Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bêu rếu tử tội trên truyền hình: Đại cường Trung Quốc muốn dằn mặt

« Cái chết trực tiếp trên truyền hình Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, nói về việc hôm qua 01/03/2013 chính quyền đã cho chiếu trực tiếp trên truyền hình những giây phút cuối cùng của bốn tử tội trước khi hành quyết họ.

REUTERS /China Daily
REUTERS /China Daily
Quảng cáo

Tác giả bài báo cho biết chương trình trực tiếp này kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ trên kênh truyền hình quốc gia. Lần lượt ba tội phạm người Miến Điện, Thái Lan, Lào và một người khác không quốc tịch bị diễu ra trước các ống kính truyền hình, và vô số phóng viên ảnh chạy tới chạy lui để tìm góc chụp ưng ý nhất. 

Tử tù đầu tiên, Naw Kham người Miến Điện, được cho là thủ lãnh của băng nhóm đã giết 13 thủy thủ Trung Quốc trên sông Mêkông, được đưa ra khỏi xà lim ở Côn Minh. Tay bị còng, bị công an đội nón sắt áp tải, hai cánh tay bị các công an viên mang găng trắng nắm chặt, người tù mỉm cười trước các nhà báo đang chờ đợi.

Người ta tháo còng cho Naw Kham, rồi trói lại bằng một sợi dây thừng màu nâu. Sợi thừng được khéo léo luồn qua cổ và đôi tay bắt chéo sau lưng để buộc người tử tù phải cúi đầu xuống như là đang hối hận. Rồi đội áp giải đưa anh ta ra ngoài, đẩy mạnh vào chiếc xe là nơi dùng để hành quyết. Hoạt cảnh chết chóc này được ngưng tại đây, rồi lặp lại với ba tử tù tiếp theo. 

« Tất cả đều diễn ra theo luật pháp, và chỉ theo luật pháp », bình luận viên truyền hình không ngớt nhắc đi nhắc lại như thế. Nhưng Libération cho biết, cách nhìn này không hề được các luật gia đồng tình. Luật sư Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) tại Bắc Kinh nói với hãng tin Reuters : « Bêu các tội phạm bị án tử hình ra trước công chúng như thế bị cấm đoán theo điều 252 Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc». 

Trung Quốc đã ngưng hành quyết công khai trong thập niên 80. Trước đó, các tử tội phải mang những tấm bảng có tên họ bị gạch bỏ bằng mực đỏ, đi diễu trên đường phố. Vào thời ấy mỗi năm có hàng chục ngàn người bị xử tử, thường là bằng một viên đạn bắn vào sau ót, và thân nhân họ phải trả chi phí tượng trưng một đồng nhân dân tệ. 

Việc hành quyết cũng được tiến hành tại các bệnh viện, dưới lưỡi dao mổ của các bác sĩ để lấy đi các bộ phận nội tạng của cơ thể tử tù. Như Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu) đã nhiều lần nhìn nhận, mới cách đây vài năm, tử tội vẫn là nguồn duy nhất cung cấp nội tạng để cấy ghép. Tháng trước, ông này cam đoan rằng từ nay tử tù Trung Quốc chỉ cung ứng có « hơn 65% » số bộ phận cơ thể cho việc ghép tạng. 

Còn các phiên xử công khai thì kéo dài đến thập niên 90, cho đến khi Nhà nước nhận thấy là cung cách này bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc. Cũng là để đánh bóng hình ảnh, mà từ cách đây hơn chục năm Bắc Kinh bắt đầu việc xử tử bằng cách chích thuốc độc, song song với việc xử bắn. Luật Tố tụng Hình sự cũng được sửa đổi để bảo vệ phẩm cách của phạm nhân. 

Libération đặt câu hỏi, thế thì tại sao chính quyền lần này lại chọn lựa một bước lùi, khi tổ chức cuộc trình diễn cái chết rình rang như thế vào hôm qua ? 

Theo tác giả, thì việc người nước ngoài sát hại 13 người Trung Quốc, được đại cường mới này xem là một sự đối đầu. Bắc Kinh đã cố dùng mọi cách để truy lùng cho bằng được các thủ phạm, thậm chí còn nghĩ đến phương án sử dụng máy bay không người lái vũ trang để bắn hạ họ. Cuối cùng thì Trung Quốc cho gởi một đội biệt kích đến Lào để bắt sống, với sự trợ giúp của chính quyền địa phương. 

Bài báo kết luận, nhằm chứng tỏ sự hiệu quả và kiên quyết của mình, Bắc Kinh đã quyết định rửa nhục cho đến cùng, và bằng mọi giá ! 

Thái Lan : Hòa bình với pheHồi giáo còn mong manh 

Cũng liên quan đến châu Á nhưng tại Thái Lan, nhật báo Le Monde chú ý đến sự kiện chính quyền ký một thỏa ước khá mong manh với phe Hồi giáo ly khai ở miền Nam. Các vụ nổi dậy tại vùng này đã làm cho 5.500 người chết trong vòng 8 năm qua. 

Tờ báo nhắc lại sự kiện hôm 28/2, chính quyền Thái Lan đã ký với Mặt trận Quốc gia Cách mạng (BRN-C), nhóm nổi dậy Hồi giáo vũ trang năng động nhất ở miền Nam, một hiệp ước « lịch sử » nhằm mang lại hòa bình cho khu vực này. Việc thương thuyết diễn ra tại Malaysia, nơi mà một số thủ lãnh các nhóm đối lập vũ trang coi như căn cứ địa. Nhưng theo Le Monde, điều này không có nghĩa là một nền hòa bình lâu bền sẽ đến ngay trong ngày mai, tại ba tỉnh miền Nam, vì còn ít nhất ba phong trào nổi dậy khác đang chiến đấu. 

Cuộc chiến tranh du kích đã chuyển thành bạo lực từ năm 2004 có gốc rễ từ lịch sử : năm 1902, Pattani, nước chư hầu của vương quốc Thái Lan bị Bangkok thôn tính. Trong thập niên 40, rất nhiều vụ bạo động đã nổ ra với những người ly khai Hồi giáo, rồi lắng xuống trong thập niên 80 và lại bùng nổ trở lại từ 8 năm qua. 

Xung đột chủ yếu tại ba tỉnh giáp ranh Malaysia là Pattani, Yala và Narathiwat, nơi có đến 80% dân số theo Hồi giáo và nói thổ ngữ yawi, một thứ tiếng gần gũi với tiếng Mã Lai. Nhiều người cho rằng họ là những công dân hạng hai, phẫn nộ trước việc ngôn ngữ của họ không được dạy tại trường. Sự thô bạo của lực lượng an ninh chỉ làm cho trầm trọng thêm vấn đề. 

Tuy nhiên phe nổi dậy, mà số chiến binh được ước lượng khoảng 9.000 người, không có quan hệ cụ thể với chủ nghĩa Hồi giáo khủng bố theo kiểu Al Qaida. Các yêu sách của họ thường mù mờ, tập trung cho bản sắc chủng tộc hơn là kêu đòi thánh chiến ; hơn nữa các phong trào vũ trang cũng chia rẽ với nhau, đôi khi còn có liên hệ với mafia địa phương. 

Hy vọng hòa bình, theo Le Monde, hãy còn xa, vì các lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Cách mạng chưa chắc kiểm soát được các chiến binh nổi dậy trẻ ở địa phương, vẫn thường tổ chức tấn công vào quân đội Thái. Một quan sát viên của Human Rights Watch tại châu Á nhận định, chính phủ Thái Lan còn phải nỗ lực rất nhiều để chiếm được lòng tin của người Hồi giáo. 

Cắt giảm ngân sách tự động : Trò chơi vô trách nhiệm tại Washington 

Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Monde về việc nước Mỹ bị cắt giảm ngân sách tự động vì bất đồng tại Quốc hội, đã bực tức viết : « Một trò chơi vô trách nhiệm ở Washington ». 

Le Monde mỉa mai nhận định, người ta cứ ngây thơ tưởng rằng Quốc hội Mỹ chỉ toàn những người có trách nhiệm ; hình dung ra các vị nghị sĩ đã tuyên thệ, luôn quan tâm đến lợi ích chung của nước Mỹ, và thậm chí cả bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Sai lầm thay ! Những người đại diện cho nhân dân Mỹ đã mang lại một hình ảnh thảm hại cho nền dân chủ của họ. 

Do không thể thỏa thuận được với nhau, ngân sách Hoa Kỳ đã bị cắt tự động một cách thô bạo hôm qua, trên toàn lãnh thổ. Các lãnh vực thiết yếu như quốc phòng, các dịch vụ công từ hải quan, sân bay, trường học, bệnh viện, công viên…đều bị ảnh hưởng. Ngân sách liên bang từ nay đến tháng 9 sẽ bị cắt giảm 85 tỉ đô la, và hàng năm 109 tỉ đô la cho đến năm 2021. Hàng trăm ngàn công chức, đặc biệt là thuộc Lầu Năm Góc, sẽ phải nghỉ việc không lương. 

Vì sao nên nỗi ? Không đồng thuận về chiến lược chống thâm hụt ngân sách, các dân biểu đã tự trói tay vào tháng 8/2011. Họ thông qua đạo luật « bức tường ngân sách » có hiệu lực từ ngày 01/03/2013, mà nội dung theo Le Monde là thô bạo và vô nghĩa, nhằm buộc các thành viên phải thỏa hiệp với nhau thay vì áp dụng một đạo luật như thế. 

Nhưng họ đã không thỏa thuận được. Tổng thống Dân chủ Barack Obama không tưởng tượng được rằng phe Cộng hòa, vốn lớn tiếng đòi bảo vệ an ninh đất nước, lại có thể tự chặt chân tay ngành quốc phòng như thế. Còn các đại biểu Cộng hòa thì nghĩ rằng ông Obama của phe Dân chủ không khi nào chấp nhận cắt giảm mạnh ngân sách dành cho y tế, giáo dục, trợ cấp nông nghiệp. Cả hai phe đều lầm lẫn, và luật bắt đầu có hiệu lực. 

Tờ báo nhắc lại, ở đây phe Cộng hòa phải gánh phần trách nhiệm lớn nhất về tình cảnh hiện nay. Ông Obama đã đề nghị một giải pháp dung hòa : vừa giảm chi tiêu công, vừa tăng thuế đánh vào những người Mỹ giàu có nhất. Nhưng vì lý tưởng mù quáng, vì chủ nghĩa giáo điều không khoan nhượng, phe Cộng hòa hiện chiếm đa số ở Thượng viện, đã bác bỏ hoàn toàn việc tăng thuế. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên hiệp châu Âu đã bày tỏ sự quan ngại. Việc cắt giảm ngân sách làm kinh tế Hoa Kỳ khó thể tái khởi động, tăng giảm phát tại châu Âu. Theo Le Monde, vẫn còn thời gian để hai đảng lớn ngồi lại với nhau, đây là vấn đề danh dự của nước Mỹ. 

Đức : Đất hứa của thanh niên thất nghiệp Nam Âu 

Còn tại châu Âu, Le Monde quan tâm đến « Người thất nghiệp Nam Âu, lực lượng nhập cư mới ». Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro đã đạt mức kỷ lục mới, và khủng hoảng tại các nước đang ngập trong nợ nần đã tạo ra một làn sóng di cư về Bắc Âu, nhất là về phía nước Đức. 

Tờ báo điểm qua một số trường hợp các trí thức trẻ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha…bị mất việc ở quê nhà đã tìm được việc làm ổn định tại nước Đức – quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu hiện nay, nhưng dân số đang bị lão hóa. Hàng chục ngàn thanh niên các nước Nam Âu đã đến Đức tìm việc trong ba quý đầu năm 2012 – một thế hệ người di cư mới trẻ hơn, nhiều bằng cấp hơn những lớp trước. 

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm nước Đức cần thêm ít nhất 400.000 lao động mới để bù đắp cho số nguồn lực đang già đi. Các công ty Đức hiểu rõ lợi ích của các lao động trẻ Nam Âu, đã thu hút họ bằng nhiều biện pháp từ dạy tiếng Đức, hỗ trợ các thủ tục hành chính cho đến tìm nhà. 

Tuy vậy tình hình không phải toàn một màu hồng, không ít người thất nghiệp không có năng lực chuyên môn, không tiền bạc, không quen biết đã phải quay về nước. Bên cạnh đó, tình trạng chảy máu chất xám nơi giới trẻ cũng là một thiệt thòi lớn cho các nước Nam Âu đang gặp khủng hoảng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.