Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC- TƯ PHÁP

Một vụ sát nhân thời Mao khuấy động dư luận Trung Quốc

Một phiên tòa hiếm hoi xét xử một người bị kết tội sát nhân trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, hôm nay 21/02/2013 đã gây ra nhiều chỉ trích tại Trung Quốc. Lý do là vì thời gian xảy ra sự kiện đã quá lâu, cũng như tính độc đoán của tư pháp.

Quảng Trường Thiên An Môn cùng bức ảnh Mao Trạch Đông. Ảnh tháng 9/2012.
Quảng Trường Thiên An Môn cùng bức ảnh Mao Trạch Đông. Ảnh tháng 9/2012. REUTERS/David Gray
Quảng cáo

Theo báo chí chính thức được AFP đưa lại, thì một ông lão ở tuổi bát tuần sống tại miền đông Trung Quốc, hôm thứ Hai 18/2 đã bị xét xử vì đã sát hại một bác sĩ bị cho là gián điệp. Phiên tòa diễn ra tại nhà bị cáo và chỉ kéo dài có một ngày.

Phiên xử về một tội đã phạm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) - thập kỷ nhiễu nhương trong đó nhiều triệu người đã bị giết chết – là một phiên tòa hiếm hoi, đến hơn 45 năm sau mới được tổ chức.

Trong một tiểu blog, luật sư Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) chuyên đấu tranh cho nhân quyền tố cáo : « Tên tội phạm lớn nhất của Cách mạng Văn hóa thì không phải chịu trách nhiệm, trong lúc một kẻ sát nhân phải trả lời trước pháp luật sau nhiều thập kỷ ».

Bị cáo Qiu bị lên án là đã dùng dây siết cổ bác sĩ Hong, sau đó chặt đôi chân nạn nhân rồi đem chôn. Báo chí chính thức Trung Quốc nói rằng thủ phạm đã trốn lánh suốt ba chục năm, và cuối cùng đã bị bắt vào tháng 7/2012, đó là lý do vì sao mãi đến bây giờ mới bị đem ra xử.

Tuy nhiên nhiều cư dân mạng tố cáo sự tùy tiện của tư pháp Trung Quốc, truy bức một người dân đen. Một người viết : « Vẫn có đến 99,9999% người vẫn chưa bị đem ra xử ». Người khác cho rằng : « Ông Qiu chỉ là một con cờ thí », và chỉ trích chính quyền là đã không truy tố các lãnh đạo cộng sản thời đó.

Cuộc « Đại cách mạng vô sản » được Mao Trạch Đông phát động trong lúc chức vụ người đứng đầu đất nước của ông ta đang bị lung lay, đã giúp cho « Người cầm lái vĩ đại » triệt hạ tất cả các hình thức chống đối, tăng cường tôn sùng lãnh tụ và củng cố quyền lực cá nhân.

Thời kỳ nội chiến này được đánh dấu bằng sự huy động lực lượng Hồng vệ binh đàn áp các khuynh hướng tư sản hóa, đưa các trí thức về nông thôn để « cải tạo », tình trạng hỗn loạn dẫn đến bạo động trên khắp đất nước, và sự thụt lùi của nền kinh tế Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.