Vào nội dung chính
THÁI LAN - PHỎNG VẤN

Nam Thái Lan : Thiếu tôn trọng văn hóa bản địa là căn nguyên gây bất ổn

Miền Nam Thái Lan với đa số cư dân theo Hồi giáo lại bị cuốn hút vào một vòng xoáy mới của bạo lực. Khuya hôm 13/02/2013, khoảng 50 phiến quân Hồi giáo ly khai đã tấn công vào một trại lính thủy quân lục chiến. Được mật báo trước, lực lượng chính phủ đã phản công và 16 phiến quân đã thiệt mạng. Trong những ngày sau đó, phe nổi dậy đã tiến hành nhiều vụ phóng hỏa và đánh bom tại ba tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat - gần biên giới với Malaysia.

Nhân viên an ninh xem xét hiện trường một vụ đánh bom tại tỉnh Pattani (miền Nam Thái Lan) ngày 17/02/2013.
Nhân viên an ninh xem xét hiện trường một vụ đánh bom tại tỉnh Pattani (miền Nam Thái Lan) ngày 17/02/2013. REUTERS/Surapan Boonthanom
Quảng cáo

Theo Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, tình trạng bất ổn định tại miền Nam Thái Lan không phải là một cái gì mới, mà đã manh nha từ đầu thế kỷ 20, khi vùng đông người gốc Mã Lai theo Hồi giáo này lại bị đế quốc Anh cho sát nhập vào Thái Lan, và kéo dài cho đến ngày nay, với bước ngoặt là sự hình thành của phong trào nổi dậy võ trang từ những năm 1960.

08:36

Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok

Căn nguyên sâu xa của cuộc xung đột này, theo Arnaud Dubus, bắt nguồn từ chính sách có thể nói là đồng hóa bắt buộc của chính quyền trung ương – trong tay người Thái, theo Phật giáo - nhắm vào cộng đồng thiểu số gốc Mã Lai, theo Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam Thái Lan, coi thường các nhân tố văn hóa và tôn giáo truyền thống trong vùng.

Arnaud : Đây là một cuộc xung đột có căn nguyên từ trong lịch sử. Khu vực miền Nam Thái Lan vốn là một tiểu vương quốc Hồi giáo tên gọi Tiểu Vương quốc Patani, đã từng được tương đối độc lập trong nhiều thế kỷ, mặc dù lúc này lúc khác, cũng phải chịu chế độ bảo hộ của Bangkok.

Khi đế quốc Anh đến chiếm khu vực mà bây giờ là Malaysia vào cuối thế kỷ XIX, Patani được chính thức sát nhập vào trong vùng Malaysia thuộc Anh. Tuy nhiên, trong thực tế, tiểu vương quốc Hồi giáo này vẫn được hưởng một quyền tự trị đáng kể. Tình trạng đó tuy vậy đã thay đổi hoàn toàn vào năm 1909, sau một hiệp ước giữa Thái Lan và chính quyền Thực dân Anh, theo đó vùng Patani được sát nhập về mặt hành chính vào Thái Lan.

Nhưng phải nói là tình hình đã thực sự xấu hẳn đi trong khoảng thời gian từ năm 1938 đến năm 1957, trong 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Phibulsongkhram, một người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Ông ta đã cố sức bài trừ văn hóa Mã Lai và Hồi giáo, ví dụ như buộc người Hồi giáo gốc Mã Lai ở miền Nam phải thờ phụng các pho tượng Phật.

Giọt nước làm tràn ly là quyết định của chính quyền Bangkok muốn kiểm soát các trường dạy kinh Hồi giáo Koran từ năm 1960. Chính vào thời điểm đó mà phong trào nổi dậy xuất hiện, thoạt đầu do các tok guru lãnh đạo, tức là những giáo sư Hồi giáo và giới quý tộc người gốc Mã Lai theo Hồi giáo thân cận với các tiểu vương Patani trước đây.

Nhờ chính sách ân xá của chính phủ trung ương, phong trào nổi dậy tạm lắng dịu vào đầu những năm 1980, nhưng lại bùng lên vào tháng Giêng năm 2004, với một thế hệ phiến quân mới.

Theo giới chuyên gia, phong trào nổi dậy ở miền Nam Thái Lan, không có tổ chức rõ ràng cụ thể, nhưng bao gồm khoảng 9.000 người.

RFI : Nhưng ta có thể giải thích như thế nào về sự bùng phát bạo lực được thấy trong những tuần lễ gần đây ?

Arnaud : Trong thực tế, mức độ bạo lực chưa bao giờ suy giảm nếu tính bình quân hàng năm từ năm 2004 đến nay. Đã có hơn 5.500 người thiệt mạng, gần một nửa là người Thái theo Phật giáo và hơn một nửa còn lại là người Hồi giáo gốc Mã Lai.

Mục tiêu tấn công của phiến quân trước hết là những người đại diện cho Nhà nước Thái Lan và những định chế bị liệt vào hệ thống giúp đồng hóa với văn hóa Thái Lan. Do vậy nạn nhân không chỉ là quân nhân, cảnh sát, nhân viên kiểm lâm, mà còn là giáo viên, công chức và tu sĩ Phật giáo.

Tính ra, đã có khoảng 150 giáo viên bị giết ở miền Nam Thái Lan kể từ năm 2004, một con số cực kỳ cao. Và không cần phải nói cũng thấy rằng ít có giáo viên Thái Lan nào sốt sắng tình nguyện nhận công tác ở vùng miền Nam.

Điều mà ta thấy rõ ràng là phong trào nổi dậy càng lúc càng quân sự hóa và « chuyên nghiệp hóa ». Một trong những dấu hiệu là lực lượng tấn công vào trại thủy quân lục chiến ngày 13/02/2013 đều mặc quân phục. Ngoài ra, ngày càng có nhiều cuộc tấn công phối hợp đòi hỏi một mức độ tổ chức tinh vi. Đồng thời, phiến quân dùng càng lúc càng nhiều các loại bom 50 ký, trong khi sáu hoặc bảy năm trước đây, công suất tối đa được họ sử dụng không đầy 10 ký.

Mặt khác, các phần tử nổi dậy có một lợi thế lớn, họ được dân chúng địa phương giúp đỡ, ít ra là một cách thụ động. Phiến quân được dân làng bảo vệ và có thể di chuyển dễ dàng từ thôn này qua ấp khác, bất chấp sự hiện diện của 150.000 binh lính Thái Lan trong khu vực.

Tuy đa số chống lại các hành động bạo lực, nhưng người Hồi giáo gốc Mã Lai lại xem các phiến quân trẻ là một phần trong cộng đồng của mình, và không thể giao nộp những người này cho quân đội Thái Lan, bị coi là một lực lượng xâm lược từ bên ngoài.

Một khía cạnh quan trọng khác là hiện nay không có liên hệ gì giữa các lực lượng nổi dậy ở miền Nam Thái Lan và các phong trào thánh chiến quốc tế.

RFI : Anh đánh giá sao về các biện pháp được chính quyền trung ương Thái Lan đề ra để giải quyết vấn đề này ?

Arnaud : Chính quyền dân cử Thái Lan đã để cho quân đội quyền quản lý tình hình. Quân đội đã áp dụng một cách tiếp cận kép. Trước hết là trên địa hạt an ninh như tăng cường quân số trong khu vực và hình thành các lực lượng dân quân địa phương để bảo vệ các thôn xóm. Sau đó, là thúc đẩy sự phát triển kinh tế bằng các dự án như chế biến thực phẩm halal – tức là theo đúng nghi thức Hồi giáo – trồng cao su hoặc phát huy thủ công nghệ.

Vấn đề là nhân tố văn hóa và chính trị lại bị bỏ lơ. Sở dĩ người Thái gốc Mã Lai trong vùng này oán giận chính quyền trung ương, đó là vì họ có cảm giác rằng văn hóa của họ bị người Thái ở Bangkok xem thường. Ví dụ như có rất ít hoặc không có chủ trương phát triển tiếng địa phương Jawi, trên các phương tiện truyền thông. Văn hóa Mã Lai cũng không có chỗ đứng trong các trường học hoặc các trường đại học.

Trong thực tế, một giải pháp khả thi : đó là trao quyền tự chủ hành chính rộng rãi cho khu vực, vừa cho phép người dân bầu ra tỉnh trưởng của họ thay vì phải chịu sự chỉ định từ Bangkok như hiện nay, vừa để cho các chính quyền xuất thân từ các cộng đồng địa phương phát huy nếp sống và văn hóa của họ.

Tuy nhiên, "quyền tự chủ" lại là một điều cấm kỵ đối với quân đội. Họ cho rằng điều đó vi phạm nguyên tắc tối thượng trong hiến pháp là không thể chia cắt lãnh thổ. Đấy là một quan điểm hẹp hòi, vì thống đốc Bangkok và Pattaya đã được bầu lên.

Vào lúc này, hiện trạng vẫn được duy trì, và sẽ có thay đổi rất ít nếu chính quyền trung ương không nhận ra kích thước chính trị của vấn đề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.