Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tranh luận về trang bị vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc

Kể từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ ba, với cường độ bằng phân nửa quả bom nguyên tử Hiroshima, tại Hàn Quốc ngày càng có nhiều người kêu gọi chính phủ cũng phải phát triển một khả năng răn đe hạt nhân cho nước này.

Pháo binh Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật ở vùng Cheorwon, cách Seoul 77 km về phía đông bắc, ngày 15/02/2013
Pháo binh Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật ở vùng Cheorwon, cách Seoul 77 km về phía đông bắc, ngày 15/02/2013 REUTERS/Lee Sang-hak/Yonhap
Quảng cáo

Những lời kêu gọi đó đến từ phe bảo thủ xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở Hàn Quốc. Trong một bài xã luận, tờ Chosun Ilbo, một nhật báo thân chính quyền, đã viết rằng : « Bắc Triều Tiên nay đã trở thành một cường quốc hạt nhân. Thế mà để đối đầu với Bình Nhưỡng, chúng ta chỉ có hai quả đấm ». Và tờ báo kết luận rằng Hàn Quốc phải trang bị vũ khí hạt nhân.

Nhiều nhân vật chính trị có thế lực, trong đó có những nhân vật thân cận với nữ tổng thống tân cử Park Geun-Hye, cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự. Họ đề nghị là phải yêu cầu Hoa Kỳ triển khai trở lại ở Hàn Quốc những đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đã rút đi vào năm 1991, hoặc thuyết phục Washington để cho đồng minh Seoul tự trang bị vũ khí nguyên tử. Họ cam kết Hàn Quốc sẽ từ bỏ những vũ khí đó, ngay khi Bắc Triều Tiên làm như vậy.

Thật ra thì trước đây Seoul cũng đã có tham vọng phát triển hạt nhân quân sự, nhưng những tiến bộ nhanh chóng hơn của Bình Nhưỡng khiến phe bảo thủ càng có thêm lý do để đòi chính phủ trang bị vũ khí nguyên tử. Cuộc tranh cãi gay gắt đến mức mà thủ tướng Hàn Quốc hôm qua đã phải lên tiếng nhắc lại rằng mục tiêu chiến lược của Seoul hiện giờ vẫn là phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Nhưng những người chống vũ khí nguyên tử cũng không thiếu lập luận để phản bác. Họ cho rằng Hàn Quốc nay đã nắm rất vững các công nghệ hạt nhân dân sự rồi và nếu cần, có thể phát triển một quả bom nguyên tử rất nhanh chóng. Nhưng làm như thế tức là vi phạm hiệp định không phổ biến hạt nhân, với hậu quả là Seoul sẽ bị quốc tế trừng phạt và cô lập giống như Bình Nhưỡng.

Những người chủ trương Hàn Quốc phi hạt nhân hóa còn lập luận rằng « chiếc ô dù hạt nhân » của Mỹ đã đủ để răn đe Bình Nhưỡng về việc sử dụng bom nguyên tử. Hơn nữa, việc trang bị vũ khí hạt nhân sẽ vi phạm một hiệp định ký với Hoa Kỳ cách đây 40 năm. Hiệp định này cấm Seoul tái xử lý nhiên liệu hạt nhân hoặc làm giàu chất uranium. Nhưng hiệp định sẽ hết hạn vào năm tới và Hàn Quốc đang tìm cách thương lượng một hiệp định khác, với những điều kiện bớt bó buộc hơn.

Tuy gần đây, Washington đã cho phép Seoul nâng tầm bắn của các tên lửa quy ước, nhưng Hoa Kỳ vẫn chống lại việc đồng minh Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân, vì sợ là Nhật Bản cũng đòi như vậy, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang rất đáng ngại tại vùng Đông Bắc Á. Hơn nữa, một trong những điều mà tổng thống Obama quyết tâm thực hiện, đó là ngăn chận phổ biến hạt nhân trên thế giới.

Thật ra, những lời kêu gọi trang bị vũ khí nguyên tử cho Hàn Quốc cũng là một cách để gây áp lực lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình lên chế độ Bình Nhưỡng để họ chấp nhận từ bỏ tham vọng hạt nhân. Vấn đề là Trung Quốc nay có vẻ như không còn kiểm soát được đồng minh Bắc Triều Tiên nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.