Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện biện minh cho chiến dịch tấn công quân nổi dậy Kachin

Ngày 04/01/2013 chính quyền Miến Điện coi các chiến dịch đàn áp nhắm vào cộng đồng thiểu số người Kachin là những hành động tự vệ. Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đòi Naypyidaw chấm dứt cuộc nội chiến với người Kachin. 

Quân đội Miến Điện lần đầu không kích quân nổi dậy Kachin. (hình qua vidéo 27-12-12)
Quân đội Miến Điện lần đầu không kích quân nổi dậy Kachin. (hình qua vidéo 27-12-12) Reuters/Courtesy of Democratic Voice of Burma
Quảng cáo

Xung đột giữa lực lượng võ trang của Tổ chức Độc lập Kachin KIO và quân đội Miến Điện, kéo dài từ tháng 6/2011 sau 17 năm ngưng chiến, đã gia tăng cường độ trong những ngày qua tại khu vực gần biên giới Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đòi Naypyidaw chấm dứt cuộc nội chiến nói trên. Một thông cáo của chính quyền Miến Điện đề ngày hôm nay 04/01/2013 công nhận « đã tiến hành chiến dịch quân sự để bảo vệ sinh mạng và của cải » của dân cư trong vùng. Với lý do, « lưc lượng nổi dậy đã phá hoại đường tàu xe lửa, hệ thống cầu đường, dây điện … làm phương hại đến toàn bộ các sinh hoạt kinh tế trong vùng ».

Cũng trong bản thông cáo này, chính quyền Miến Điện cho biết là quân đội tỏ thái độ « chừng mực » khi tiến hành chiến dịch quân sự. Đồng thời Naypyidaw nhắc lại là 11 lần tiến hành đàm phán với người thuộc sắc tộc thiểu số Kachin để đạt tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu bền.

Trong tuần Hoa Kỳ đã tỏ ra hết sức lo ngại về hồ sơ người Kachin và Liên Hiệp Quốc kêu gọi Miến Điện ngưng ngay lập tức mọi hành vi đe dọa đến sinh mạng của người dân. Về phía Trung Quốc vào hôm nay 04/01/2013 Bắc Kinh khẳng định là đã có ba quả đạn pháo bắn vào lãnh thổ Trung Quốc ngày 31/12/2012 nhưng không gây thiệt hại nhân mạng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cựu lực phản đối hành vi nói trên và yêu cầu Naypyidaw có hành động tránh để xảy ra sự cố tương tự.

13 000 thuyền nhân lưu vong trong năm 2012

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa công bố ngày 04/01/2012, năm ngoái đã có tất cả 13 000 thuyền nhân Miến Điện sinh sống tại khu vực sát với biên giới Bangladesh bỏ xứ ra đi và hàng trăm người trong số đó đã thiệt mạng. Theo Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) phần lớn số thuyền nhân nói trên là người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingyas.

Vivian Tan phát ngôn viên Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cho biết thêm ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em vượt biển. Đấy là dấu hiệu cho thấy nỗi tuyệt vọng của người Rohingyas ngày càng lớn. Còn theo tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người Rohingyas The Arakan Project thì chỉ nội từ tháng 10/2012 đến cuối năm ngoái đã có hơn 10000 thuyền nhân đi tìm đất sống.

Cộng đồng thiểu số nói trên không còn được Bangladesh tiếp nhận và họ cũng không được phép định cư tại Thái Lan hay Singapore. Malaysia là nơi duy nhất còn đón nhận các thuyền nhân Rohingyas. Trong danh sách của HCR hiện có khoảng 25 000 người thuộc sắc tộc thiểu số này xin tỵ nạn tại Malaysia. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.