Vào nội dung chính
CHÂU Á

Nhật Bản : Cú sốc hạt nhân vẫn chưa dứt

Kể từ khi xảy ra tai nạn hạt nhân ngày 11/03/2011, làn sóng phản đối hạt nhân tại Nhật Bản bắt đầu dâng cao. Thời gian trôi qua, làn sóng này không có dấu hiệu dịu đi chút nào khi mà hôm qua, trước ngưỡng kỷ niệm 2 năm sự cố Fukushima, hơn chục ngàn người đã xuống đường phản đối hạt nhân tại thủ đô Tokyo.

Ám ảnh vì Fukushima
Ám ảnh vì Fukushima Reuters
Quảng cáo

Trong bối cảnh đó, tuần san L’Express số ra tuần này đăng bài thông tin về một chi tiết nhạy cảm nhưng ít được nhiều người biết đến, đó là đời sống của các nhân viên đã làm việc tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Tờ báo cho biết, trong giai đoạn từ tháng 3/2011 đến tháng 12/2012, tức sau khi xảy ra tai nạn sóng thần 11/03/2011, có đến 25 398 người làm việc tại nhà máy hạt nhân Fukushima trong công tác khắc phục hậu quả và hạn chế phóng xạ. Trong đó, 3616 người thuộc công ty khai thác nhà máy này là Tepco, còn lại là thuộc về các đơn vị khác như Hitachi hay Toshiba.

Theo số liệu có Tepco, đã có 167 người bị nhiễm phóng xạ trên mức cho phép là 100 mSv. Người đạt mức này phải dừng làm việc ngay tại nhà máy. Đa số trong số những người này đều giữ im lặng về vụ việc vì sợ bị phân biệt đối xử, trong khi đó cũng có một số người chấp nhận lên tiếng. Theo họ, công tác tẩy nhiễm tại nhà máy Fukushima đang rất tốn kém và không hiệu quả.

Nhìn về tương lai, một người trong số đó bi quan nói : «Trong 100 hay 200 năm nữa họa may người ta mới dám trở về vùng này ». Người này từng tham gia công tác tẩy nhiễm và đã rời khỏi nhà máy cách đây một năm.
Tờ báo không nêu rõ tên của nhân chứng nói trên, nhưng theo những gì anh ta kể về cuộc sống và công việc của những người làm công tác tẩy nhiễm và khắc phục hậu họa khi tai nạn hạt nhân xảy ra, thì tờ báo cho là : « một bằng chứng lạnh người ».

Nhân vật được tờ báo trích dẫn là nhân viên được Tepco đào tạo, từng làm việc nhiều năm tại nhà máy Fukushima. Đây là một công việc mà anh ta cho biết là có lương cao. Anh chấp nhận làm vì anh cũng như những người khác đều không tưởng tượng được có thể xay ra một thảm họa như thế. Nói cách khác là anh đã « quá tin vào công nghệ hiện đại ».

Chưa hết, liên quan đến công tác quản lý điều hành khắc phục khủng hoảng, người này cho rằng, những người quyết định đã không quyết định gì cả, hoặc nếu có thì cũng không quyết định được gì trọng đại hoặc có khi là quá trễ.

Còn bàn về việc các nhân viên tại hiện trường bị nhiễm phóng xạ, người nói trên cho biết, công ty Tepco mỗi lần cho kiểm tra độ nhiễm phóng xạ của nhân viên đều cố ý giữ ở mức thấp nhất trong ý định là kéo dài thời gian làm việc của nhân viên.

Về vấn đề đó, L’Express cho biết, mức qui định tối đa 100 mSv đối với nhân viên làm việc tại nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản là quá cao. Chẳng hạn như ở Pháp, quy định độ phóng xạ tối đa đối với các nhân viên làm việc trên thực địa cũng chỉ có 20 mSv.

Trung Quốc : Lan tràn thực phẩm độc hại

Nhìn sang Trung Quốc, các tạp chí Pháp dành nhiều chú ý đến hồ sơ an toàn thực phẩm của nước này. Le Nouvel Observateur đăng bài báo động : «Thực phẩm độc hại Made in China ».

Danh sách các xì căng đan thực phẩm tại Trung Quốc ngày càng dài và phức tạp. Le Nouvel Observateur điểm lại một loạt tai tiếng này : nào là nước tương độc hại, nào là thức ăn có chứa phẩm màu độc hại, nào là dưa hấu chứa nhiều chất kích thích tăng trưởng, nào là gạo giả, rượu giả, mật ong giả, trứng giả…. Tờ báo nhắc lại, trước năm 2007, tức trước khi bắt hầu hé lộ các xì căn đan thực phẩm, Ngân hàng Phát triển Á Châu đã ước lượng rằng mỗi năm có khoảng 300 triệu người Trung Quốc bị nhiễm những căn bệnh có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tình hình căng thẳng đến mức mà người Trung Quốc cũng cảm thấy kinh sợ. Một người bức xúc : «Không khí của chúng tôi đã ô nhiễm nặng, và giờ đây đến lược nhà bếp của chúng tôi ». Một người khác còn tỏ ra cay đắng khi so sánh xì căng đan thực phẩm tại Trung Quốc với vụ tai tiếng thịt ngựa giả thịt bò tại Châu Âu vừa qua : « Ở xứ các bạn, người ta lấy thịt này thế thịt kia. Còn ở Trung Quốc thì người ta làm giả ra chúng, thậm chí còn không ngại tẩm chất độc hại vào đó ».

Và thế là, người Trung Quốc lọt vô cái vòng lẩn quẩn « đầu độc lẫn nhau ». Bởi mạnh ai nấy lo chạy theo lợi nhuận mà không ngại cung cấp những thực phẩm độc hại. Và như vậy thì vô tình người này cung cấp thực phẩm xấu cho người khác để đến lượt mình cũng sẽ ăn thực phẩm xấu do người khác cung cấp.

Vạ lây từ thực phẩm độc hại Trung Quốc

Cũng về chủ đề này, phụ trang cuối tuần báo Le Monde đăng bái báo động về việc buôn lậu sữa dành cho trẻ em từ Hồng Kông đến Trung Quốc đại lục.

Theo Le Monde, từ khi xảy ra xì căng đan sữa nhiễm mélamine hồi năm 2008 tại Trung Quốc, người Trung Quốc đại lục không còn tin vào sản phẩm sữa trẻ em của Trung Quốc nữa. Họ bắt đầu nhắm đến những nhãn hiệu sữa khác trên thị trường Hồng Kông. Nạn buôn lậu sữa từ Hồng Kông đi Trung Quốc cũng gia tăng đến mức báo động.

Hậu quả là, các phương tiện truyền thông tại Hồng Kông cảnh báo nguy cơ thiếu sữa dành cho cho trẻ em tại Hồng Kông, vì sữa bột dành cho trẻ sơ sinh đã bị « người Trung Quốc cướp bóc ».

Về vấn đề này, Le Nouvel Observateur cho biết thêm, không chỉ có Hồng Kông bị ảnh hưởng, mà nhiều nước cũng đã bị vạ lây từ Trung Quốc. Tại Úc, do khan hiếm sữa trẻ em, nên chính quyền đã quy định mỗi khách đến mua hàng chỉ được mua tối đa là 4 hộp sữa. Còn ở New Zealand, mức cầu tăng lên đến mức mà ngành công nghiệp nước này đã dự tính tăng thêm 1/3 năng suất. Theo kiến giải của tờ báo, từ vụ sữa nhiễm mélamine năm 2008, người Trung Quốc bắt đầu nhắm đến các loại sữa ngoại nhập, dẫn đến sức mua dành cho những nhãn hiệu sữa nổi tiếng của nước ngoài tăng cao tại Trung Quốc.

Pháp tại Mali : Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu
Tiếp tục thông tin về tình hình chiến sự ở Mali, Courrier International dẫn lại bài của nhật báo Oran tại Algeri với dòng tựa nhận định : « Cuộc chiến chưa kết thúc ».

Theo tờ báo, quân Hồi Giáo cực đoan đang bị truy kích ở khu vực rừng núi miền cực bắc Mali. Tờ báo ghi nhận một sự kết hợp hiệu quả trong tác chiến : máy bay không người láy của Mỹ được triển khai để tiếp cận thu thập thông tin và xác định mục tiêu trên thực địa, sau đó không quân Pháp sẽ tấn công những mục tiêu định sẵn cùng với sự hỗ trợ của bộ binh của Cộng hòa Tchad.

Tuy vậy, theo tờ báo cuộc chiến chỉ ở giai đoạn đầu mà thôi. Trước tiên là bởi vì thắng lợi hiện tại là nhờ vào một sự huy động hùng hậu các phương tiện và một sức ép tác chiến lớn đối với quân đội, thế nhưng vấn đề là không biết sự phối hợp hiệu quả đó sẽ duy trì được bao lâu ?

Chưa hết, sau khi đánh bật được « kẻ thù » ra khỏi một địa điểm, trên nguyên tắc thì phải cử quân tiếp quản địa điểm đó và ngăn chặn việc kẻ thù tái lập lực lượng. Về mặt này cũng đang còn nhiều điều để nói. Còn việc khi nào Pháp có thể chuyển giao nhiệm vụ cho các lực lượng Châu Phi, thì đến hiện tại vẫn chưa biết được.

Nhận định về hồ sơ Mali, Le Nouvel Observateur có cùng quan điểm với Oran với bài phân tích : «Chiến đấu chống rắn bảy đầu Hồi Giáo cực đoan ». Tờ báo dùng từ « Rắn bảy đầu » để chỉ lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại Bắc Phi mà Pháp đang chiến đấu. « Rắn bảy đầu », bởi vì lực lượng này rất nguy hiểm và rất khó tiêu diệt. Tờ báo nêu ra những minh chứng cho lập luận này.

Trước tiên, theo tờ báo, vùng Sahara hiện được chia thành bốn khu vực, trong đó mỗi khu vực có mặt của 4 đơn vị quân đội của chi nhánh Al Qaida tại Bắc Phi-AQMI. Tổng cộng quân số AQMI ở đây khoảng trên dưới 2000 người. Con số đã được tăng lên nhiều với sự tham gia của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan đến từ Libya sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ. Chưa hết, khu vực này đang tở thành nơi thu hút các lực lượng Thánh Chiến trên thế giới tìm đến tham gia.

Còn nữa, nhân vật được cho là đã bị hạ sát là Abou Zeid chỉ là nhân vật số hai của AQMI, trong khi mà nhân vật số một thì vẫn bình an vô sự. Thêm vào đó là một thực tế đáng quan ngại : « con rắn bảy đầu » AQMI chỉ là một tổ chức trong nhiều tổ chức Hồi Giáo cực đoan hoạt động tại khu vực.

Một mối đe dọa khác của quân Hồi Giáo cực đoan, đó là trong khi quân Pháp đang tác chiến ở miền cực bắc Mali, thì có những thành phần Hồi Giáo cực đoan đã lẫn xuống miền Nam, sống lẫn trong dân Mali để thực hiện các đợt tấn công khủng bố.

Trong bối cảnh đó, số phận các con tin người Pháp vẫn nằm trong tay quân Hồi Giáo cực đoan. Le Nouvel Observateur chua chát : Quân Pháp giành được thắng lợi bao nhiêu, thì tính mệnh các con tin này càng trở nên mỏng manh bấy nhiêu.

Libya : Cát cứ và bất ổn

Liên quan đến tình hình tại Libya 2 năm sau khi lật đổ chế độ Kadhafi, tuần san Le Nouvel Observateur có bài : « Luật của các đơn vị tự vệ địa phương ». Tờ báo dành tựa cho các đơn vị vũ trang tự vệ ở các địa phương bởi vì hiện tại đất nước Libya thời hậu Kadhafi đang lâm vào cảnh các lực lượng này thi nhau làm mưa làm gió. Trên nguyên tắc, tất cả các lượng lượng võ trang tự vệ ở các địa phương đã chấp nhận sáp nhập vào chịu sự quản lý của bộ nội vụ của chính phủ Tripoli, nhưng trong thực tế, thì tờ báo cho hay, mạnh đơn vị nào nấy hành động theo cách riêng của mình.

Libya đã trở thành « một đất nước của các thành phố », trong đó các thành phố như Misrata, Zinten hay Benghazi đều là « những nhà nước trong nhà nước », bởi không hề chịu nghe theo lệnh của chính quyền trung ương. Nguyên nhân tam phân ngũ lập này là do địa phương nào cũng tự đắc về thành tích mà mình đã đạt được khi tham gia lật đổ Kadhafi. Thêm vào đó, là chính quyền trung ương Libya tại Tripoli hiện quá yếu, nên các địa phương mới mạnh ai nấy hoành hành.

Le Nouvel Oberbvateur còn thông tin về một vấn đề đáng báo động, đó là Libya đã trở thành « một siêu thị vũ khí khổng lồ », nơi mà các nhóm vũ trang trong khu vực dễ dàng tìm đến tậu vũ khí. Người dân cũng vậy, ai có tiền thì cứ mua vũ khí, và thế là tình trạng sở hữu vũ khí tại Libya đã trở nên phức tạp. Tờ báo còn đăng hình một thanh niên được cho là dân thường những trên người có mang đầy đủ vũ khí chiến đấu. Và thế là, Libya đã rơi vào cảnh như lời mà tờ báo dẫn sau đây : «Mọi người ai cũng có vũ khí, bởi vậy mà chúng tôi đang sống trong hòa bình nhưng với tâm trạng kinh hãi ».

Liên quan đến Pháp và Mỹ, các nước có nhiều công trạng trong việc lật đổ Kadhafi, tờ báo dẫn lại lời của một lãnh đạo dân quân tự vệ địa phương tại Benghazi cho biết, việc tấn công tòa lãnh sự Mỹ năm rồi là biểu hiện cho thấy người Libya không muốn sự có mặt của Mỹ, còn đối với Pháp cũng vậy, sau người Mỹ thì « đến lượt người Pháp sẽ bị tấn công tại Libya ».

Thế giới trong là sóng « phẫn nộ »

Stéphane Hessel đã qua đời, nhưng tinh thần của quyển sách « Indignez-vous » (Hãy phẫn nộ) của ông đã, đang và sẽ mãi còn đó. Tuần san Courrier International số ra tuần này dành hồ sơ lượt qua sự phẫn nộ của người dân trên thế giới vừa qua.

Trên trang nhất, tờ báo đăng lớn dòng tựa : « Ca ngợi sự phẫn nộ » với một đoạn trích cổ võ tinh thần phẫn nộ của tờ Guardian-Vương Quốc Anh. Còn trong bài xã luận của mình, Courrier International nhắc lại, hồi năm 1946, nhà văn Albert Camus đã nhận định : «Sự phẫn nộ sẽ tồn tại ở mọi thời đại ». Và đúng như vậy, nó không chỉ ở mọi thời đại mà còn ở mọi châu lục. Tờ báo lược lại : nào là ở Bồ Đào Nha người dân phẫn nộ chống khắc khổ, hay như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Cam Bốt, Tunisia… mọi người phẫn nộ đòi quyền tự do.

Đi vào cụ thể các trường hợp phẫn nộ, tờ báo dẫn lại nhiều tờ báo thông tin về thực trạng phẫn nộ ở nhiều nước từ Á sang Âu, trong đó có ba nước Châu Á đáng chú ý là Miến Điện, Thái Lan và Cam Bốt.

Đến với Miến Điện, tờ báo chú ý đến danh hài Zargana, người từng trải qua 7 năm tù dưới thời chế độ quân phiệt tại Miến Điện. Sau khi đất nước có chính phủ dân sự từ đấu năm 2011, người này lao vào một cuộc đấu tranh mới đòi quyền bình đẳng cho tộc người Rohingya, tộc người thiểu số theo Hồi Giáo tại Miến Điện.

Đối với Thái Lan, Courrier International chú ý đến hồ sơ tội khi quân ở nước này. Theo tờ Bangkok Post, việc nhà cầm quyền lạm dụng luật xử tội khi quân đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh không nhỏ, và vừa rồi một bản kiến nghị sữa đổi điều luật có liên quan đã thu hút được 30 000 chữ ký. Thế nhưng, quốc hội nước này hiện vẫn chưa để mắt đến bảng kiến nghị này. Theo thống kê, từ năm 1990 đến 2005, tại Thái Lan chỉ có khoảng bốn năm trường hợp bị mang ra xét xử về tội khi quân, nhưng chỉ trong giai đoạn 2006-2011 con số này đã lên đến 400 trường hợp.

Liên quan đến Cam Bốt, Courrier International quan tâm đến làn sóng người dân phẩn nộ xuống đường chống lại việc giải tỏa đền bù nhà đất không thỏa đáng.

Le Nouvel Observateur thì quan tâm đến làn sóng phẫn nộ tại các nước Châu Âu với bài viết : «Người dân các nước phản đối Châu Âu ». Tờ báo điểm lại làn sóng phẫn nộ phản đối biện pháp khắc khổ của chính phủ ở một số nước Châu Âu như Hy Lạp, Ý hay Tây Ban Nha. Chính sách khắc khổ không chỉ ảnh hướng trực tiếp đến cuộc sống người dân mà còn làm dâng cao làn sống dân túy trên trường chính trị ở các nước Châu Âu với việc các nhà chính trị thi nhau hứa hẹn nhiều điều bất chấp thực tế để kiếm phiếu ủng hộ. Le Nouvel Obervateur cảnh báo : «Chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức hô hào tại Châu Âu đang làm gia tăng chủ nghĩa dân túy, từ đó có thể đưa đến thảm họa ».

Phong trào phụ nữ thế giới : Quí bà tung vũ khí « tự có »

Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, tuần san L’Express có dành trang nhất chạy tựa : « Phụ nữ, vũ khí sex », cùng với bức ảnh nhiều phụ nữ của phong trào Femen tại Urkraina xuống đường với quần lót, ngực trần và đầu đội vòng hoa.

Tờ báo nhận định, điểm chung của chị em chịu ảnh hưởng của phong trào Femen trên khắp hành tinh là họ đấu tranh bằng cách thoát y. Tờ báo tóm lược một số trường hợp đấu tranh tiêu biểu của làn sóng này. Như hồi năm 2011, tại Ai Cập, một phụ nữ 21 tuổi đã thách thức chính quyền Hồi Giáo khi đăng tải trên trang blog cá nhân bức ảnh trần truồng của mình.

Sau đó, nhiều phụ nữ Israel cũng làm tương tự để bày tỏ ủng hộ. Người phụ nữ 21 tuổi này sau đó phải rời Ai Cập đến Thụy Điển. Nhưng ở Thụy Điển, cô ta cũng tiếp tục thoát y để đấu tranh trước đại sứ quán Ai Cập với yêu cầu không Hồi Giáo hóa đời sống chính trị tại Ai Cập. Tờ báo cũng nêu một số trường hợp tương tự ở Pháp, Bỉ và Châu Phi.

Đi sâu vào ảnh hưởng của làn sóng Femen tại Pháp, phụ trang cuối tuần báo Le Monde đăng bài : « Phong trào phụ nữ trước thử thách của chủ nghĩa cực đoan ».

Tờ báo dùng chữ « cực đoan » vì cho rằng việc đấu tranh theo kiểu Femen, tức theo kiểu bất ngờ và để ngực trần, là « hiếu chiến », và không phù hợp với phong trào phụ nữ của Pháp, bởi vậy mà ít có nhà đấu tranh phụ nữ nào của Pháp tham gia vào Femen. Một điểm đáng chú ý, đó là Le Monde và L’Express đều đăng bức ảnh các phụ nữ Femen xuống đường tại Paris vào cuối năm 2012 để đấu tranh cho hôn nhân đồng tính, và đương nhiên cũng với bộ ngực trần.

Trung Quốc : Chính quyền che giấu ô nhiễm môi trường

Trong lĩnh vực môi trường, Courrier International trích dẫn tờ Nam Phương Chu Mạc tại Quảng Đông với dòng tựa: “Trung Quốc: Nghiên cứu gây xấu hổ”. Tờ báo đề cập đến một nghiên cứu về mức độ ô nhiễm lòng đất ở các địa phương, được chính phủ Trung Quốc cho tiến hành với sự huy động hùng hậu nhân tài vật lực. Đến cuối năm 2010, kết quả đã có, nhưng đến nay chưa hề có công bố chính thức nào về kết quả này.

Nguyên nhân ? Tờ báo dẫn lời một quan chức môi trường tại Trung Quốc giúp cho chúng ta hiểu được tình hình : «Vấn đề không chỉ liên quan đến đất đai, mà còn liên quan đến hồ sơ về mức độ an toàn của các nông sản xuất khẩu của Trung Quốc. Làm sao người ta có thể công bố kết quả của một nghiên cứu như vậy mà không phải suy nghĩ đắng đo về hồ sơ này ».

Theo một số chuyên gia môi trường mà tờ báo dẫn ra, mức độ ô nhiễm lòng đất tại Trung Quốc là rất cao : Ở các thành phố và các vùng ngoại ô, người ta đã thống kê được từ 10 000 đến 20 000 khu có mức độ ô nhiêm lòng đất nghiêm trọng.

Điện ảnh Châu Á đang ăn nên làm ra

Cuối cùng đến về lĩnh vực điện ảnh, L’Express đăng bài « Châu Á phá vỡ mọi định kiến », bàn về Liên hoan phim Châu Á lần thứ 15 tại Deauville nước Pháp từ ngày 6/3 đến ngày 10/3/2013.

Tờ báo cho biết, lĩnh vực điện ảnh tại Châu Á hiện đang phát triển mạnh với 2 500 phim mỗi năm. Tờ báo đi vào phân tích những ưu điểm của phim Châu Á, trong đó nhấn mạnh, phim Châu Á đã không còn xa lạ với người Châu Âu bởi trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, thế giới có nhiều vấn đề chung để chia sẻ như vấn đề tình yêu qua mạng, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ…

Bàn về các nước Châu Á phát triển điện ảnh mạnh nhất, L’Express nêu ra ba nước, đó là : Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, tờ báo nhấn mạnh, những nước Châu Á khác cũng đang phát triển điện ảnh rất mạnh như Ấn Độ chẳng hạn. Còn ở vùng Đông Nam Á, tờ báo đánh giá cao điện ảnh của hai nước Philippines và Thái Lan.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.