Vào nội dung chính
CHÂU Á

Senkaku/Điếu Ngư : Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Nhật Bản

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 18/01/2013 cảnh báo Trung Quốc không nên thách thức quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, nơi mà Bắc Kinh cũng tuyên bố có chủ quyền. Trong khi đó, tân chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ không làm cho tình hình trong khu vực này thêm căng thẳng.

Reuters
Quảng cáo

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, trong chuyến xuất ngoại đầu tiên kể từ khi nhậm chức, đã tới Hoa Kỳ và hội đàm với đồng nhiệm với Mỹ, nhằm chuẩn bị cho cuộc viếng thăm Washington của tân thủ tướng Shinzo Abe, được dự kiến vào tháng Hai tới.

Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nhật Bản, bà Clinton đã đề cập đến tình hình căng thẳng tại biển Hoa Đông, trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái muốn tìm cách kiểm soát quần đào Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh, vùng quần đảo này đặt dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và được bảo vệ bởi hiệp định an ninh Mỹ-Nhật.

Bà Clinton tuyên bố : « Chúng tôi chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản ». Mặc dù không nêu đich danh Trung Quốc trong lời cảnh báo, nhưng lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định : « Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ hành động nào được tiến hành bởi bất kỳ bên nào, làm gia tăng căng thẳng hoặc là hậu quả của việc hiểu lầm, có thể phá hoại hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế trong khu vực ».

Chính quyền Hoa Kỳ thường xuyên nhắc lại là không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng lại sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước an ninh song phương, ký kết từ năm 1951, được đàm phán lại và ký kết vào năm 1960, theo đó, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản, trong trường hợp nước này bị tấn công.

Trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, dường như Bắc Kinh áp dụng « chiến tranh tiêu hao » : các tàu hải giám, ngư chính và thuyền cá của Trung Quốc liên tục hiện diện gần Senkaku/Điếu Ngư và thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải quần đảo này. Thậm chí, không quân Nhật Bản nhiều lần xua đuổi máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Senkaku/Điếu Ngư.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaru Sato nói với các nhà báo là tần suất và quy mô các vụ khiêu khích của Trung Quốc gia tăng đáng kể và tố cáo : « Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự hiện hành bằng vũ lực hoặc hăm dọa ».

Cũng trong cuộc họp báo hôm qua tại thủ đô Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Nhật Kishida, một mặt tuyên bố rằng Bắc Kinh là đối tác quan trọng nhất của Tokyo, nhưng mặt khác, khẳng định rõ ràng là Nhật Bản sẽ không nhượng bộ và bảo vệ lập trường cơ bản của mình, theo đó quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản và Tokyo chủ trương đáp trả một cách điềm tĩnh truớc các hành động khiêu khích của Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng Mỹ hoan nghênh việc đảng bảo thủ Tự Do Dân Chủ quay lại cầm quyền tại Nhật Bản vì lập trường cứng rắn của thủ tướng Shinzo Abe cũng như việc Tokyo gia tăng chi phí quốc phòng sẽ giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngày hôm nay 19/01/2013, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton. Tân Hoa Xã tố cáo là khi ủng hộ xu hướng hữu khuynh nguy hiểm của Nhật Bản và hậu thuẫn Tokyo trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, Hoa Kỳ đã « phản bội » lại mong muốn của mình là đứng trung lập và điều này đe dọa cân bằng lực lượng tại Đông Á.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.