Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bắc Triều Tiên thử hạt nhân, đồng minh Trung Quốc thêm khó xử

Bất chấp những cảnh cáo nghiêm khắc của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, hôm nay 12/02/2013, vẫn tiến hành « thành công » vụ thử hạt nhân thứ ba đúng vào lúc người dân Trung Quốc còn đang nghỉ Tết. 

Ảnh chụp từ vệ tinh địa điểm thuộc tỉnh Hamgyong được cho là nơi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2/2013
Ảnh chụp từ vệ tinh địa điểm thuộc tỉnh Hamgyong được cho là nơi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2/2013 REUTERS/Google/DigitalGlobe
Quảng cáo

Hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo tuyên bố « mạnh mẽ chống lại » vụ thử hạt nhân nói trên của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh đã tránh không dùng chữ « lên án ». Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ yêu cầu Bình Nhưỡng không được « có bất cứ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình », đồng thời kêu gọi mở lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang gặp bế tắc.

Như vậy là phản ứng của Bắc Kinh cũng gần giống như phản ứng sau hai vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên vào tháng 05/2009 và 10/2006. Thậm chí trong một bài bình luận đăng chiều nay, Tân Hoa Xã còn có vẻ như muốn bênh vực cho hành động của Bình Nhưỡng khi viết rằng : « Nhìn bề ngoài thì rõ ràng là Bình Nhưỡng đã thường xuyên vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc và đã sử dụng chương trình hạt nhân như là một vũ khí để thách thức cộng đồng quốc tế. Nhưng trên thực tế, thái độ thách thức của Bắc Triều Tiên là xuất phát từ tâm lý bất an sau nhiều năm đối đầu với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, những quốc gia mạnh hơn nhiều về mặt quân sự ».

Đó là về phản ứng chính thức, nhưng bên trong, Bắc Kinh đã tỏ ra rất bực bội đối với đồng minh Bình Nhưỡng. Trong một bài xã luận vào tuần trước, báo chí chính thức Trung Quốc đã từng cảnh báo là trong trường hợp thử nghiệm hạt nhân mới, Bắc Triều Tiên sẽ phải « trả giá rất đắt », thậm chí họ nhắc đến từ tối kỵ là « cắt đứt » quan hệ giữa hai đồng minh và dọa cắt giảm viện trợ, vốn rất cần cho nền kinh tế kiệt quệ của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an hôm nay, chắc là Bắc Kinh cũng sẽ cùng với các nước khác lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhưng câu hỏi đặt ra bây giờ là Trung Quốc sẽ trừng phạt Bắc Triều Tiên đến mức độ nào ? Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc đặc trách Đông Bắc Á của tổ chức International Crisis Group, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, cho rằng Bắc Kinh rất giận dữ về vụ thử nghiệm hạt nhân hôm nay, nhưng những biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, nếu có, chưa chắc đã làm Bình Nhưỡng chùn bước, bởi lẽ Bắc Kinh chỉ dám đi đến một mức độ nào đó thôi. Theo bà Kleine-Ahlbrandt, quan tâm hàng đầu của Trung Quốc vẫn là sự ổn định của Bắc Triều Tiên.

Bắc Kinh vẫn phải tiếp tục yểm trợ cho Bình Nhưỡng vì họ rất sợ chế độ Kim Jong-Un sụp đổ do tác động của các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của quốc tế, dẫn đến việc hình thành một nước Triều Tiên thống nhất đồng minh của Hoa Kỳ, với việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ngay sát biên giới Trung Quốc.Theo một chuyên gia Trung Quốc về Đông Bắc Á ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ đáp trả thái độ thách thức của Bắc Triều Tiên bằng những biện pháp hạn chế, có thể là bằng việc cắt giảm viện trợ tài chính, nhưng sẽ không làm rùm beng lên, để tránh làm mất mặt đồng minh của họ.

Nhưng trước thái độ cố chấp của Bình Nhưỡng, sự yểm trợ của Bắc Kinh cho chế độ này bắt đầu gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà phân tích Trung Quốc, vì ngày càng có nhiều người trong số họ cho rằng « tình đồng chí » với Bắc Triều Tiên gây nhiều phiều toái hơn mà mang lại những mối lợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.