Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân

Hiện đã là thị trường hàng đầu thế giới về hạt nhân dân sự, Trung Quốc vừa cho biết sẵn sàng xuất khẩu một lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba do Trung Quốc thiết kế, mang tên CAP1400, mà trong tương lai gần có thể cạnh tranh với lò phản ứng AP1000 của Mỹ và EPR của Pháp.

Trung Quốc xúc tiến việc xây dựng lò phản ứng CAP1400 từ năm 2013 tại tỉnh Sơn Đông (DR)
Trung Quốc xúc tiến việc xây dựng lò phản ứng CAP1400 từ năm 2013 tại tỉnh Sơn Đông (DR)
Quảng cáo

Nhật báo Anh ngữ China Daily số ra hôm nay, 02/02/2013, trích lời tổng giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc hội thảo hôm qua tại Bắc Kinh rằng việc thăm dò thị trường thế giới cho lò phản ứng hạt nhân CAP1400 sẽ được khởi động trong năm 2013. Việc thăm dò thị trường này sẽ được thực hiện cùng với Westinghouse, công ty Mỹ chế tạo lò phản ứng AP1000. 

Bốn lò phản ứng AP1000 hiện đang được xây dựng tại hai cơ sở ở miền Đông Trung Quốc và nhiều lò khác được xây ở Hoa Kỳ. Còn việc xây dựng lò phản ứng CAP1400 do Trung Quốc thiết kế sẽ bắt đầu từ năm nay tại tỉnh Sơn Đông và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ vẻ hoài nghi về khả năng của Công ty Công nghệ Năng lượng Hạt nhân Nhà nước của Trung Quốc nhanh chóng xuất khẩu công nghệ mới này. Hiện giờ chưa có lò phản ứng « thế hệ thứ ba » nào được đưa vào hoạt động trên thế giới. Lò phản ứng thế hệ mới này được mô tả là an toàn hơn và bền hơn các lò phản ứng hiện nay. 

Trung Quốc hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về xây dựng lò phản ứng hạt nhân, với 30 lò đang được xây dựng và 16 lò đang hoạt động. 

Hai công ty Pháp Areva và EDF đang hợp tác với tập đoàn Quảng Đông CGNPC xây hai lò phản ứng EPR tại tỉnh Quảng Đông và hy vọng sẽ xây thêm nhiều lò khác trong tương lai, nhưng sự canh tranh sẽ ngày càng gay gắt đối với các công ty Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.