Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình mới chỉ thay đổi tác phong

Lên nắm quyền lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc từ sau Đại hội đảng Cộng sản 18 hồi tháng 11 năm 2012, ông Tập Cận Bình đang cố gắng tạo cho mình một phong cách mới. Gần đây ở Trung Quốc, người ta đang bàn nhiều đến tác phong mới mẻ của nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất đất nước này. Le Monde đăng bài phân tích mang tiêu đề « Trung Quốc, phong cách mới của ông Tập ».

Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương trong phiên bế mạc Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/11/2012. (REUTERS)
Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương trong phiên bế mạc Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/11/2012. (REUTERS)
Quảng cáo

Đúng là thay đổi đầu tiên có thể cảm nhận được ngay từ cuộc chuyển đổi thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc hiện nay đó là phong cách của ông Tập Cận Bình. Theo bài báo, ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thể hiện một phong cách mới, diễn đạt thoải mái, khác hẳn với thái độ lạnh lùng, quan cách của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.Ông ta còn đã áp đặt phong cách sống và làm việc cho các cán bộ, yêu cầu họ phải sống giản dị hơn, tránh xa thói sống xa hoa và trụy lạc…

Nguyên nhân vì sao lại phải bắt đầu từ phong cách sống của người lãnh đạo? Theo tác giả, các vụ bê bối tham nhũng liên tục bung ra ở Trung Quốc đã cho thấy sự suy đồi của tầng lớp các quan chức địa phương có nhiều đặc quyền đặc lợi đã làm hủy hoại hình ảnh của đảng Cộng sản mà khi giành được chính quyền năm 1949 đã hứa hẹn xây dựng một nước Trung Quốc mới tham nhũng ít, công lý và bình đẳng nhiều hơn ».

Theo tác giả, bằng chứng điển hình là vụ Bạc Hy lại « con cưng » của chế độ bị cáo giác lạm dụng quyền hành, tham nhũng, tiếp tay cho các hành động phạm tội của vợ, hay như vụ báo chí nước ngoài phát giác về khối tài sản khổng lồ của thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Theo Le Monde, « Từ khi ông Tập lên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, không có ngày nào báo chí chính thức ở Trung Quốc lại không nói đến một quan chức nào đó bị xử lý nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng ». Đi kèm những vụ việc đó là những cáo giác về lối sống tha hóa của tầng lớp cán bộ.

Tác giả cho biết, hôm 22 tháng Giêng vừa qua, trong cuộc họp ủy ban kỷ luật, một cơ quan chống tham nhũng của đảng, Tập Cận Bình đã khẳng định lại quyết tâm « làm sạch » đảng. Ông nhấn mạnh rằng « Phong cách làm việc không phải là chuyện phù phiếm. Nếu ta không kiên quyết sửa chữa lối sống không lành mạnh, nếu cứ để nó kéo dài, thì đó sẽ là một bức tường vô hình ngăn giữa đảng và quần chúng, đảng sẽ mất đi cái nền tảng, huyết mạch và sức mạnh của mình ». Trong cuộc họp này, ông Tập Cận Bình cũng tỏ ý muốn thể chế hóa quyền lực để chống lại việc lạm dụng chức quyền trong cán bộ.

Le Monde nhận thấy cuộc tranh luận như thế này không có gì mới. Nhiều nhà lý luận trong đảng và giới trí thức phản biện ở Trung Quốc đều có một điểm chung đó là Trung Quốc phải tiến hành chuyển tiếp sang một Nhà nước pháp quyền vào thời kỳ đầy hoài nghi và căng thẳng này.

Trong bối cảnh hiện nay của một nước Trung Quốc trên đà đô thị hóa mạnh, tầng lớp trung lưu ngày càng muốn bày tỏ nhiều ý kiến thì những vụ việc như vụ nổi loạn của các nhà báo chống lại kiểm duyệt hay việc thông báo xóa bỏ các trại cải tạo lao động, biểu tượng cho quyền bắt người vô cớ không cần xét xử, được cho là những dấu hiệu quan trọng.

Theo Le Monde kết luận : Nhưng rồi đây, biến chuyển này một lần nữa sẽ đặt ra vấn đề cải cách chính trị vốn đã từng được khơi dậy từ những năm 1980 nhưng bị dập tắt sau vụ đàn áp Thiên An Môn. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu thiết lập những thể chế đối kháng quyền lực cuối cùng có dẫn đến chấm dứt độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản ? Trước mắt, Tập Cận Bình, vẫn có tiếng là một nhà cách tân "thận trọng", cũng giống như Đặng Tiểu Bình sẽ phải cố xoay xở giữa những phe phái và những nhóm lợi ích và rồi « mọi thứ đổi thay để cho không có gì thay đổi ».

Tranh chấp biển đảo Philippines-Trung Quốc : Đưa ra tòa án quốc tế để tìm giải pháp lâu dài

Vẫn liên quan đến khu vực châu Á, nhật báo Le Monde trở lại với sự kiện Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế phân giải với bài viết « Philippines sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về bãi  đá ngầm Scarborough ».

Le Monde nhận thấy gần 20 năm tham khảo ý kiến, phản đối và tranh luận về vấn đề chủ quyền đảo đá ngầm không người ở trong Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila đều không không mang lại kết quả gì. Chính vì thế mà ngày 22 tháng Giêng vừa qua, tại Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã thông báo với báo chí quyết định đưa vụ tranh chấp ra tòa án quốc tế phân giải trong khuôn khổ Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Giải thích về việc làm của chính phủ Philippines, ông Rosario nói : « Philippines đã dùng gần như mọi đường hướng chính trị và ngoại giao để giải quyết thông qua đối thoại hòa bình những bất đồng về biển đảo với Trung Quốc » , Ngoại trưởng Philippines nói thêm « Từ năm 1995, Philipinnes đã nhiều lần trao đổi với Trung Quốc nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng. Đến giờ, một giải pháp vẫn còn là điều xa vời. Chúng tôi hy vọng thủ tục tố tụng trung gian này sẽ đưa đến một giải pháp lâu dài ».

Vụ kiện của Philippines cũng liên quan đến tranh chấp một phần của quần đảo Trường Sa. Nhưng Manila chủ yếu yêu cầu tòa án tuyên bố rằng « các đì hỏi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là đi ngược lại Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển và vô giá trị », đồng thời Philippines yêu cầu Trung Quốc « chấm dứt các hành động xâm phạm quyền của người Philippines hoạt động trên vùng biển của mình ».

Đáp lại, có thể Trung Quốc sẽ lại một lần nữa chơi lá bài trả đũa thương mại đối với Philippines. Bắc Kinh tố cáo quyết định của Philippines đi ngược lại tuyên bố đã ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002, theo đó các bên cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng.

Le Monde nhận định, từ năm 2012 Bắc Kinh tăng sức ép lên các láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam trên vấn đề tranh chấp Biển Đông, nơi được cho là giàu tài nguyên khí đốt và hải sản. Riêng với trường hợp Scarborough thì đây không phải là nơi có dầu khí nhưng lại chiếm một vị trí chiến lược giúp Trung Quốc chiếm lĩnh một vùng rộng lớn trên Biển Đông nếu hòn đảo này được công nhận là của Trung Quốc.

Le Monde cũng ghi nhận thấy, căng thẳng Trung – Nhật trên quần đảo Điếu Ngư / Senkaku đã làm lu mờ phần nào cuộc tranh chấp ở vùng Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhiều biện pháp nhằm khẳng định chủ quyền đối với Philippines và Việt Nam, đặt vùng tranh chấp dưới quyền quản lý pháp lý riêng của mình, ban hành quy định cấp phép đi lại cho tàu bè nước ngoài đi lại trong vùng biển đó.

Sau nhiều lần đe dọa đưa vấn đề ra Liên hiệp quốc, cuối cùng Philippines đã đi một bước, đưa ra tòa án quốc tế. Đây là một trong những cách thức được quy định trong Công ước về luật biển của Liên hiệp Quốc.

Theo các chuyên gia quốc tế, nếu tòa án công nhận bãi đá nhầm trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thì điều này sẽ khiến cho đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền hầu như toàn bộ vùng Biển Đông trở nên vộ hiệu hóa.

Florence Cassez được tự do

Sự kiện nổi bật của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là Tòa án Tối cao Mêhicô đã ra phán quyết yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho cô Florence Cassez, bị kết án 60 năm tù vì tội bắt cóc vào năm 2008. Đây là vụ án được dư luận Pháp đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay bởi bị cáo ngay từ đầu đã khẳng định bị xử oan.

Được trả tự do ngay tại tòa là kết quả của cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài trong nhiều năm qua không chỉ của cá nhân bị cáo mà đôi lúc có cả sự can thiệp của chính phủ Pháp.

Nhật báo Le Parisien cho biết « Trong phiên tòa kéo dài một giờ tối qua, các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mêhico đã lần lượt trình bày các lập luận của mình trước khi bỏ phiếu kín. Ba phiếu thuận và hai phiếu chống lại việc trả tự do ngay lập tức cho bị cáo. Lá phiếu quyết định số phận của Florence Cassez là của thẩm phán Alfredo Gutierrez Ortiz Mena, vừa mới vừa được phong chức hồi tháng 12 vừa qua.

Đằng sau kía cạnh pháp lý đơn thuần đó còn có khía cạnh chính trị. Bối cảnh thay đổi chính phủ đã mang tính quyết định cho tự do của Florence Cassez.

Nhật báo Libération nhận định « Việc cánh Trung của ông Enrique Pena Nieto lên cầm quyền hồi tháng 12 vừa qua đã làm cho quan hệ với Pháp dịu xuống, tư pháp Mêhicô đã có thể phân tích trường hợp này trong sự độc lập với chính phủ ».

Tờ Le Figaro thì khen ngợi « với quyết định trả tự do cho Florence Cassez, dường như một trang mới đang mở ra cho Mêhicô. Sau hơn 7 năm đấu tranh pháp lý ly kỳ, thì đây là chiến thắng kép. Chiến thắng của Florence Cassez, nhưng đồng thời cũng là chiến thắng của nhân dân Mêhicô, bởi theo phát biểu của cô gái Pháp vừa được trả tự do thì : « trường hợp của tôi trở thành tượng trưng cho nhiều người Mêhicô vẫn cho rằng phải góp phần cải thiện công lý của họ và tăng cương quyền công dân trong một đất nước dân chủ ».

Thủ tướng Anh dọa ra khỏi châu Âu, một chiến thuật chính trị ?

Một thời sự khác cũng nổi bật trên trang nhất các báo ra hôm nay, nhưng liên quan đến cả Liên hiệp châu Âu, đó là bài diễn văn của thủ tướng Anh David Cameron đọc hôm qua thông báo từ nay đến năm 2017 nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách ra hay ở lại trong Liên hiệp châu Âu.

Tờ Les Echos chạy tựa trang nhất « Nước Anh của David Cameron khiêu khích châu Âu ». Nhật báo kinh tế này nhận định « diễn văn của Thủ tướng Anh hôm qua về Liên hiệp châu Âu có thể được diễn giải theo nhiều cách. Nhưng người bi quan nhất thì nhận thấy ông Cameron cam kết tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên hiệp châu Âu trước năm 2017. Cũng những người bi quan nhất nhận thấy ông bày tỏ trên tư cách cá nhân sự ủng hộ giữ nước Anh ở lại trong Liên hiệp.

Có nhiều phản ứng khác nhau về bài phát biểu trên của thủ tướng David Cameron, nhưng phản ứng chung nhất là không luyến tiếc gì sự ra đi của nước Anh, bởi từ khi EU được thành lập đến nay, nước Anh vẫn là kẻ chân trong chân ngoài và luôn đóng vai là một thành viên khó tính trong đại gia đình châu Âu. Nước Anh vẫn từ chối gần hết các hình thức hợp tác của Liên hiệp nhưn không gian Hiệp định Schengen, đồng tiền chung và mới đây là vấn đề chi tiêu ngân sách chung.

Mặt khác, báo chí Pháp cũng nhận thấy ông Cameron đã dùng châu Âu như một chiến thuật chính trị nội bộ. Lãnh đạo đảng bảo thủ đang khó khăn trong việc quản lý khủng hỏang kinh tế đang cần tìm được sự ủng hộ ở cử tri nếu như ông gây được sức ép với cả châu Âu vì lợi ích của nước Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.