Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - CHÍNH TRỊ

Hàn Quốc : Những thử thách đối với nữ tổng thống tân cử

Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye, sẽ chính thức nhậm chức chính thức vào tháng Hai tới đây. Nhiều hồ sơ hóc búa đang chờ đợi bà. Tuần san Sisa In tại Seoul lược qua những hồ sơ này, được Courrier International trích dẫn với hàng tựa : «Hàn Quốc : Một vị nữ tổng thống rất được mong đợi ».

Tổng thống mãn nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak (P) tiếp tổng thống tân cử Park Geun-hye, Seoul 28/12/2012
Tổng thống mãn nhiệm Hàn Quốc Lee Myung-bak (P) tiếp tổng thống tân cử Park Geun-hye, Seoul 28/12/2012 REUTERS
Quảng cáo

Đối nội : Chia rẽ xã hội và khủng hoảng kinh tế

Theo tờ báo, dù đắc cử, nhưng thắng lợi của vị nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun-hye cho thấy xã hội Hàn Quốc đang chia rẽ sâu sắc. Sự chia rẽ trước hết thể hiện qua sự khác biệt trong số phiếu ủng hộ bà ở các địa phương khác nhau. Tại tỉnh Jeolla miền tây nam Hàn Quốc, số phiếu ủng hộ bà chỉ trên dưới 10%. Bà chiến thắng chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của tỉnh nguyên quán của bà là Daegu với số phiếu ủng hộ trên 80%.

Nếu tính theo độ tuổi, thì bà Park Geun-hye được sự ủng hộ của lớp người già, cụ thể là tuổi từ 50 đến 70, còn thế hệ trẻ thì lại đa phần ủng hộ ứng viên Moon Jae-in. Trên tổng thể, bà Park Geun-hye giành được 52% số phiếu, tức có gần phân nửa cử tri Hàn Quốc không ủng hộ bà.

Trong bối cảnh chia rẽ đó, tờ báo cho rằng, nhiệm vụ trước tiên của bà Park Geun-hye là phải làm sao hạn chế sự chia rẽ, để huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Theo tờ báo, dù chưa nhậm chức, nhưng vị tân tổng thống đã bắt đầu có những động thái theo kiểu hòa giải dân tộc. Bà đã đến thăm một số nhân vật lớn của phe đối lập. Bà đã ngỏ lời xin lỗi những nạn nhân của chính sách cai trị hà khắc của cha bà trước kia. Thậm chí, bà còn bổ nhiệm trong đảng của bà những người đến từ tỉnh chống đối bà - tỉnh Jeolla nói trên.

Tuy nhiên, vấn đề hàn gắn sự rạn nứt xã hội chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề không kém phần hóc búa đang chờ đợi bà Park Geun-hye. Tờ báo cho rằng, đó là việc bà phải giảm được khoảng cách nghèo giàu vốn ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc. Thêm vào đó là tình trạng việc làm bấp bênh : Theo thống kê, có hơn 8 triệu người ở nước này làm việc theo kiểu tạm thời, 45% người dân thuộc diện nghèo.

Bên cạnh đó, vị nữ tổng thống phải làm sao tìm ra giải pháp đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng vốn không chỉ gây khó khăn cho người nghèo, mà đã và đang gây khó khăn cho tầng lớp trung lưu. Một vấn đề khác cũng thuộc đối nội đang chờ đợi bà Park Geun-hye, đó là phải tiến hành cải cách chính trị, thanh lọc đội ngũ quan chức để lấy lại lòng tin của dân chúng.

Đối ngoại: gay go trong quan hệ với Bắc Triều Tiên

Trong lĩnh vực đối ngoại, hồ sơ lớn nhất và hóc búa nhất đối với vị nữ tổng thống tân cử, theo tờ báo, đó là hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tờ báo cho biết, bà Park Geun-hye muốn chơi hai lá bài cùng một lúc : Vừa củng cố an ninh quốc gia vừa tìm kiếm sự tin cậy của miền bắc. Nếu Bắc Triều Tiên hợp tác, thì bà sẽ sẵn sàng giúp đỡ nước này xây dựng cơ sở hạ tầng, nói giúp nước này với các nhà đầu tư và các tổ chức ngân hàng quốc tế.

Tuy nhiên, không phải bà hoàn toàn dễ dãi với miền bắc. Tờ báo cho biết, theo bà Park Geun-hye, nếu Bắc Triều Tiên muốn có một sự cứu trợ lương thực tối thiểu thì phải có động thái tỏ thiện chí. Tờ báo trích dẫn lời của bà Park Geun-hye cho thấy lập trường Bắc Triều Tiên của bà : «Hàng cứu trợ khổng lồ không đủ để có một nền hòa bình thật sự. Muốn xây dựng một nền hòa bình thật sự thì đòi hỏi phải có sự tin cậy lẫn nhau, nhưng cũng phải có một sức ép đủ mạnh dựa trên những biện pháp đảm bảo an ninh, để cho mọi người thấy rằng, mọi sự khiêu khích đều phải trả giá ».

Vụ hiếp dâm tập thể tại Ấn Độ : Coi chừng bị thù hận làm mờ mắt

Vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh viên tại Ấn Độ đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân nước này. Tuy nhiên, sự phản đối có đôi khi đã quá đà một cách nguy hiểm. Nhật báo The Telegraph tại Calcutta đăng bài nhận định về vấn đề này, được Courrier International dẫn lại, với dòng tựa báo động : « Người biểu tình thèm khát sự trả thù ».

Tác giả bài viết thừa nhận rằng, sự phẫn nộ, sự phản đối cái ác trong vụ việc vừa qua là chính đáng, thế nhưng cái đáng nói là nhiều người biểu tình đã tỏ ra một thái độ hận thù thái quá khiến cho tình hình thêm phức tạp. Tác giả cho biết, có những băng rôn biểu tình đòi treo cổ, xử tử bằng cách ném đá tập thể hay thậm chí là thiến các thủ phạm trước công chúng. Điều đáng chú ý nữa là các yêu cầu này đều có hình vẽ minh họa kèm theo. Cũng có băng rôn đổ hết trách nhiệm cho nhà cầm quyền, mà không hề nêu lên lỗi lầm của ý thức thờ ơ của cộng đồng.

Người tham gia biểu tình vừa qua phản đối vụ hiếp dâm tập thể đa phần là người thuộc tầng lớp trung lưu ở các khu phố thuộc hàng khá giả ở thủ đô New Dehli. Tác giả cho rằng, sự việc đã bộc lộ những góc khuất của tầng lớp trung lưu thành thị Ấn Độ. Đó là sự say mê trả thù hơn là đòi thực thi công lý, giận dữ mà thiếu cảm thông, sa vào khuynh hướng chỉ biết trách cứ và tấn công người khác mà không bao giờ biết tự trách mình. Theo tác giả, chính cái sự « chỉ biết có mình » này bấy lâu nay đã biến New Delhi thành một thành phố của sự thờ ơ.

Tác giả liệt kê một loạt minh chứng cho ý thức « mạnh ai nấy lo » đó : Tại New Delhi, người lái xe hơi không ngại ngần chạy mạnh vào vũng nước mà không cần để ý có gây ướt cho người đi bộ hay không, người ở các khu giàu sang thì xem tầng lớp lao động bình dân như là tội phạm, các nữ bồi bàn hay thậm chí nữ nhân viên của các trạm thu phí đường bộ thường bị hãm hiếp hoặc bị đánh đập bởi những người giàu hơn, có thế lực hơn…

Tác giả kết luận : New Delhi cần có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, cần có lực lượng an ninh và ngành tư pháp hiệu quả hơn ; thế nhưng quan trọng hơn những điều đó, thành phố này cần hơn sự cảm thông và thấu hiểu, cần hơn sự chia sẻ và bình đẳng, cần hơn sự tự trách mình chứ không chỉ biết có trách người.

Hoa Kỳ : Sinh viên nợ nần chồng chất !

Nhìn về nước Mỹ, tạp chí L’Express có bài chạy tựa : « Sinh viên Hoa Kỳ, nợ nần chồng chất », cho biết thực trạng nhiều sinh viên vay tiền Nhà nước để chi trả cho việc học, khó có thể trả được nợ nần, do khủng hoảng kinh tế và tình trạng việc làm quá đỗi khó khăn.

Tại Mỹ, nếu không có đủ tiền ăn học thì sinh viên có thể vay Nhà nước với sự bảo lãnh của cha mẹ. Ấy thế nhưng vào thời buổi kinh tế khủng hoảng, học xong ra trường không tìm được việc làm, nhiều sinh viên chưa thể trả nợ khi đáo hạn, và kết quả là mỗi ngày những cuộc điện thoại nhắc nợ reo lên ở hàng triệu hộ gia đình rải rác trên khắp nước Mỹ. L’Express cho biết, sau khủng hoảng nợ về việc vay tiền mua nhà và xe hơi, giờ đây lại đến nợ tiền ăn học. Theo thống kê, tiền nợ của sinh viên tại Mỹ đã lên đến 1 000 tỷ đô la.

Tờ báo cho biết thêm, ở Mỹ, hiện mức thất nghiệp đã gần 8%, trong khi những người có việc làm thì lại bị giảm lương, tất cả khiến cho việc trả nợ của sinh viên ra trường càng lắm khó khăn. Theo thống kê, có đến 68% sinh viên đã tốt nghiệp tại Mỹ bị thiếu nợ tiền vay ăn học, trong đó mỗi sinh viên nợ trung bình gần 27 000 đô la, trong khi con số này hồi năm 1989 chỉ có 10 000 đô la.

Đối với hai ngành danh giá và tốn kém nhất là y khoa và kinh tế, thì 1/10 sinh viên ra trường có số nợ đến 62 000 đô la. Nhìn trên tổng thể, có đến 20% hộ gia đình tại Mỹ, hàng tháng phải chi tiền trả nợ ăn học. Bàn về lứa tuổi, L’Express cho hay, lứa tuổi mắc nợ nhiều nhất là tuổi dưới 35.

Tờ báo nhận định, ở thời buổi kinh tế khó khăn này, các món nợ ăn học quả thật là nặng nề đối với các hộ gia đình và với bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, lại còn có nợ vay mua nhà, mua xe. Tất cả gây ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng, và dĩ nhiên nhìn rộng ra thì làm trì trệ kinh tế đất nước.

Tại Mỹ, đi học cũng là một cách để trốn nợ

L’Express cho biết, nhiều người đã ra trường, đã có việc làm, nhưng cũng đăng ký học tiếp một cái gì đó ở trường đại học, để nâng cao trình độ trong hy vọng sẽ kiếm được việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích đó, còn có một lợi ích có vẻ hơi ngược đời, đó là khi đăng ký học như vậy, món nợ đang thiếu sẽ được hoãn thời gian trả. Và thế là, người mắc nợ ăn học khi đã đăng ký học tiếp thì chỉ mong là tốt nghiệp càng trễ càng tốt !

Pháp : tổng thống chưa tạo được dấu ấn ngoại giao

Nhìn sang nước Pháp, L’Express có bài xã luận nhận định rằng, trong năm 2013, nhiệm vụ chính của tổng thống Pháp François Hollande là phải tạo được hình ảnh và sự ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tờ báo nhắc lại, các tổng thống trước ông Hollande đều tìm cách tạo dấu ấn trên hồ sơ ngoại giao. Mỗi người một cách riêng. Hai vị tổng thống tiền nhiệm gần nhất của ông Hollande đó là ông Jacques Chirac và ông Nicolas Sarkozy : Ông Chirac ngoại giao bằng sự thân thiện, ông Sarkozy ngoại giao bằng sự tính toán…

Còn đối với đương kim tổng thống Hollande, tờ báo nhận định, ông không có sở thích và cũng không có kinh nghiệm ngoại giao, vì thế, có lẽ ông sẽ phải cố gắng nhiều, và như thế, cách ngoại giao của ông có thể là ngoại giao bằng ý thức. Tờ báo chỉ ra việc ông Hollande sau sáu tháng điều hành đất nước, đã tỏ ra có được ý thức đó như tích cực tham dự hội nghị, cẩn trọng trên các hồ sơ và cũng biết nói những lời ngoại giao hoa mỹ với các lãnh đạo khác trên thế giới.

Thế nhưng, theo tờ báo, năm 2013 này, chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ, bởi năm mới tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho Pháp. Sau khi rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, ông Hollande có thể sẽ tiến hành cuộc chiến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình ở Mali. Mà ở chiến trường này, tờ báo nhận định, dấn thân vào thì nguy hiểm, mà bỏ cuộc thì cũng rất hiểm nguy. Nhìn rộng ra châu Phi, L’Express cho rằng, bất ổn nơi đây có nguy cơ lan rộng, nên sẽ còn tiếp tục tạo nhiều cạm bẫy cho nước Pháp. Bên cạnh đó, tổng thống Hollande cũng không thể thư thả trong hồ sơ Trung Đông và Iran.

Chưa hết, vụ phanh phui vừa rồi về khả năng chuyển giao công nghệ hạt nhân của tập đoàn điện quốc gia EDF của Pháp cho Trung Quốc cũng mang đến một nguy cơ khác cho nước Pháp, bởi đây là một vấn đề tầm quốc gia của Pháp, khiến người ta đặt vấn đề về quyền lực của điện Elysée, khiến nước Pháp có nguy cơ mất thế mạnh về hạt nhân. Mà năng lượng hạt nhân lại rất quan trọng, bởi nước nào nắm năng lượng trong hiện tại sẽ có cân có lượng trên thế giới trong tương lai.

Bắc Triều Tiên : Đống sắt vụn nhưng hãy coi chừng !

Phụ trang cuối tuần báo Le Monde dành trang ảnh của số ra tuần này cho vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa với hình ảnh một khối sắt vụn.

Tờ báo nhắc lại, khối sắt vụn này là một phần của bồn chứa nhiên liệu của tên lửa do Bắc Triều Tiên bắn hồi giữa tháng 12, và được Hàn Quốc nhặt được vào ngày 23/12. Qua kiểm tra cho thấy, đây hoàn toàn không phải là một công nghệ thuộc hàng tối tân. Thế nhưng, theo Hàn Quốc, tên lửa có chứa khối sắt vụn này có sức chở đến nửa tấn với tầm bắn lên đến 10 000 km.

Nói như vậy thì tên lửa không tối tân của Bắc Triều Tiên có thể chạm đến bất cứ vùng nào ở châu Á, Đông Âu, Tây Phi, hay thậm chí tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Fukushima : Hậu quả không ngờ đến

Nhìn về Nhật Bản, Le Monde cho hay, trẻ em khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima có nguy cơ bị béo phì.

Hậu quả không ngờ đến này được công bố trong một báo cáo chính thức tại Nhật Bản hồi cuối tháng 12 rồi. Báo cáo cho biết, học sinh khu vực lân cận nhà máy hạt nhân Fukushima mập hơn mức trung bình của trẻ em Nhật Bản.

Nguyên nhân, theo báo cáo, đó là do đề phòng nhiễm phóng xạ nên các hoạt động ngoài trời của học sinh ở đây đã bị hạn chế, vì thế trẻ em thiếu hoạt động cơ thể và dễ bị béo phì.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.