Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc : Ngân sách quốc phòng tăng 10,7%

Hôm nay, 05/03/2013, khi khai mạc kỳ họp của Quốc hội mới, chính phủ Trung Quốc đã thông báo ngân sách quân sự năm 2013 với mức tăng vẫn hơn 10%, gây thêm lo ngại cho các nước láng giềng, nhất là vào lúc căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với Tokyo gia tăng.

Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc thử hạ cánh trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Ảnh chụp 25/11/2012  (REUTERS /Xinhua)
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc thử hạ cánh trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Ảnh chụp 25/11/2012 (REUTERS /Xinhua)
Quảng cáo

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng 10,7%, lên tới 720 tỷ nhân dân tệ ( 88,8 tỷ euro ). Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng năm ngoái ( 11,2% ), nhưng vẫn là mức tăng với hai con số.

Ngân sách này đứng hàng thứ hai thế giới, nhưng hiện còn thua xa ngân sách quân sự của Hoa Kỳ. Tuy vậy, Lầu năm góc và các chuyên gia phương Tây cho rằng trên thực tế, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh cao hơn nhiều so với ngân sách được thông báo chính thức.

Trả lời AFP hôm nay, ông Rick Fisher, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, thẩm định là kể từ nay Trung Quốc huy động đến hơn 300 tỷ đôla cho Quân đội Nhân dân Giải phóng, quân đội lớn nhất thế giới, với tổng cộng 2,3 triệu binh lính. Ngân sách quốc phòng cao như vậy chủ yếu vì chương trình không gian là do quân đội Trung Quốc kiểm soát và cũng vì họ phải bảo trì kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Về phần ông Arthur Ding, chuyên gia về quân đội Trung Quốc ở Đài Loan, thì nhận định rằng mức tăng hai con số của ngân sách quốc phòng Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên, vì tăng trưởng kinh tế của nước này cho phép duy trì một mức tăng như vậy.

Nhưng ông Arthur Ding nhấn mạnh rằng việc hiện đại hóa và phát triển các hệ thống phòng thủ như các chiến hạm, máy bay tiêm kích và vận tải, hàng không mẫu hạm, vũ khí diệt vệ tinh, cũng như những hệ thống phòng thủ trên bộ đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn.

Phát biểu với khoảng 3000 đại biểu Quốc hội hôm nay 05/03/2013, thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo, đã khẳng định là Trung Quốc đã gia tăng chuẩn bị tác chiến và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Tuyên bố này dĩ nhiên là nhắm trước hết đến Nhật Bản, vì quan hệ giữa hai nước hiện đang rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở vùng biển Hoa Đông. Từ nhiều ngày qua, Bắc Kinh thường xuyên phái các tàu và thậm chí máy bay đến vùng này, những hành động mà Tokyo cho là xâm phạm không phận và hải phận Nhật Bản.

Trong bài diễn văn cuối cùng trong cương vị thủ tướng, ông Ôn Gia Bảo đã giao cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc trách nhiệm « đẩy nhanh hiện đại hóa khả năng phòng thủ và các lực lượng vũ trang, xây dựng một nền quốc phòng vững chắc và một quân đội hùng mạnh ».

Bắc Kinh hiện đang trang bị những vũ khí ngày càng tối tân. Vào tháng trước, hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận một khu trục hạm tàng hình đầu tiên. Trước đó, trong tháng Giêng, một phi cơ vận tải quân sự của Trung Quốc, máy bay bốn động cơ phản lực mang tên Y-20 đã cất cánh lần đầu tiên.

Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đưa vào hoạt động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên và đã cho máy bay tiêm kích J-10 tập cất cánh và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm này. Những tiến bộ nhanh chóng nói trên đã làm ngạc nhiên các chuyên gia. Quân đội Trung Quốc hiện cũng đang phát triển một tên lửa đạn đạo có thể bắn tới các chiến hạm nằm cách xa hàng ngàn cây số.

Tuy Bắc Kinh vẫn cho là công nghệ quân sự của họ còn thua Hoa Kỳ hàng mấy thập kỷ và việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc chỉ nhằm mục đích « phòng thủ », nhưng trên thực tế Trung Quốc nay đã có đủ khả năng tung lực lượng đi rất xa, chứ không còn quanh quẩn ở những vùng sát cạnh nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.