Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Aung San Suu Kyi kêu gọi đoàn kết trong nội bộ đảng đối lập Miến Điện

Đại hội đầu tiên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi bước qua ngày thứ hai vào hôm nay, 09/03/2013. Trước toàn thể các đại biểu, bà Aung San Suu Kyi đã khẩn trương kêu gọi đoàn kết trong nội bộ đảng, đang bị xâu xé do tranh giành quyền lực.

Phiên khai mạc đại hội của đảng đối lập Miến Điện Rangoon, 08/03/2013.
Phiên khai mạc đại hội của đảng đối lập Miến Điện Rangoon, 08/03/2013. REUTERS/Kyaw Soe Naing/NLD/Handout
Quảng cáo

Phát biểu trước cử tọa, lãnh tụ đối lập đã công khai thừa nhận là « đã có tranh chấp » nội bộ trong những tháng gần đây, và bà thành khẩn kêu gọi các đại biểu « tự kềm chế », không xâu xé nhau vì chỗ đứng. Bà nhắc lại : « Tinh thần huynh đệ rất quan trọng, và nếu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã vững mạnh trong quá khứ, đó là nhờ vào tinh thần đồng chí ».

Theo hãng tin Pháp AFP, tranh chấp trong đảng của bà Aung San Suu Kyi đã diễn ra gay gắt từ nhiều tháng nay, dẫn đến việc 4 thành viên quan trọng bị trục xuất và không được quyền tham dự Đại hội.

Một trong 4 nhân vật này, luật sư Khin Maung Shein 66 tuổi, đã tỏ ý rất bực tức và cho rằng : « Lẽ ra việc đó không được phép xẩy ra, vì không tốt cho cả người lãnh đạo cũng như cho toàn đảng. Và đà này, nếu tiếp tục, sẽ tác hại đến tương lai của đảng ». Ông Maung Shein giải thích là ông đã lâm vào tình thế này, chỉ vì ông đã hỏi các thành viên của Liên Đoàn là họ có muốn vào ủy ban trung ương hay không.

Theo giới quan sát, nhiệm vụ của số 850 đại biểu tham dự Đại hội lần đầu tiên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, là đề ra chiến lược mới, chuẩn bị cho khả năng đảng của họ chiến thắng trong kỳ bầu Quốc hội năm 2015 và lên nắm quyền.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được AFP trích dẫn, đảng đối lập này chưa đủ khả năng đảm trách công việc lãnh đạo đất nước vì hai lý do. Trước hết, do đã phải hoạt động trong vòng bí mật trong suốt 20 năm, họ chưa thể một sớm một chiều đứng ra điều hành đất nước. Lý do thứ hai là hiện nay, những thành viên kỳ cựu đồng hành với bà Aung San Suu Kyi, nhưng hiện đã ngoài 80 tuổi, lại không muốn nhường chỗ lại cho thế hệ trẻ, sâu sát với thực tế đất nước hơn.

Xin nhắc lại là, Đại Hội của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ - kéo dài trong 3 ngày – sẽ bầu ra 120 Ủy viên ban chấp hành trung ương, trong đó 15 thành viên ban thường trực.

Theo giới phân tích ngoài việc củng cố đảng, bầu ban lãnh đạo, Liên Đoàn còn phải tập trung, suy nghĩ trên những vấn đề của đất nước như y tế, giáo dục, tình trạng kém phát triển, tệ nạn tham nhũng…

Một nhà phân tích Miến Điện xin giấu tên trả lời AFP, cho đây là bài trắc nghiệm mang tính chất quyết định đối với Liên Đoàn, để xem họ có thể hoạt động công khai và chứng tỏ năng lực lãnh đạo đất nước. Trước mắt, nhân vật này nhận thấy vẫn có tình trạng mập mờ, lộn xộn trong việc tổ chức Đại hội, và các nhà báo không được đến dự vào ngày đầu tiên.

Một nhà ngoại giao nước ngoài đánh giá là đảng của bà Aung San Suu Kyi chưa thể lên nắm quyền, và họ đã hiểu là còn phải nghiên cứu, học tập để không bị tụt hậu và phải tận dụng hai năm tới đây để làm việc này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.