Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nguy cơ phổ biến hạt nhân từ Bắc Triều Tiên

Mặc dù các chuyên gia có nhận định khác nhau về tầm mức của nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sau vụ thử nghiệm thứ ba thành công ngày 12/02/2013 vừa qua, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau về nguy cơ phổ biến hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa lần thứ ba với cường độ cao hơn hai cuộc thử nghiệm trước đó (Reuters / KNCA)
Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa lần thứ ba với cường độ cao hơn hai cuộc thử nghiệm trước đó (Reuters / KNCA)
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, tại một cuộc hội nghị về an ninh ở Seoul trong tuần này, ông Robert Gallucci, chủ tịch Hội MacArthur và nguyên trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã tuyên bố rằng : « Khủng bố hạt nhân là điều làm chúng tôi quan ngại nhất ở Hoa Kỳ ».

Ông Robert Gallucci nói thêm : « Nếu quý vị sống ở một thành phố Mỹ, thật không có gì dễ chịu khi nghĩ đến giả thuyết Bắc Triều Tiên bán chất uranium được làm giàu ở mức cao, bán các họa đồ chế tạo bom nguyên tử hoặc thậm chí bán bom nguyên tử cho bất cứ ai muốn mua. » 

Nói chung, mối quan ngại chính của Hoa Kỳ vẫn là nhìn thấy Bắc Triều Tiên trở thành một « cửa hàng hạt nhân », nơi mà các quốc gia cũng như các tổ chức khủng bố tha hồ mua sắm mọi nguyên liệu, công nghệ và vũ khí nguyên tử. 

Các chuyên gia cũng sợ rằng các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy các nước khác trong khu vực từ bỏ quy chế quốc gia phi hạt nhân, khởi đầu cho một tiến trình phổ biến hạt nhân. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên coi như đã góp phần phổ biến hạt nhân, qua việc chuyển giao công nghệ tên lửa cho Iran hoặc giúp Syria xây một lò phản ứng hạt nhân, đã bị Israel phá hủy năm 2007. 

Cuộc thử nghiệm hạt nhân mà Bình Nhưỡng thực hiện ngày 12/02, với cường độ cao hơn hai cuộc thử nghiệm trước đó, hiện vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ. Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn chưa thu hồi được các chất phóng xạ rơi xuống từ vụ nổ để biết được là Bắc Triều Tiên đã dùng chất plutonium ( như hai lần thử nghiệm đầu ) hay dùng chất uranium. 

Theo nhiều chuyên gia, Bình Nhưỡng lần đầu tiên đã sử dụng uranium như là vật liệu phân rã hạt nhân, làm tăng thêm nguy cơ phổ biến hạt nhân. Bắc Triều Tiên có ít plutonium, nhưng có rất nhiều trữ lượng uranium và hiện có ít nhất một nhà máy làm giàu chất uranium. 

Chất uranium được làm giàu ở mức cao là món « khoái khẩu » của các quốc gia « bất hảo » và các nhóm khủng bố, vì đây là vật liệu phân rã hạt nhân dễ sử dụng nhất trong việc chế tạo bom nguyên tử. 

Theo nhận định của ông Choi Kang, chuyên gia về an ninh thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Triều Tiên, nếu thật sự Bình Nhưỡng vừa qua đã thử nghiệm với chất uranium, nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên không chỉ đe doạ bán đảo này hay vùng Đông Bắc Á, mà còn đe dọa cả thế giới. 

Một trong những khách hàng tương lai của Bình Nhưỡng chính là Iran.Thậm chí các nhà phân tích nghi rằng các chuyên gia Iran đã có mặt tại nơi thử nghiệm hạt nhân để quan sát, tuy rằng Teheran đã bác bỏ điều đó. Mặt khác, từ nhiều năm qua, các lãnh đạo tổ chức khủng bố Al Qaida cũng đã tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân. 

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh đến nguy cơ của Bắc Triều Tiên đối với các hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Bình Nhưỡng càng cải thiện công nghệ chế bom nguyên tử thu nhỏ gắn trên tên lửa, thì các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên càng phải tìm một vũ khí răn đe tương đương. 

Tại Hàn Quốc, nhiều dân biểu đảng bảo thủ đang kêu gọi mở cuộc thảo luận về việc nước này nên ra khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân, để có thể tự phát triển vũ khí nguyên tử. Tuyên bố với hãng tin AFP, giáo sư Lee Jong-Hoon, thuộc trường đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng phải yêu cầu Trung Quốc áp lực mạnh hơn để ngăn không cho Bắc Triều Tiên đi quá xa. Nếu không hậu quả sẽ là Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Đài Loan cũng trở thành quốc gia có vũ khí nguyên tử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.