật sự để hân hoan vươn lên. 

Philippines đành phải từ bỏ hàng tỷ đô la của nhà độc tài Marcos 

Nhìn về châu Á, Les Echos cũng chú ý đến Philippines đang từ bỏ hàng tỷ đô la của Marcos, tưạ bài báo trang quốc tế. 

Theo Les Echos, trên số 10 tỷ đô la mà cố lãnh đạo độc tài Philippines đã "biển thủ", thì quốc gia này chỉ mới thu hồi được có 4 tỷ, sau 1/4 thế kỷ tìm kiếm truy đòi. Giờ thì Manila bỏ cuộc. Tờ báo trích lời ông Andres Bautista, lãnh đạo Ủy Ban phủ tổng thống vì một chính quyền công bằng, cho biết số 4 tỷ đô la này là tiền biển thủ từ những năm 1966 -1986. 

Nhưng do thiếu phương tiện tài chính của chính phủ, và cản lực từ gia đình Marcos, không còn hy vọng lấy lại số 6 tỷ còn thiếu. Ông Bautista tỏ vẻ bất lực : 26 năm đã trôi qua và những người mà ông nhắm vào thì đã trở lại nắm quyền. Bà Imelda Marcos và người con trai Ferdinand đã trở về Philippines và đã được bầu vào Quốc hội năm 2010. 

Trước nỗ lực không có kết quả gì thêm, theo ông Bautista, phải biết dừng lại. Ông sẽ đề nghị với tổng thống Benigno Aquino giải tán Ủy ban do ông lãnh đạo và chuyển hồ sơ cho ngành tư pháp. 

Les Echos nhắc lại quá trình tổng thống Marcos trị vì Philippines với bàn tay sắt trong 20 năm, từ 12/1966 đến 25/02/1986, thâu tóm hàng tỷ đô la. Sau khi bị lật đổ, ông Marcos đã sang sống lưu vong ở Hawai, và chết 3 năm sau đó. Gia đình Marcos đã trở về Philippines. 

Cho dù bị nhiều lần truy tố, nhưng không có ai trong gia đình nhà cựu độc tài bị kết án gì cả. 

Về tài sản thì gia đình Marcos đã đầu tư vào điạ ốc tại New York, vào tác phẩm nghệ thuật, nữ trang, và đặt ít nhất 600 triệu đô la trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Một tài sản bao trùm bí mật. Theo lời ông Bautista, còn nhiều lắm, nhưng vấn đề là gia đình này đã trở lại nắm quyền hành trong tay, công việc tìm kiếm càng khó khăn. 

Ủy ban của ông, dựa trên các biên nhận các phòng triển lãm tranh, giấy chở hàng, đã tìm đươc dấu vết của 300 bức tranh của Picasso, Van Gogh… nhưng chỉ thu lại được có một nửa mà thôi. 

Pháp : Thuyền trưởng Hollande vẫn giữ vững hướng đi 

Bên cạnh chủ đề thời sự như Thượng viện Mỹ chạy nước rút để đạt đươc vào giờ chót thỏa thuận trên vấn đề thuế, các báo cũng điểm qua những gì đang chờ đợi người Pháp - giá cả sẽ tăng lên : Từ giao thông, điện, tem...- và nhất là bình luận về lời chúc năm mới của tổng thống Pháp hôm qua.

Nếu Le Monde chỉ nêu bật : Hollande : 2013 "đảo ngược biểu đồ thất nghiệp", thì Le Figaro nhận thấy trong hàng tít là ông Hollande vẫn muốn giữ hướng đi : Ông công nhận khó khăn, khủng hoảng, sai lầm của chinh phủ…, nhưng vẫn tỏ ra lạc quan. 

Bên cạnh đó, Le Figaro cũng nêu bật đánh giá của đảng cánh hữu UMP : Không thể tin tưởng ông Hollande được. 

Báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tít lớn : « Công ăn việc làm, thuế 75%, những gì cần nhớ trong bài chúc mừng năm mới của ông Hollande ». 

Les Echos nhìn thấy là tổng thống, vì đang tuột dốc trong các cuộc thăm dò dư luận, đã cố bảo vệ hành động, hướng đi của mình, và cho thấy là ông biết ông làm gì, ông muốn đạt mục đích gì, tin tưởng vào tương lai cho dù còn nhiều khó khăn. Ông hứa giữ vững hướng đi "bất chấp giông bão". 

Trong mắt Les Echos, tổng thống Pháp muốn khẳng định với dư luận đang lo âu là viên thuyền trưởng vẫn đứng vững trong cơn bão tố. 

Nhìn chung, theo tờ báo, tổng thống Pháp đã nhắc lại tất cả những vấn đề, từ kinh tế đến xã hội, mà ông từng nêu lên trong cuộc vận động tranh cử để cho thấy ông không nuốt lời hứa. Chỉ có một điều không nghe thấy ông nhắc lại : Quyền bỏ phiếu của người nước ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.