Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Lãnh đạo BTT nêu đích danh một hòn đảo của Hàn Quốc để tấn công

Ngày hôm nay, 12/03/2013, thông tấn xã KCNA của Bắc Triều Tiên đưa tin là lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un đã nêu đích danh một hòn đảo của Hàn Quốc, nằm trong gần đường biên giới chung giữa hai nước, như là mục tiêu tấn công đầu tiên, trong trường hợp xẩy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiền Kim Jong-un thăm một đơn vị pháo, được giao nhiệm sẵn sàng tấn công đảo Baengnyeong, 11/03/2013.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiền Kim Jong-un thăm một đơn vị pháo, được giao nhiệm sẵn sàng tấn công đảo Baengnyeong, 11/03/2013. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh ngày hôm qua, khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận, chính quyền Bình Nhưỡng thông báo đơn phương bãi bỏ toàn bộ hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953, cho phép chấm dứt xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày hôm qua, khi đi thăm các doanh trại quân đội Bắc Triều Tiên ở gần biên giới chung với Hàn Quốc, lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, đã chỉ đích danh đảo Baengnyeong là mục tiêu tấn công đầu tiên của quân đội Bắc Triều Tiên.

KCNA đăng lại huấn thị của Kim Jong Un đối với binh sĩ Bắc Triều Tiên là phải « đánh dập sống lưng », « cắt cổ kẻ thù » và chứng minh cho chúng thấy thế nào là một cuộc chiến tranh thực sự.

Đảo Baengnyeong hiện có khoảng 5.000 dân và nhiều đơn vị quân đội Hàn Quốc. Một quan chức Hàn Quốc trên đảo cho biết là hệ thống hầm trú ẩn cho người dân đã sẵn sàng và tất cả các khu làng được đặt trong tình trạng báo động. Vẫn theo quan chức này, thì người dân cũng tỏ ra hơi lo sợ, nhưng không có nhiều người rời đảo chạy vào đất liền.

Tháng 11 năm 2010, quân đội Bắc Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc, cũng nằm gần đường biên giới trên biển phân chia hai nước, làm 4 người thiệt mạng.

Sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên tiến hành vụ bắn thử tên lửa tầm xa và vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, chính quyền Bình Nhưỡng đã đe dọa bãi bỏ tất cả các hiệp định bất tương xâm được ký kết giữa hai miền Nam – Bắc và ngày hôm qua, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Bắc Triều Tiên thông báo chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận đình chiến 1953.

Thế nhưng, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, từ New York, lại khẳng định rằng hiệp định đình chiến « vẫn luôn luôn có giá trị và có hiệu lực » và các điều khoản trong hiệp định đình chiến không cho phép một bên đơn phương hủy bỏ văn bản này.

Giới quan sát nhắc lại rằng trong 20 năm qua, đã có khoảng 10 lần, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố bác bỏ hiệp định đình chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.