Vào nội dung chính
THÁI LAN

Báo giới Thái Lan kêu gọi quân đội đừng can thiệp vào lĩnh vực truyền thông

Ngày hôm qua, 12/01/2013, Hiệp hội các nhà báo Thái ra thông cáo kêu gọi quân đội không nên gây sức ép đối với truyền thông, sau khi khoảng ba chục binh sĩ, mặc quân phục, đến biểu tình trước trụ sở đài truyền hình Asia Satellite TV, đòi các nhà báo phải xin lỗi vì đã chỉ trích tổng tư lệnh quân đội. 

Tổng tư lệnh quân đội Thái Prayuth Chan Ocha. Ảnh chụp ngày 14/01/2011.
Tổng tư lệnh quân đội Thái Prayuth Chan Ocha. Ảnh chụp ngày 14/01/2011. (Reuters)
Quảng cáo

Thông cáo viết : « Hiệp hội các nhà báo Thái kêu gọi quân đội chấm dứt can thiệp vào truyền thông dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu truyền thông không thể hoạt động độc lập, thì công chúng sẽ không có được đầy đủ các thông tin và sự việc ».

Quân đội Thái Lan - vốn vẫn có truyền thống can thiệp vào chính trường, thực hiện nhiều cuộc đảo chính - thông báo là sẽ ra lệnh cho nhóm binh sĩ chấm dứt biểu tình.

Phát ngôn viên quân đội Thái, đại tá Sansern Kaewkamnerd, cho AFP biết : « Tổng tư lệnh quân đội nói : Chúng ta phải khoan dung, không gây ra xung đột ». Tuy nhiên, đại diện quân đội Thái cũng bác bỏ cáo buộc là các binh sĩ gây sức ép đối với báo chí, vì các binh sĩ không làm gì đặc biệt cả ngoài việc bày tỏ chính kiến. Họ không làm ai bị thương hoặc ngăn chặn lối vào trụ sở đài truyền hình.

Đài truyền hình Asia Satellite TV thuộc sở hữu của ông Sondhi Limthongkul, một trong những thủ lĩnh phong trào Áo Vàng, thân Hoàng gia và có lập trường thân quân đội. Nhiều tổ chức thuộc phong trào này, trong thời gian qua, đã kêu gọi quân đội phải tỏ ra cứng rắn, nhất là đối với phong trào Áo Đỏ, thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Kể từ khi quân đội làm đảo chính, vào tháng Chín năm 2006, lật đổ thủ tướng Thaksin, đất nước Thái Lan bị chia rẽ trầm trọng.

Theo tin báo chí, tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-O-Cha, là người đã chỉ huy vụ trấn áp các cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ, hồi tháng Tư và tháng Năm năm 2010, làm hơn 90 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, chỉ huy quân đội Thái Lan lại tỏ ra sẵn sàng hợp tác với thủ tướng đương nhiệm, bà Yingluck, em gái của ông Thaksin.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng chia rẽ chính trị tại Thái Lan đã ảnh hưởng nặng nề đến quyền tự do báo chí, hàng ngàn trang web đã bị đóng cửa và các đạo luật trừng trị tội khi quân thường được áp dụng để trấn áp phe đối lập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.