Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - KINH TẾ

Thâm hụt thương mại của Nhật đạt mức kỷ lục trong tháng Giêng

Thâm hụt thương mại của Nhật đã không còn là chuyện bất ngờ nữa, tuy nhiên trong tháng Giêng này khoảng cách giữa xuất nhập khẩu của đất nước này tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục mới. Nguyên nhân được cho là do Nhật Bản thiếu điện sau vụ tai nạn Fukushima, căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và châu Âu thì đang lâm vào khủng hoảng.

Tàu chở hàng xuất khẩu tại bến cảng thành phố Tokyo 20/02/2013 (REUTERS /Yuya Shino)
Tàu chở hàng xuất khẩu tại bến cảng thành phố Tokyo 20/02/2013 (REUTERS /Yuya Shino)
Quảng cáo

Hôm nay, 20/02/2013, bộ Tài chính Nhật thông báo cán cân thương mại của cường quốc kinh tế thứ ba thế giới đạt mức 15 tỷ đô la trong tháng Giêng, một con số lớn chưa từng có đối với nước Nhật kể từ năm 1979.

Nhiều lý do được đưa ra giải thích như tháng Giêng người Nhật mất một tuần nghỉ đón năm mới. Nước Nhật vẫn đang trong cảnh thiếu năng lượng nghiêm trọng do hầu như toàn bộ hệ thống các lò phản ứng hạt nhân phát điện trong cả nước vẫn ngừng hoạt  động.

Kinh tế Nhật vẫn dựa chủ yếu trên xuất khẩu. Trước đây, cán cân thương mại của nước này đạt thặng dư là nhờ thành công của ngành công nghiệp xe hơi và điện tử. Nhưng từ sau vụ động đất sóng thần gây ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng Ba năm 2011, cán cân thương mại của Nhật Bản liên tục bị thâm hụt với mức độ ngày càng trầm trọng thêm.

Bước vào năm 2013, tình hình vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Tháng đầu năm nay, nhập siêu của Nhật vẫn tăng 7,3% so với cùng kỳ của năm 2012. Bị mất nguồn năng lượng hạt nhân, các công ty điện tử buộc phải nâng lượng khí đốt nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện.

Chưa bao giờ Nhật Bản nhập khí hóa lỏng nhiều như trong tháng Giêng. Đối với một số mặt hàng có cố gắng giảm nhập khẩu, như dầu lửa, thì giá thành vẫn bị đội lên bởi đồng yên giảm giá so với các ngoại tệ. Việc giảm giá đồng yên có thể mang lại lợi ích cho xuất khẩu.

Thực tế là trong tháng Giêng, xuất khẩu của Nhật đã tăng được 6,4%. Các sản phẩm xuất khẩu của Nhật như hóa chất, thép có tăng chút ít sang các thị trường châu Á. Lượng xe hơi và các phụ tùng xuất sang Mỹ cũng khá hơn.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lớn của Nhật Bản là Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu khởi sắc từ khi có căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. Trong khi đó, thị trường châu Âu giảm sút mạnh vì lục địa này vẫn đang trong tình trạng túng quẫn kéo dài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.