Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

 Hàng loạt vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng sẽ thúc đẩy Trung Quốc gia tăng chi phí quốc phòng. Hồ sơ này sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua, trong khóa họp, khai mạc vào thứ Ba, ngày 05/03 tới đây.

Quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa, với ngân sách quốc phòng sẽ tăng mỗi năm gần 20%.
Quân đội Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa, với ngân sách quốc phòng sẽ tăng mỗi năm gần 20%. Reuters
Quảng cáo

Sau gần ba thập niên liên tục tăng chi phí quốc phòng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc giờ đây có thể thách thức các đối thủ đang có tranh chấp chủ quyền ở những vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và trữ lượng lớn về dầu khí, như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hải quân Trung Quốc hiện đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ về mặt quy mô, có đủ khả năng hoạt động ở vùng biển sâu, xa bờ, và tiếp tục tuần tra, luyện tập tại những nơi đang có tranh chấp.

Các vụ đối mặt giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tại biển Hoa Đông, kéo dài hơn sáu tháng qua, đang trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

Để thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng hải quân, giới chuyên gia quân sự cho rằng ngân sách quốc phòng năm nay của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số, tức là trên 10%.

Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia về quân sự ở khoa Khoa học Chính trị và Luật pháp, đại học Thượng Hải, nhận định, theo các dự báo thì ngân sách quốc phòng còn tăng mạnh và « với thái độ như hiện nay, Trung Quốc sẽ không để cho bất kỳ nước nào đe dọa mình ».

Song song với các hoạt động tuần tra để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại các nơi đang có tranh chấp chủ quyền, như ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn điều tàu chiến tới vùng Vịnh Aden và ở ngoài khơi Somalia, tham gia vào kế hoạch của Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hải tặc. Tháng trước, Bắc Kinh thông báo đợt điều động tàu chiến lần thứ 14 đến khu vực này, kể tháng 12 năm 2008.

Các động thái nói trên cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, mở rộng tầm hoạt động ra xa hơn, thay vì chỉ tiến hành các luyện tập ở bên trong lãnh thổ và tuần tra tại các vùng biển gần bờ, như trong các năm gần đây. Sự phát triển bộ máy quân sự như vậy cần phải có ngân sách lớn cho kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, các thiết bị quân sự, đặt mua hoặc đóng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và tên lửa.

Năm 2012, Bắc Kinh thông báo ngân sách quốc phòng là 106 tỷ đô la, tăng 11,2% so với năm trước. Thế nhưng, nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng một số chi tiêu quân sự của Trung Quốc không nằm trong ngân sách được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định là các khoản chi thực của Trung Quốc có thể dao động trong khoảng từ 120 đến 180 tỷ đô la. Như vậy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc quản lý ngân sách quốc phòng, vào lúc giới lãnh đạo chính trị và quân sự lên tiếng báo động về nạn tham nhũng và phí phạm trong quân đội, hiện có tới 2,3 triệu binh sĩ. Quân đội Trung Quốc vừa đưa ra một loạt các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn các khoản chi tiêu, như trong lĩnh vực xây dựng, cung ứng vật tư, tổ chức hội thảo và đón tiếp khách, nhằm giảm lãng phí và chống tham nhũng.

Các quy định mới này, đã được ông Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng sản, chủ tịch Quân ủy Trung ương thông qua, cũng hướng các khoản chi ngân sách quốc phòng vào việc nâng cao khả năng tác chiến, trang bị vũ khí công nghệ cao và tăng cường luyện tập và điều này càng làm cho các nước láng giềng lo ngại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.