Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Senkaku/Điếu Ngư : Trung Quốc đấu dịu, Nhật Bản cứng rắn

Vào lúc tranh chấp Nhật Trung về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu ngư tiếp tục căng thẳng, một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc vào hôm qua 16/01/2013, đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh đàm phán với Tokyo. Lời kêu gọi ngày được đánh giá là một cố gắng giảm nhiệt từ phía Trung Quốc, nhưng tân chính quyền Nhật Bản lại có phản ứng không thuận lợi.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama (giữa) cùng vợ thăm Bảo tàng Thảm sát Nam Kinh (17/01/2013), trong chuyến đi Trung Quốc, theo lời mời của Học viện Ngoại giao Trung Quốc.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama (giữa) cùng vợ thăm Bảo tàng Thảm sát Nam Kinh (17/01/2013), trong chuyến đi Trung Quốc, theo lời mời của Học viện Ngoại giao Trung Quốc. REUTERS/Sean Yon
Quảng cáo

Theo nguồn tin được truyền thông chính thức Trung Quốc loan tải, trong cuộc tiếp xúc vào hôm qua, 16/01, với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Bắc Kinh, ông Giả Khánh Lâm (Jia Qing Lin), Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã cho rằng hai nước « nên bắt tay giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku) nhằm đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương ». Quan điểm của ông Giả Khánh Lâm đã được cựu thủ tướng Nhật tán đồng.

Trong bối cảnh Bắc Kinh trong thời gian qua liên tục có những động thái quyết đoán, thậm chí khiêu khích, nhắm vào Tokyo lên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tuyên bố hòa dịu của ông Giả Khánh Lâm đã thu hút ngay sự chú ý của các nhà quan sát vì ông trở thành lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc công khai đưa ra lời kêu gọi đàm phán.

Giọng điệu ôn hòa của ông, không lập lại các luận điểm buộc tội thường được các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra về cuộc tranh chấp này – ví dụ như cho rằng Nhật Bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng – được cho là tín hiệu Bắc Kinh tung ra để kêu gọi Tokyo cùng xuống thang căng thẳng.

Theo giới phân tích, ông Giả Khánh Lâm là một lãnh đạo cao cấp, nhưng sẽ nghỉ hưu tháng ba và Hatoyama từ lâu đã là một người ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, cho dù ảnh hưởng của ông không còn như xưa dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chính các lý do đó tạo điều kiện cho Bắc Kinh bắn tin kêu gọi giảm nhiệt một cách dễ dàng hơn, vì sẽ không bị mất mặt nếu bị khước từ.

Thực tế có vẻ diễn biến theo kịch bản đó. Ngay sau khi nguồn tin về lời kêu gọi của ông Giả Khánh Lâm được đưa ra, Tokyo cho thấy là họ chưa thay đổi lập trường.

Bình luận về các thông tin theo đó cựu thủ tướng Hatoyama đã đồng ý với ông Giả Khánh Lâm về sự cần thiết là hai bên phải đàm phán với nhau về tranh chấp biển đảo, phát ngôn viên nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết là chính phủ Nhật không đồng ý với quan diểm trên.

Ông Suga xác định : « Đây rõ ràng không phải là một lời bình luận phản ánh quan điểm của chính phủ Nhật Bản, và chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng một người đã từng là thủ tướng của đất nước lại đưa ra một nhận xét như vậy ».

Cho đến nay, Nhật Bản đã kiên quyết từ chối những lời kêu gọi đàm phán trên các hòn đảo, vì Tokyo cho rằng mình có chủ quyền chính đáng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lại là nước đang kiểm soát quần đảo này trong thực tế, do đó không có gì để thương lượng.

Theo giới phân tích, lập trường nói trên của Tokyo trước mắt khó có thể thay đổi, vì lẽ Thủ tướng Abe và đảng Dân chủ Tự do đang cần củng cố uy thế trước cuộc bầu lại Thượng viện Nhật, do đó sẽ không thể nào tỏ vẻ nhu nhược trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.