Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Trung Quốc dọa Nhật, ép Mỹ nhưng không dám phiêu lưu

Đăng ngày:

Tham vọng biển đảo của Trung Quốc đe dọa an ninh toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hải thuyền Trung Quốc từng ngày khiêu khích Nhật Bản tại Senkaku/Điếu ngư. Hạm đội Bắc Hải rời vùng trách nhiệm, vượt ra Đông Thái Bình Dương, kéo xuống « Nam Hải » tập trận như tại ao nhà. Liệu Bắc Kinh chuẩn bị phiêu lưu gây chiến tranh với Nhật hay sẽ ra tay bất ngờ tại vùng biển Đông Nam Á ? RFI đặt câu hỏi với giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ

Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện gần vùng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, biển Hoa Đông, ngày 18/09/2012
Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện gần vùng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, biển Hoa Đông, ngày 18/09/2012 REUTERS
Quảng cáo

Tình hình xung khắc Trung-Nhật là một trong những nguyên do làm dân chúng Nhật Bản vào tháng 12/2012 đã bầu ông Shinzo Abe ,một nhà chính trị thuộc khuynh hướng « diều hâu » vào ghế thủ tướng. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa tàu hải giám xâm nhập hải phận Senkaku mà họ đặt tên là Điếu Ngư.

Trong khi đó tại vùng biển Đông Nam Á mà Trung Quốc gọi là « Nam Hải », Bắc Kinh tiếp tục thái độ kẻ cả, tuyên bố chủ quyền toàn khu vực với bản đồ « 9 đoạn » và đầu tuần này đã bác bỏ yêu cầu của Philippines đưa hồ sơ tranh chấp biển đảo ra Tòa án Liên Hiệp Quốc.

Tại Việt Nam, có lẽ do áp lực của Bắc Kinh , chính quyền Việt Nam « lãng quên » tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ đất nước và ngăn cấm mọi động thái của dân chúng lên án Trung Quốc xâm lược, điển hình là ngày 17 tháng 02 năm 1979 là ngày Đặng Tiểu Bình xua nửa triệu quân tấn công Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên gia quốc tế thì tình hình nóng bỏng này rất thuận lợi cho một cuộc xung đột cấp vùng. Giáo sư Jean-Marc Blanchard, đại học Thượng Hải, lo ngại xung khắc Trung- Nhật, nếu không được giải quyết ổn thỏa theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau, sẽ đưa đến hậu quả khó lường.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tự cho là bị bao vây vì Nhật Bản ráo riết hợp tác với hải quân Ấn Độ và tăng cường liên minh chính trị với các quốc gia Đông Nam Á có cùng mối quan ngại ? Ngược lại, Tokyo sẽ phản ứng như thế nào nếu cảm thấy Bắc Kinh « sử dụng lá bài hạt nhân và tên lửa » của Bắc Triều Tiên ?

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc chọn đóng vai trò « kẻ ác » trong khi Nhật Bản tỏ ra nhún nhường ? Theo phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine (Hoa Kỳ), Bắc Kinh tức giận Washington đã từ khước đề nghị « chia đôi Thái Bình Dương » nhường phía tây cho Trung Quốc. Phe cực đoan và một bộ phận tướng lĩnh Trung Quốc tìm cách gây sức ép với Nhật Bản và Mỹ để xem hai đối thủ này nhượng bộ đến đâu. Nhấn mạnh vào yếu tố « cộng sinh kinh tế », giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Trung Quốc sẽ không dám phiêu lưu đụng vào hai bạn hàng xuất khẩu chiến lược, làm như vậy là tự sát. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á phải đề phòng.

15:29

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)

Tú Anh

Trong bài phỏng vấn dành cho RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trước hết phân tích những nguyên nhân gần, xa thúc đẩy Trung Quốc liên tục đưa tàu hải giám xâm phạm hải phận Senkaku/ Điếu Ngư từ tháng 9/2012.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Từ năm 1996, Senkaku/Điếu Ngư đã có căng thẳng lắm rồi. Báo Times của Mỹ đặt câu hỏi : Chiến tranh sắp tới tại Á Châu có thể xảy ra vì những đảo nhỏ như thế này hay không ?

Tại sao có căng thẳng ? Thật ra Senkaku chỉ có 5 đảo nhỏ và vài mỏm đá chưa được 7 cây số vuông… thiên nhiên không thể nuôi sống con người… theo luật Liên Hiệp Quốc thì nhiều lắm thì lãnh hải hay « nước lãnh thổ » chỉ có 12 dặm. Nhưng Trung Quốc và một số người Nhật nghĩ rằng từ đảo này có thể đòi được đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nếu đòi được thì lập tức có 71.000 cây số vuông lãnh hải và theo một số tính toán từ năm 1996 thì lúc đó sẽ có 12 tỷ thùng dầu, 200 lít mỗi thùng.

RFI : Trong bài phân tích « Những láng giềng bất hạnh » của Trung Quốc đăng trên tạp chí ngoại giao The Cairo Riview of Global Affaires , giáo sư có nhắc đến lá bài Trung Quốc mà tổng thống Nixon đã sử dụng để chống Liên Xô. Đối với Senkaku mà cho đến thập niên 1970 Mỹ mới trao lại cho Nhật Bản , Hoa Kỳ đã sử dụng chiến thuật gì ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Quần đảo này có giá trị chiến lược quan trọng vì là đường đi xuống Hoa Nam mà Việt Nam gọi là Biển Đông, và cũng là đường đi qua Okinawa từ Tây Thái Bình Dương sang Đông Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao khi Hoa Kỳ từ khước đòi hỏi của Trung Quốc rút về đảo Hawai để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Tây Thái Bình Dương thì Trung Quốc lập tức quấy nhiễu ở khu vực Hoa Đông, Điếu Ngư/ Senkaku và ở biển Hoa Nam mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Đây là Trung Quốc cố tình gây áp lực với Mỹ để Mỹ nhượng bộ tại Tây Thái Bình Dương mà còn trên nhiều lãnh vực khác như chính trị, kinh tế…

Riêng về tranh chấp tại Senkaku/ Điếu Ngư thì năm 1996, Hoa Kỳ nhấn mạnh là giữ thái độ « trung lập » mà mong hai bên Trung Quốc, Nhật Bản giải quyết với nhau ôn hòa. Tổng thống Nixon lúc đó chơi lá bài Trung Quốc để chống Liên Xô và Việt Nam …

Nhưng theo nghiên cứu của các cơ quan luật pháp Mỹ, thì Hoa Kỳ có bổn phận phải bảo vệ Senkaku theo hiệp ước an ninh ký với Nhật Bản vì Mỹ đã quản lý Senkaku từ 1945 đến 1971. Năm 1971, Mỹ giao Senkaku lại cho Nhật nhưng Mỹ vẫn tiếp tục cho đến năm 1978 trả mỗi năm 11 triệu đôla mỗi năm cho người con của gia đình chủ đảo đầu tiên để thuê sân tập bắn cho lính Mỹ. Mỹ có trách nhiệm, nhưng né tránh trách nhiệm bằng cách giao đảo cho Nhật.

Mùa hè 2012 một số người Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông quyết định lên đảo cắm cờ… Sau đó một số người Nhật cũng bơi lên đảo mặc dù chính phủ họ cấm … Lập tức mấy chục nghìn người Trung Quốc biểu tình tại 20 thành phố đập phá các công ty Nhật, chận phá xe của đại sứ Nhật mặc dù ông đại sứ này có tiếng thân thiện Trung Quốc.

Từ 24/08/2012 trở đi thì một số tướng lĩnh Trung Quốc nhân vụ này đòi phải điều máy bay, tàu chiến Trung Quốc ra Điếu Ngư và sẵn sàng bắn giết binh sĩ Nhật. Hoàn Cầu Thời Báo ngày 21/08/2012 cũng có bài xã luận « nếu chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật xảy ra thì đây là cơ hội để Trung Quốc rửa cái nhục của cả thế kỷ vừa qua ». Rồi ngày 12/09/2012, Hoàn Cầu Thời Báo lại đăng thông cáo có chữ ký của 10 viên tướng Trung Quốc đòi phải có biện pháp sẵn sàng đánh Nhật kể cả việc thả bom nguyên tử nếu cần. Cùng ngày 12/09/2012, tờ Tin Bắc Kinh cũng đòi dội bom nguyên tử thành phố Tokyo…

Ngày 18/09/2012, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, trong buổi họp báo chung với bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cũng tuyên bố là Trung Quốc bảo lưu quyền hành động thêm của mình để bảo vệ « chủ quyền » của mình đối với Điếu Ngư và « những quần đảo khác »…

Việt Nam và Philippines rút tỉa kinh nghiệm bài học Senkaku/Điếu Ngư như thế nào để ứng phó với Trung Quốc ? Mời quý vị theo dõi toàn bài phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long trong phần ghi âm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.