Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

2013: Trung Quốc phục hồi kinh tế

Trung Quốc được quan tâm với hai bài báo đáng chú ý : Le Monde trở lại với « cuộc nổi dậy chống kiểm duyệt báo chí » tại tỉnh Quảng Đông. Les Echos như đem một tin vui đến cho Bắc Kinh : « 2013, tăng trưởng kinh tế sẽ đúng hẹn ». Marseille thủ đô văn hóa Châu Âu 2013, ba người Kurdistan bị ám sát tại Paris, nữ diễn viên Pháp Emmanuelle Riva 85 tuổi được đề cử tranh giải Oscar : Đó là ba chủ đề lớn thu hút các tờ báo Paris trong ngày. Nhưng trước hết xin điểm các bài báo liên quan đến Trung Quốc.

Một xưởng may quần áo phục vụ xuất khẩu tại Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, 17/12/2012
Một xưởng may quần áo phục vụ xuất khẩu tại Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, 17/12/2012 REUTERS
Quảng cáo

Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, đành là thành tích tăng trưởng năm ngoái của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ 1999, chỉ đạt 7,7 %. Thế nhưng, nền kinh tế thứ nhì trên thế giới đã thoát khỏi kịch bản đen tối nhất : Chính quyền đã nỗ lực tránh để kinh tế bị hạ cánh đột ngột, gây xáo cho các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Thặng dư thương mại trong năm 2012 tăng 48 % so với 2011. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đạt kỷ lục 3 310 tỷ đô la. GDP Trung Quốc trong năm 2013 dự trù tăng 0,5 % so với thành tích đã đạt được năm ngoái.

Thế nhưng, theo Les Echos, thời kỳ tăng trưởng kinh tế trên 10 % đã đi qua. Bản thân Bắc Kinh cũng chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng 7,5 % cho năm 2013. Trong lúc các nhà phân tích chờ đợi tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc sẽ tăng khoảng từ 8 đến 9 %.

Vấn đề đạt ra là tăng trưởng của Trung Quốc có được nhờ đầu tư ồ ạt của tư nhân và Nhà nước. Ngân sách chi tiêu công cộng tăng 19 % trong lúc đầu tư vào hạ tầng cơ sở tăng thêm 25 % trong năm 2012 so với 2011. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa hãy còn yếu kém. Tác giả bài báo nêu lên 2 con số để minh họa cho điều này : Vào năm 2000, tiêu thụ của tư nhân chiếm 47 % GDP Trung Quốc. Tỷ lệ đó rơi xuống còn 38 % vào năm 2012.

Ngược lại, khi nhìn vào các khoản đầu tư, thì trọng lượng của nguồn vốn này trong GDP Trung Quốc ngày càng lớn : 35 % vào năm 2000 và 49 % vào năm ngoái. Nói cách khác để tạo ra một nhân dân tệ của cải thì Trung Quốc phải đầu tư đến gấn 50 xu.

Nhìn đến một cột trụ khác của kinh tế Trung Quốc là xuất khẩu, Les Echos cho rằng niềm vui của giới lãnh đạo Bắc Kinh không được trọn vẹn : Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2012 đã tăng nhanh hơn dự kiến, nhưng nhìn chung cho cả năm, mậu dịch của Trung Quốc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 10 % như Bắc Kinh mong mỏi. Les Echos kết luận : Những thách thức kinh tế đặt ra cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc trong năm nay không thiếu.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả về phương diện xã hội, 2013 cũng là một cuộc trắc nghiệm cho nhiệm kỳ đầu của ông Tập Cận Bình.

Quảng Đông và phong trào chống kiểm duyệt của báo giới

Theo Le Monde, cuộc nổi dậy chống kiểm duyệt của báo giới Trung Quốc là thách thức đầu tiên đối với một ban lãnh đạo đang chuẩn bị lên cầm quyền tại Bắc Kinh.

Trong bài xã luận tờ báo cho rằng tuần trăng mật giữa chủ tịch Trung Quốc tương lai, Tập Cận Bình với người dân đã chấm dứt. Vài tuần lễ sau khi được chính thức chỉ định lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã chứng minh với công chúng rằng Bắc Kinh vẫn có thói quen « nói một đằng, làm một nẻo » :

Nhân kỷ niệm 30 năm bản Hiến pháp Trung Quốc chào đời, nhà lãnh đạo họ Tập từng mạnh dạn cam kết tôn trọng văn bản có quy định rõ ràng các quyền tự do (ngôn luận, tập hợp …) để kiến thiết một quốc gia « hùng mạnh ». Nhưng chủ tịch Trung Quốc tương lai đang đã chứng minh rằng « lời nói không đi đôi với việc làm ». Một số các tờ báo của Trung Quốc bị kiểm duyệt như là trường hợp của tờ Nam Phương Chu Mạt hay Tân Kinh Báo.

Le Monde cho rằng, ông Tập Cận Bình đang « trải qua cơn bão tố đầu tiên ». Theo lời một dân cư mạng được tờ báo trích dẫn, người Trung Quốc ngày nay « sẵn sàng đương đầu với rủi ro để được hưởng nhiều tự do hơn và họ không còn sợ hãi nhiều như trong quá khứ ».

Đương nhiên, trên quê hương Mao Trạch Đông, người ta vẫn còn phải trả giá khi muốn được bày tỏ quan điểm. Đặc phái viên báo Le Monde tại Quảng Đông cho biết, tác giả của câu nói trên đây, ngay sau khi tiếp xúc với phóng viên nước ngoài đã bị công an mời lên làm việc.

Ở phần trang trong, Le Monde cũng dành một bài báo khá dài để nói về « cô blogger đang làm chấn động Quảng Đông » : Âu Gia Dương, một cô gái tóc đỏ 24 tuổi. Hôm 07/01/2013, khi phong trào phản kháng của các nhà báo ở tỉnh Quảng Đông bùng lên đến đỉnh điểm, cô gái họ Âu đã bước lên tuyến đầu. Từ nhiều năm qua, Âu Gia Dương từng tranh đấu trong các hội đoàn bảo vệ người đồng tính. Tên tuổi của cô đã nổi lên cách nay hơn một năm khi Âu Gia Dương đòi chính quyền tỉnh minh bạch hóa các khoản chi tiêu khổng lồ 150 triệu nhân dân tệ để thắp đèn cho một khu phố. Sự kiên trì của cô gái còn trẻ tuổi này cuối cùng đã buộc chính quyền Quảng Đông phải giảm đi đến 80 % ngân sách dành cho dự án nói trên.

Âu Gia Dương đấu tranh trên mạng internet và các trang blog để đánh động dư luận về những hành vi phi lý của các nhà lãnh đạo địa phương. Tháng 2/2012, cùng với vài người bạn, Âu Gia Dương đã thành lập một tổ chức phi chính phủ để bảo vệ quyền lợi của nữ giới, đặc biệt là của những phụ nữ đồng tính.

Máu đổ tại Paris

Nhìn vào phần còn lại của thời sự quốc tế trong ngày, làng báo Paris trở lại với vụ 3 nhà đấu tranh người Kurdistan vừa bị sát hại ngay giữa lòng thủ đô nước Pháp. Libération đưa sự kiện này lên trang đầu và nêu lên câu hỏi phải chăng đây là một vụ thanh toán nội bộ giữa các phe phái trong hàng ngũ đảng PKK, tức đảng Lao động Kurdistan ? Các nhóm cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ có can dự vào vụ ám sát ba người đàn bà Kurdistan xảy ra cách nay hai ngày gần trụ sở Trung tâm Thông tin Kurdistan ở quận X Paris hay không ? Hay đấy là một âm mưu phá hoại mọi kế hoạch hòa giải giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ với lãnh đạo Kurdistan, Ocalan ?

Bên cạnh việc đưa ra nhiều giả thuyết về vụ thanh toán kể trên, Le Figaro đã phác họa chân dung của lãnh đạo phong trào ly khai Kurdistan, Abdullah Ocalan : Nhân vật này được mệnh danh là « ánh mặt trời của người Kurdistan » và được hàng triệu người kính phục. Nhưng Ocalan lại chính là kẻ thù số một của chính quyền Ankara. Ông bị kết án tù chung thân và đang bị giam giữ trên một hòn đảo cách không xa Istanbul. Luật sư của ông và các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ Ocalan trong những điều kiện vô nhân đạo.

Marseille, thủ đô văn hóa 2013 của châu Âu

Mục văn hóa của hầu hết các tờ báo trong ngày đều dành để nói về thành phố cảng miền nam nước Pháp : Marseille. Kể từ ngày mai và trong vòng một năm, Marseille chính thức trở thành thủ đô văn hóa của toàn châu Âu. Libération dành hẳn một hồ sơ đặc biệt để nói về sự kiện này và tờ báo chơi chữ « Marseille, vô địch châu Âu ». Còn L'Humanité nêu lên một số điều kiện để Marseille xứng đáng với danh hiệu đó.

Theo L'Humanité, được chọn là « thủ đô văn hóa châu Âu » đối với thành phố Cảng Marseille nói riêng và với toàn bộ vùng Provence nói chung, vừa là một cơ hội vừa là một thách thức. Đây là cơ hội để đón khách du lịch, nhưng để hoàn thành mục tiêu đó thì Marseille thật sự phải xứng đáng là một « trung tâm văn hóa của châu Âu ». Hai chữ « văn hóa » ở đây phải hiểu theo nghĩa đó là một công cụ để phục vụ cho dân chủ, cho tự do cọ sát tư tưởng.

Từ đó, tờ báo nêu lên ba yếu tố quyết định để Marseille thành công trong nhiệm vụ này : Một là phải tại được một sự đối thoại thực và trao đổi thực giữa hai bên bờ Địa Trung Hải. Điều kiện thứ nhì là Marseille cũng như vùng Provence phải trở thành bệ phóng để cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Cuối cùng, năm văn hóa Marseille phải huy động được đông đảo quần chúng để những gì thuộc về văn hóa, nghệ thuật không là của riêng, chỉ được dành cho những thành phần khá giả.

Libération nhấn mạnh 2013 là cơ hội để Marseille thay đổi hình ảnh của mình. Người ta không chỉ nhắc đến thành phố này khi các tay anh chị thanh toán lẫn nhau hay bằng những khẩu kalachnikov hay vì các vụ tham nhũng. Kể từ ngày mai, người ta sẽ nhắc đến những viện bảo tàng vô giá của Marseille, đến những sinh hoạt đường phố đầy chất sáng tạo của những con người sinh ra trên một miền đất ấm. Tờ báo không quên điểm qua những tiết mục sáng giá nhất của mùa văn hóa 2013 tại Marseille !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.