Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Trung Quốc khai thác lời xin lỗi của cựu thủ tướng Nhật Hatoyama

Nhân chuyến thăm Trung Quốc, cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, vào hôm qua 17/01/2013, đã đến viếng đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh vào cuối năm 1937, đầu năm 1938. Tại đây, ông Hatoyama đã ngỏ lời "xin lỗi" về hành động của quân đội Nhật Hoàng. Sự kiện này dĩ nhiên đã được Trung Quốc triệt để khai thác vào lúc Bắc Kinh gia tăng áp lực đối với Tokyo để đòi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu ngư đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, ngày 17/01/2013, trước bức tường ghi tên các nạn nhân trong vụ thảm sát Nam Kinh, Trung Quốc.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, ngày 17/01/2013, trước bức tường ghi tên các nạn nhân trong vụ thảm sát Nam Kinh, Trung Quốc. REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Theo thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, báo chí Nhà nước Trung Quốc, từ tiếng Anh cho đến tiếng Hoa, đều đã dành trang nhất cho lời « hối lỗi » của cựu thủ tướng Nhật Bản và không che giấu thái độ hoan hỉ :

"Từ những lời nói cho đến hình ảnh hay một loạt những cử chỉ nhỏ (của ông Hatoyama), tất cả đều đã được báo chí Trung Quốc nêu bật vào hôm nay.

Trước tiên là bức hình ông Hatoyama, chắp tay trước tấm bia đá ghi tên các nạn nhân bị giết thời Nhật còn chiếm đóng Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc còn nêu thái độ « nghiêm túc » lắng nghe của vị cựu thủ tướng Nhật trong chuyến viếng đài tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh.

Họ cũng ghi nhận là vào lúc ký tên trên sổ lưu niệm, ông Hatoyama đã thay một chữ tên mình trong tiếng Hoa bằng chữ mang nghĩa là tình bạn giữa hai nước. Tờ Hoàn Cầu thời báo sáng nay cho rằng : Phải chìa tay thân thiện đối với những người dễ mến.

Ông Hatoyama là vị thủ tướng thứ ba của Nhật đến Nam Kinh. Chính ông cũng là người vào năm 2010, trong không đầy một tuần lễ, đã thành công trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Nhật Hoàng và ông Tập Cận Bình người lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, một sự kiện đã khiến cho nội cung Nhật Bản bất bình.

Báo chí Trung Quốc cũng nhắc lại là dù cho mang tính chất cá nhân, nhưng cử chỉ của ông Hatoyama cũng nằm trong nỗ lực của hai nước muốn thoát khỏi tình hình căng thẳng hiện nay do vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hành động của ông Hatoyama tuy nhiên đã không được dư luận Nhật tán đồng. Một số dân cư mạng Trung Quốc, sáng nay đã hóm hỉnh đề nghị : Nếu căn cứ vào phản ứng tại Nhật Bản thì có lẽ ông Hatoyama nên ở lại Trung Quốc ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.