Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CAM BỐT

Trung Quốc đẩy mạnh ảnh hưởng bằng kinh tế tại Cam Bốt

Bắc Kinh đang đẩy mạnh đầu tư vào Cam Bốt và bằng những dự án lớn mang tính chiến lược. Đầu năm 2013, Trung Quốc đã đổ hơn 9 tỷ đô la vào một loạt 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và chế biến thép. Đầu tư lớn, viện trợ nhiều, mở rộng hợp tác quân sự đó là những bước đi kinh tế giành ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Cam Bốt và Lào, hai nước trên bán đảo Đông Dương sau lưng Việt Nam.

Ký kết dự án đầu tư lớn tại Cam Bốt của các nhà đầu tư Trung Quốc hồi cuối năm 2013
Ký kết dự án đầu tư lớn tại Cam Bốt của các nhà đầu tư Trung Quốc hồi cuối năm 2013
Quảng cáo

Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh tường trình :

Tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào cam Bốt tăng mạnh

Đầu năm 2013, Cam Bốt thông báo họ đã hợp tác với Trung Quốc trong một dự án đồ sộ trị giá đến 9, 6 tỷ Mỹ Kim. Đây là một tin mừng hay đáng lo ngại ? Dự án mới nhất thể hiện rõ dự tính lâu dài của Trung Quốc tại xứ Chùa Tháp, đó là khai thác tài nguyên xứ nghèo để cung cấp cho guồng máy kinh tế luôn khao khát nguyên liệu của họ, qua việc họ đầu tư khai thác chế biến sắt và thép tại Preah Vihear và rồi chuyển vận về Trung Quốc bằng đường biển. Khai thác, chế biến quặng mỏ là một lĩnh vực kỹ nghệ nặng mà Cam Bốt còn rất non tay, thiếu tài nguyên nhân lực và các chuyên gia trong nước để giám sát theo dõi.

Song song theo đó, Trung Quốc còn xây dựng một tuyến đường hỏa xa dài 405 km chạy xuyên qua 5 tỉnh từ nơi khai thác sắt và thép là tỉnh Preah Vihear đến Kampong Thom, Kampong Chnang, Kampong Speu, và điểm đến sau cùng là tỉnh duyên hải Koh Kong, tại đây Trung Quốc còn xây dựng một hải cảng ngó ra Vịnh Thái Lan và hướng về vùng biển Trường Sa của Biển Đông.

Từ trước đến nay, cụ thể là từ năm 1994 đến tháng 7/2012 Trung Quốc chỉ đầu tư trong các lĩnh vực may mặc quần áo, nông nghiệp, thủy điện sau đó mở rộng trong lĩnh vực kỹ nghệ quặng mỏ, tổng trị giá đầu tư trong thời gian này là 9,1 tỷ Mỹ Kim.

Trong khi đó, mặc dù lọt vào danh sách 5 nước có mức đầu tư nhiều nhất tại Cam Bốt, nhưng tổng giá trị đầu tư của Việt Nam chỉ là 2,5 tỷ Mỹ kim trong năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, ngân hàng, hàng không và viễn thông. Con số 2,5 tỷ Mỹ kim này tăng gấp 4 lần so với năm 2009 với tất cả là 124 dự án.

So sánh mức độ đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Cam Bốt thì Việt Nam chỉ xếp ở hàng khiêm nhường, mặc dù thị trường Cam Bốt được coi là quốc gia thân hữu chiến lược sau năm 1979. Còn Trung Quốc chỉ đến sau nhưng nay đã qua mặt trên nhiều phương diện.

Rõ ràng có cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Cam Bốt. Về mặt kinh tế, sản phẩm Việt Nam được chế biến ở dạng thô sơ, đơn giản không có trình độ kỹ thuật cao cấp, tinh vi, chất lượng lại kém nên chỉ có thể tồn tại ở xứ kém phát triển như Cam Bốt. Còn Trung Quốc, họ hướng đến Cam Bốt với một ý đồ lâu dài, với một nền kinh tế lớn hơn Việt Nam gấp hàng chục lần.

Dự án đầu tư lớn không chỉ thuần túy là kinh tế mà còn mang một ý đồ chính trị

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc gia tăng đáng kể ảnh hưởng của họ tại xứ Chùa Tháp, đặc biệt trên phương diện kinh tế, quân sự, và chính trị. Mục tiêu xây dựng Cam Bốt trở thành một quốc gia phụ thuộc cho Trung Quốc, cùng lúc họ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á và tuyên bố chủ quyền quá đáng tại Biển Đông.

Sau khi chế độ Hà Nội đánh bại chính quyền thân Trung Quốc là Khmer Đỏ vào năm 1979, thì nay Trung Quốc đã thành công khi xây dựng chế độ đương thời ở Phnom penh phải nằm trong vòng thao túng của họ. Nhằm biến Cam Bốt thành một nước bị chi phối nặng, nên Trung Quốc không đá động đến chính sách cai trị nội bộ của Thủ Tướng Hun Sen, mà các quốc gia dân chủ ở Phương Tây thường vấp phải khi đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền.

Sự thành công lớn nhất của Trung Quốc sau hơn một thập niên đổ tiền đầu tư, viện trợ và cho vay với lãi suất nhẹ vào Cam Bốt, là tại hội nghị ASEAN năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ nhà, họ đã điều khiển để Cam Bốt cùng tiếng nói với họ trên hồ sơ Biển Đông.

Tháng 11/2012 báo chí Việt Nam đưa tin, Lào chấp nhận cho Trung Quốc xây tuyến đường sắt nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với các tỉnh của Lào. Công trình này trị giá 7 tỷ Mỹ Kim.Chắc chắn rằng tuyến đường sắt nối biên giới Nam Trung Quốc với Lào phải có liên hệ với những cây cầu mà Trung Quốc đã xây dựng tại miền Bắc Cam Bốt, từ đó thông đến tuyến đường sắt ở Tây Nam Cam Bốt và hướng đến duyên hải Koh Kong ngó ra Vịnh Thái Lan.

Rõ ràng là đồng minh thân thiết của Hà Nội đang dịch chuyển theo cái trục xoay của Trung Quốc. Và vì thế cái tuyến biên giới đường bộ phía Tây của Việt Nam chạy từ Bắc Lào xuống tận tỉnh duyên hải Koh Kong có thể bị tác động bất cứ lúc nào khi biến động tại Biển Đông xảy ra vì khu vực biên giới này đã nằm trong vòng tay Trung Quốc.

Trên Biển Đông, ngay khi chiến sự ở Miền Nam đang diễn ra khốc liệt do Hà Nội đẩy mạnh cuộc chiến tranh thì Trung Quốc nhanh tay chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, họ lại chiếm một số đảo tại Trường Sa, và hiện đang từng bước tìm cách nuốt dần Trường Sa.

Phối hợp nhịp nhàng với chiến lược bành trướng lãnh hải, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á nhằm xác định vị thế bá quyền của họ, Trung Quốc nay đang thành công khi đưa Lào và Cam Bốt vào quỹ đạo của họ. Thế là, họ đã hình thành được gọng kềm hai mặt, cả trên biển lẫn trên bộ, phía Đông và phía Tây của Việt Nam, đưa Việt Nam vào vòng vây lâu dài của họ.

Phản ứng của chính giới  và dư luận Cam Bốt trước nguồn đầu tư hào phóng của người Trung Quốc

Khi hai tập đoàn do Trung Quốc làm chủ công bố dự án xây dựng nhà máy luyện thép và sắt tại tỉnh Preah Vihear, thì ông Yim Sovann, người phát ngôn của Đảng Sam Rainsy khuyến cáo chính quyền nên đi theo tiến trình đấu thầu quốc tế chứ không nên thiên vị dành ưu tiên cho công ty Trung Quốc. Ông Yim Sovann đã nhắc lại việc người nghèo bị mất đất do dành cho chủ đầu tư và tài nguyên quốc gia đã bị phá hủy nghiêm trọng.

Một sự thật đau lòng là khi các nhà đầu tư, đặc biệt là Trung Quốc càng đổ tiền nhiều vào Cam Bốt thì lại xảy ra nhiều lời ca thán từ phía dân nghèo.Những người hoạt động nhân quyền và binh vực quyền có nhà để ở đã xác nhận rằng, tình trạng trục đuổi hiện nay không khác gì thời Khmer Đỏ theo chính sách Stalin trục xuất dân cư.
Trong một thập niên trở lại đây, con số 20.000 người là ít, đã lâm vào cảnh mất đất mất nhà, cuộc sống bị đảo lộn do sự đầu tư của Trung Quốc.

Bên cạnh đó luồng nhập cư ngày càng nhiều dân Trung Quốc đến xứ Chùa Tháp, báo động một tình trạng chuyển dịch dân cư mà dân địa phương không hài lòng. Tệ trạng nguy hiểm này cho đến bây giờ không thể đảo ngược, nghĩa là sự hợp tác rất đoàn kết giữa chính quyền và nhà đầu tư Trung Quốc đi đến hậu quả là dân nghèo không có cơ hội để sinh sống một cuộc đời bình thường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.