Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bình Nhưỡng : Chuyên gia vượt rào cấm vận quốc tế

Những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ từ năm 1950 và của Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 không ngăn chận được kế hoạch chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều tiên. Chế độ dòng họ Kim tỏ ra « chuyên nghiệp » trong nghệ thuật luồn lách cấm vận bằng những chiêu thức của xã hội đen.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh chụp 01/01/2013 (REUTERS)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh chụp 01/01/2013 (REUTERS)
Quảng cáo

Trước năm 2003, doanh nhân Hàn Quốc Kim Kwang-Jin làm việc cho một công ty bảo hiểm của nhà nước Bắc Triều Tiên KNIC tại Singapore. Một ngày đẹp trời, ông chuyển sang Bình Nhưỡng hai va-li tiền mặt 20 triệu đô la Mỹ, quà tặng đặc biệt cho lãnh đạo Kim Jong Il.

Với « chiến công » này , doanh nhân Kim Kwang Jin được Bắc Triều Tiên tưởng thưởng huy chương nhưng ông đã cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng và quay về sinh sống tại Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn của Reuters nhân vụ Bắc Triều Tiên vừa thử « quả bom » thứ ba trong lòng đất ngày 13/02/2013 vừa qua, Kim Kwang Jin cho biết 20 triệu đôla đó là tiền lừa đảo từ những hóa đơn khai gian của Công ty bảo hiểm nhà nước Bắc Triều Tiên KNIC.

Hãng tin Reuters đặt câu hỏi kiểm chứng bằng điện thoại và thư điện tử nhưng KNIC giữ im lặng. Doanh nhân Kim Kwang Jin cho biết thêm ông có tham gia vào vụ lừa đảo này và số tiền 20 triệu đô la Mỹ được chuyển bí mật về « tài khoản của triều đình » tức là cho Kim Jong Il và những người thân cận của Kim nhị thế. Đích thân Kim Jong Il đã gửi thư cám ơn, tặng quà đầu máy DVD và huy chương.

Trường hợp cụ thể này chỉ là phần nổi của tảng băng sơn. Theo số liệu năm 2011, tiềm năng kinh tế của Bắc Triều Tiên chỉ độ 50 tỷ đôla mà phần dựa vào xuất khẩu khoáng sản và hải sản sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, các nguồn tin thân cận với trung tâm quyền lực ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều khẳng định là Bình Nhưỡng không sợ trước viễn ảnh bị trừng phạt thêm trong tương lai và đã dự kiến là sẽ tiếp tục thử nghiệm hạt nhân cũng như tên lửa trong năm 2013 này.

Để có thể « tự túc » , chính quyền Bắc Triều Tiên tự cho rằng chính sách « cải cách kinh tế và nông nghiệp » đang thực hiện sẽ cho phép giảm bớt lệ thuộc vào nguồn lương thực từ Trung Quốc. Nhưng do tài nguyên thiên nhiên không dồi dào và quan hệ thương mại có giới hạn cho nên nguồn thu nhập của Bình Nhưỡng tùy thuộc rất nhiều vào buôn lậu : từ vũ khí , ma túy, rửa tiền, đến in giấy bạc 100 đôla giả. Nhiều nhà ngoại giao Tây phương gọi chế độ Bắc Triều Tiên là « nhà nước Soprano » tên của một bộ phim truyền hình nhiều tập mà nhân vật chính là trùm xã hội đen.

Theo bộ tài chính Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng mỗi năm thu được 500 triệu đôla qua « thương mại » giấy bạc giả và từ 100 đến 200 triệu đôla buôn ma túy. Năm 2003, cảnh sát Úc bắt được một thương thuyền Bắc Triều Tiên và tịch thu một lượng ma túy tương đương với 50 triệu đô la Mỹ.

Theo thẩm định của Kim Kwang Jin và một số chuyên gia quốc tế , tài khoản mật của « triều đình » lên đến 4,5 tỷ đôla gồm 2 tỷ trong nước, 2 tỷ ở hải ngoại và 500 triệu đầu tư vào kinh tế ngầm ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2005, một tài khoản 25 triệu đôla của Bình Nhưỡng cất giấu trong ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao bị phong tỏa do Hoa Kỳ gây sức ép. Nhưng sau một đợt thương lượng gay go, không rõ Bắc Triều Tiên phải chấp nhận những điều kiện gì, cuối cùng Mỹ giải tỏa sức ép.

Rút bài học này, chính quyền Bắc Triều Tiên tỏ ra thận trọng hơn và đã phân tán tiền bạc. Theo một nhà ngoại giao Hàn Quốc, các biện pháp cấm vận trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn vì khó truy tìm tông tích tài khoản của Bắc Triều Tiên.

Ngoài các biện pháp trừng phạt mới, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc thẩm định là chỉ cần Trung Quốc kiểm soát một phần hai khối lượng hàng trung chuyển của Bắc Triều Tiên qua cảng Đại Liên thôi, thì cũng đủ ngăn chận nạn vượt rào cấm vận Liên Hiệp Quốc, cắt bớt một phần thu nhập quan trọng do buôn lậu.

Vấn đề là Trung Quốc không muốn Bắc Triều Tiên sụp đổ, thống nhất với Hàn Quốc trong một chế độ khác với Bắc Kinh. Do vậy, dù biết rất rõ đường dây nước bước của "nhà nước mafia" láng giềng, nhưng Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.