Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - THAM NHŨNG

Tham nhũng tại Trung Quốc : Công khai tài sản chưa hiệu quả

Một trong những căn bệnh trầm kha của xã hội Trung Quốc chính là nạn tham nhũng. Tờ Nam Phương Đô Thị Báo tại Quảng Đông có bài bàn về một biện pháp phòng chống căn bệnh này được các quan chức hô hào đồng thuận, thế nhưng hiệu quả lại không cao : Biện pháp bắt cán bộ công khai tài sản. Courrrier International dẫn lại bài viết này với dòng tựa đáng chú ý : «Minh bạch : Một sự đồng thuận trên bề mặt ».

Sách viết về các vụ lãnh đạo tham nhũng ở Trung Quốc bày bán tại một hiệu sách ở Hồng Kông, nhưng bị cấm bán ở lục địa. Ảnh chụp ngày 06/11/2012.
Sách viết về các vụ lãnh đạo tham nhũng ở Trung Quốc bày bán tại một hiệu sách ở Hồng Kông, nhưng bị cấm bán ở lục địa. Ảnh chụp ngày 06/11/2012. Reuters
Quảng cáo

Tờ báo nhắc lại, gần đây Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Đông vừa đem ra mổ xẻ chính thức biện pháp này, tức việc cán bộ nhà nước tình nguyện hoặc bắt buộc công khai tài sản để nhân dân kiểm soát tham nhũng. Các lãnh đạo địa phương tại Quảng Đông cũng như ở một số nơi khác đều tuyên bố tán đồng việc công khai tài sản, tức là họ tỏ ra đồng thuận về điểm này. Thế nhưng, sự đồng thuận đó đã dẫn đến một đồng thuận khác : tất cả cán bộ điều đồng ý công khai tài sản, nhưng không làm ngay, mà chỉ đồng ý làm khi nào cấp trên làm gương thực hiện trước.

Ở Trung Quốc hiện tại không hề có một qui định chính thức nào cấm việc cán bộ tự nguyện công khai tài sản để mọi người biết. Thế thì tại sao các cán bộ lại không ai tình nguyện làm việc đó, mà phải đợi đến cấp trên làm trước?

Tờ báo cho rằng, cách hành xử như thế là « hợp lý ».

Trước tiên, hợp lý là bởi vì trong hệ thống chính trị tại Trung Quốc, tất cả đều phải hành xử phù hợp với cả hệ thống, tức không ai được phép chơi theo kiểu đơn thương độc mã, phải làm chính trị giống như các đồng chí của mình, phù hợp với tinh thần chung của cả hệ thống. Bởi thế, tờ báo cho rằng, cán bộ nào dám to gan tiên phong công khai tài sản, tức dám làm chuyện mà gần như cả hệ thống không ưa ?

Thứ hai, biện pháp tự kê khai thu nhập mấy năm nay tại Trung Quốc đã không tỏ ra hiệu quả. Theo Nam Phương Đô Thị Báo, nếu không có biện pháp ràng buộc, mà chỉ dựa vào lương tâm của mỗi cán bộ thì không thể chống tham nhũng thành công được. Bởi nếu chỉ dựa vào lương tâm, thì những cán bộ thật sự liêm khiết chắn chắn sẽ chẳng ngại gì mà kê khai tài sản để chứng minh trong sạch. Thế là, các cán bộ thật sự tham lạm cũng muốn được tiếng liêm khiết nên không ngại dùng đủ trò gian dối để có được kết quả tốt nhất.

Trong bài nhận định của mình về vấn đề này, Courrier International nhắc lại lời của ông Tập Cận Bình về việc muốn hạn chế quyền lực cán bộ, tăng cường sự nghiêm minh của nhà nước pháp quyền. Courrier International nhận định, việc này khó lắm thay, bởi « Ai có thể tưởng tượng rằng, một con hổ lại tự xây lồng để nhốt mình ».

Từ lập luận đó, Courrier International cho rằng, « chiếc lồng » nhốt hổ nói trên chỉ có thể được xây dựng từ một nhân tố ngoài đảng cầm quyền, tức là từ một nhà nước pháp quyền thật sự. Và từ một nhân tố khác cũng mang tính quyết định thành công, đó là phải xây dựng một xã hội thật sự coi trọng quyền tự do ngôn luận và phải làm sao cho báo chí có toàn quyền tự do điều tra về cán bộ cấp cao.

Ấn Độ-Bangladesh : gần nhau gang tấc mà xa xôi vạn dặm

Cũng tại Châu Á, Courrier International nhìn về quan hệ giữa hai nước láng giếng Ấn Độ và Bangladesh, trích dịch bài của tờ nhật báo De Standaard với hàng tựa : «Hàng rào của sự xấu hổ ».

Cái hàng rào bị cho là xấu hổ nêu trên, theo tờ báo, chính là hàng rào trải dọc hai nước láng giềng Nam Á Ấn Độ và Bangladesh. Tờ báo nhắc lại,vào năm 1993, Ấn Độ bắt đầu xây dựng hàng rào dọc theo ranh giới dài 3 200 km của hai nước. Hàng rào có khi bằng bê tông, có khi bằng dây kẻm gai. Nguyên nhân mà Ấn Độ đưa ra để giải thích là : Để ngăn chặn khủng bố và làn sóng di cư từ Bangladesh. Kết quả là, từ thời trung cổ đến nay, chưa có ranh giới nào lại có hàng rào ngăn cách nhiều đến thế.

Quân đội Ấn Độ luôn túc trực đề phòng người vượt rào. Và quân đội này, theo tờ báo, đã thẳng tay bắt bớ, đánh đập, thậm chí là bắn chết những người vi phạm. Chính quyền Bangladesh thì không dám thất lễ với anh láng giềng khổng lồ nên đã im hơi lặng tiếng. Trong khi đó người dân Bangldesh thì luôn chịu khổ, bởi vì trong nước kinh tế khó khăn, nghèo đói đe dọa, còn vượt qua hàng rào để vào Ấn Độ thì là một việc làm liều mạng. Theo thống kê, từ 5 năm nay, cứ 5 ngày là có một người vượt rào bị giết tại ranh giới Ấn Độ-Bangladesh.

Miến Điện :  Aung San Suu Kyi đã chùn bước ?

Nhìn qua nước láng giềng với Ấn Độ và Bangladesh là Miến Điện, tuần san le Nouvel Observateur đăng bài nhận định của chuyên gia René Backmann với dòng tựa : « Sự yên lặng của bà Aung San Suu Kyi ».
Tình hình tại Miến Điện ngày càng khiến cho người ta phải đặt câu hỏi : Liệu tiến trình cải tổ dân chủ tại đất nước này đang bị trục trặc ?

Tác giả nêu lên một loạt các hồ sơ cho thấy sự trục trặc đó, trong đó nhấn mạnh đến hồ sơ sắc tộc. Theo tác giả, xung đột sắc tộc và tôn giáo đã trầm trọng tại nước này. Chính phủ thì dường như để mặc cho tộc người Phật giáo chiếm đa số hà hiếp những sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo. Đáng nói hơn, chính phủ đã dùng đến quân đội tấn công các nhóm sắc tộc thiểu số.

Trong một bối cảnh như vậy, tác giả kết luận : Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi lại im hơi lặng tiếng !

Hoa Kỳ khổ hơn Châu Âu ?

Đến với Hoa Kỳ, tuần san L’Express có bài nhận định : «Nước Mỹ đang trên đà phá sản ».

Tác giả đưa ra nhiều minh chứng cho thấy tính nghiêm trọng của kinh tế Hoa Kỳ. Theo tác giả, nợ công của Mỹ hiện tại đã lên đến 100% GDP. Dự báo thâm hụt công của Mỹ sẽ lên đến 800 tỷ đô la vào năm 2014, và 590 tỷ vào năm 2018. Những mục tiêu đó chỉ đạt được với điều kiện là tất cả các cam kết kinh tế phải được thực hiện, tăng trưởng phải trên 4% kể từ năm 2015. Trong viễn cảnh sáng lạng nhất thì nợ công của Mỹ cũng sẽ trên 20 000 tỷ đô la vào năm 2018. Chưa hết, cán cân chi tiêu của Mỹ đã bị thâm hụt 500 tỷ đô la mỗi năm kể từ 10 năm nay.

Tất cả những việc đó, cộng thêm một số minh chứng đáng chú ý khác nữa, tác giả kết luận : Tình hình nước Mỹ nghiêm trọng hơn Châu Âu. Nước Mỹ đang phá sản.

Đức Giáo hoàng Benedicto XVI mở ra một thời đại mới

Sự kiện Đức Giáo hoàng Benedicto XVI tuyên bố từ nhiệm tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Các tạp chí tuần này dành nhiều bài mổ xẻ sự kiện này.

Tuần san L’Express đăng trên trang nhất ảnh đức giáo hoàng Benedicto XVI đứng nhắm mắt cầu nguyện với dòng tựa lớn : « Benedicto XVI, những bí mật của việc từ nhiệm ». Tờ báo dành một bài viết gần mười trang để tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của Đức Giáo hoàng. Trong đó tờ báo nhấn mạnh, khi còn tại chức, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đôi khi tỏ ra quá trí thức, khiến trở nên xa lạ với một thế giới cần sự đơn giản, bởi thế ông là « một Đức Giáo hoàng không được yêu mến ». Mặt khác, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã tỏ ra là người bảo thủ, không chấp nhận cho tôn giáo hòa nhịp với cuộc sống thời đại.

Tuy vậy, L’Express cho rằng, hành động cuối cùng của Đức Giáo hoàng, tức hành động thoái vị khi cảm thấy không còn đủ sức đảm đương nhiệm vụ, đã khiến cho ông trở thành « một Đức Giáo hoàng cách mạng » kể từ thời Trung cổ đến nay.

Bên cạnh bài viết này, L’Express còn dành nhiều bài phỏng vấn các học giả nghiên cứu tôn giáo về Đức Giáo hoàng nói riêng, và về Cơ Đốc giáo (Catholicisme) nói chung. Các học giả đã nêu bậc những điểm tồn tại của Cơ Đốc giáo hiện tại, như việc thiếu minh bạch hay như việc một số điểm trong quản lí không còn phù hợp với xã hội hiện đại.

Về sự kiện Đức Giáo hoàng từ nhiệm, tuần san Le Nouvel Observateur cũng dành bài phân tích sâu với hàng tựa : «Hậu trường của một sự từ nhiệm bất ngờ ». Bài viết điểm lại những vụ tai tiếng trong Giáo hội Công giáo dưới thời Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. Bên cạnh đó, Le Nouvel Observateur cũng đăng bài phỏng vấn chuyên gia về việc Đức Giáo hoàng từ nhiệm, nhận định : «Lúc đầu Đức Giáo hoàng có ra sức giải quyết những mặt tồn tại của giáo hội, nhưng cuối cùng ông ấy đã suy sụp ».

Tuần báo Courrier International thì dành trang nhất cho chủ đề này với một bức ảnh biếm họa vẽ Đức Giáo hoàng Benedicto XVI và dòng tựa : « Ai sẽ là người kế vị ? ». Tờ báo dẫn lại bài của một tờ báo Đức nhận định, khi được bầu kế nhiệm đức giáo hoàng Gioan Phaolồ II, không ai khi ấy mong chờ Đức Giáo hoàng Benedicto XVI sẽ là người mở ra một kỉ nguyên mới, thế nhưng về vấn đề này ông ấy đã không làm mọi người thất vọng. Tức tờ báo muốn đề cập đến động thái từ nhiệm nói trên của Đức Giáo hoàng. Bên cạnh đó, Courrier International còn trích dẫn bài của tờ La Repubblica tại Roma với dòng tựa đáng chú ý : « Một Giáo hội nhưng nhiều Giáo hoàng ». Tờ báo chỉ ra một số vấn đề mà tờ báo cho rằng còn chưa được tốt trong Giáo Hội Công giáo.

Mùa xuân Ả Rập đã không nở hoa như mong đợi

Nhìn về các nước tiên phong trong phong trào Mùa xuân Ả Rập đầu năm 2011, các tạp chí Pháp tuần này cũng có nhiều bài đáng chú ý.

Tuần san L’Express có bài : «Tunisia : Mùa xuân hoang phí ». Tờ báo nhắc lại việc đảng Hồi Giáo cực đoan Ennahdha đã thắng cử và lên nắm quyền hồi cuối năm 2011. Tờ báo cho rằng, dù có đủ phương tiện hành động, nhưng Ennahdha đã không cải thiện được tình hình đất nước, mà còn làm cho nó ngày thêm tệ hại. Theo tờ báo, từ hơn 1 năm nay, tình hình Tunisia được đánh dấu bằng việc bạo lực lan tràn, hội đồng lập hiến bế tắc, chính trị khủng hoảng, thất nghiệp hoành hành, đất nước ngập chìm trong bất ổn. Rồi sự bất ổn đó lại tiến thêm một bậc bằng việc nhà đối lập Chokri Belaid đã bị ám sát ngay trước cửa nhà riêng vào đầu tháng này.

Tạp chí Le Nouvel Observateur cũng có bài bàn về vụ ám sát nói trên. Tờ báo này dành bài nhận định chạy tựa : «Tunisia : sự rạn nứt trong lòng Hồi Giao cực đoan ». Theo tờ báo, vụ ám sát này cho thấy ngay trong lòng các lực lượng bị cho là Hồi Giáo cực đoan cũng có sự chia rẽ.

Về phần mình, Courrier International dành một hồ sơ phân tích mang tên : «Những người Hồi Giáo cực đoan trước thử thách quyền lực ».

Trong bài nói về Tunisia, Courrier International dẫn lại bài của trang mạng Nawaat tại Tunis với hàng tít : « Tunisia, một nhà nước suy kiệt ». Bài viết nhận định, chính phủ của đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda tại Tunisia đã đi ngược lại nguyện vọng của cuộc cách mạng 2011. Theo Nawaat, khuynh hướng độc tài cộng với sự bất lực và thất trách của nhà cầm quyền đã đẩy đất nước vào cơn khủng hoảng triền miên.

Cũng trong hồ sơ này, Courrier International nhìn về Ai Cập với bài dẫn lại của một tờ báo tại Cairo. Bài viết chỉ rõ hai mục tiêu mà chính quyền Ai Cập thời hậu Mubarak đã thất bại, đó chính là : tự do và bánh mì, và đó cũng là hai từ khóa trong các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống Mubarak khi Mùa xuân Ả Rập đi qua Ai Cập.

Châu Âu : Xì căn đan thịt ngựa giả bò tiếp tục rùm ben

Còn tại Châu Âu, vụ xì căn đan thịt ngựa giả bò tiếp tục thu hút báo chí vào cuộc.

« Gian lận : Trong dòng nước đục của ngành chế biến thịt », đó là tựa đề bài viết được Courrier International trích dẫn tờ The Independent tại Luân Đôn. Bài viết cho biết, vụ « treo đầu bò bán thịt ngựa » đã cho thấy những khuất tất trong ngành công nghiệp thực phẩm. Theo tờ báo, sự gian lận trong ngành này không kém phần phức tạp như nạn rửa tiền. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó tờ báo nhấn mạnh đến lòng tham chạy theo lợi nhuận của các doanh nghiệp, nạn có quá nhiều trung gian, và việc các nhà quản lý kiểm soát còn lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, Courrier International còn dẫn lại một bài khác của tờ báo này với nhận định được thể hiện qua hàng tựa : «Những lời nói dối được che dấu ». Bài viết tập trung chỉ ra việc các nhà chức trách trong ngành sản xuất thực phẩm đã toan bao che lắp liếm sự việc, để cho tình hình ngày một thêm phức tạp.

Cuối cùng là một số thông tin khá lí thú trên trang 360° của Courrier International.

Tại Ấn Độ, để đối phó với nạn hiếp dâm đang làm hoang man xã hội, chính quyền nước này đang dự tính sẽ đưa vào áp dụng một loại đồng hồ chống hiếp dâm. Đó là đồng hồ có gắn hệ thống định vị GPS. Khi bị kẻ xấu tấn công, chị em phụ nữ chỉ cần ấn nút báo động trên đồng hồ, lời báo động sẽ được truyền lập tức đến người thân hoặc cảnh sát gần nhất. Qua hệ thống GPS, người được báo động dễ dàng xác định ngay địa điểm của người đang gặp nguy hiểm.

Nhìn về lễ tình nhân 14/2 vừa qua và nhận định, Courrier International: Công nghệ số đã làm đảo lộn chiến thuật chinh phục tình yêu của tuổi trẻ. Số là trước đây, tuổi trẻ điện thoại cho nhau, hẹn hò ra một địa điểm nào đó để tỏ tình, để tìm hiểu… Còn bây giờ, với thời đại công nghệ số, với việc phổ cập Internet, người ta có thể tìm kiếm người yêu trên mạng, làm quen trên mạng, tán tỉnh trên mạng. Và vì trên mạng, nên các chàng cũng không cần quá nhiều can đảm mới dám tỏ tình như trong trường hợp mặt đối mặt như trước kia.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.