Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ủy ban điều tra Miến Điện lên án việc dùng phốt pho chống biểu tình

Trong bản báo cáo công bố vào hôm nay, Ủy ban điều tra - được Nghị viện Miến Điện thành lập - đã xác nhận rằng, quả thực lực lượng an ninh đã dùng đến bom đạn lân tinh hồi tháng 11 năm ngoái, để đàn áp người biểu tình chống lại một mỏ đồng do Trung Quốc khai thác. Tuy nhiên, bản phúc trình này đã bác bỏ đòi hỏi của những người muốn chính quyền đóng cửa hẳn mỏ đồng này.

Các nhà sư Miến Điện, nạn nhân của đàn áp chống lại biểu tình phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng Monywa (miền Bắc Miến Điện).
Các nhà sư Miến Điện, nạn nhân của đàn áp chống lại biểu tình phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng Monywa (miền Bắc Miến Điện). DR
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, bản báo cáo của Ủy ban do chính lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đứng đầu gởi lên Tổng thống Thein Sein vào hôm qua, đã phê phán nặng nề việc lực lượng an ninh đã dùng vũ khí độc hại này để giải tán đám đông biểu tình chống mỏ đồng Leptadaung, liên doanh với Trung Quốc tại Monywa (miền Bắc Miến Điện). Vụ đàn áp đã khiến khoảng một trăm người bị thương, trong đó đa phần là các nhà sư Phật giáo.

Theo kết quả điều tra, « cảnh sát - khi sử dụng lựu đạn khói mà không biết tác động ra sao - đã tạo ra nhiều vết bỏng không cần thiết và bất ngờ nơi các nhà sư và thường dân ». Đối với các nghị sĩ, các loại bom phốt pho « có thể bốc cháy khi phát nổ », khẳng định những phát hiện gần đây trong một cuộc điều tra độc lập mà kết luận đã bị chính quyền bác bỏ.

Xin nhắc lại là, mỏ đồng Monywa tượng trưng cho sự tức giận ngày càng tăng của người Miến Điện đối với các dự án ở Trung Quốc, bị cáo buộc không mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Mỏ này được một liên doanh giữa tập đoàn Trung Quốc Vạn Bảo và một công ty của quân đội Miến Điện quản lý.

Những người phản đối khu mỏ cho rằng các vụ trưng thu đất đai dùng cho công trình được bồi thường quá ít, và hoạt động của mỏ gây nên nhiều rủi ro cho môi trường, do tính chất ô nhiễm cao.

Lực lượng an ninh đã tấn công người biểu tình cắm trại trước khu mỏ. Sự vụ này đã tạo nên phản ứng dữ dội trong dư luận Miến Điện, vốn tưởng rằng những vụ đàn áp dã man như vậy sẽ không còn xẩy ra nữa với việc quân đội lùi bước, nhường chỗ cho chính phủ Thein Sein vào năm 2011.

Báo cáo của Ủy ban Suu Kyi cho rằng phong trào phản đối bắt nguồn từ thái độ « thiếu minh bạch » của chính quyền địa phương, với tiền bồi thường thấp hơn « giá thị trường ». Báo cáo yêu cầu đánh giá lại công trình, nghiên cứu tác động môi trường và xã hội, và các biện pháp tạo việc làm mới, cũng như hoàn trả một số đất đai bị tịch thu không cần thiết.

Tuy nhiên báo cáo đã từ chối yêu cầu của người dân, muốn đóng cửa hẳn mỏ đồng này. Theo các nghị sĩ : « Nếu những điểm yếu kém của mỏ đồng được sửa đổi, công trình này sẽ được tiếp tục hoạt động theo chiều hướng mang lại lợi ích cho quốc gia, cho người dân địa phương và cho các thế hệ tương lai. »

Vào ngày mai, bà Aung San Suu Kyi sẽ đến thăm Monywa, cụ thể là các ngôi làng xung quanh mỏ. Theo giới quan sát, rất có thể là lãnh tụ đối lập Miến Điện sẽ phải chạm trán với những người dân hết sức bất bình vì nguyện vọng chính của họ là đóng cửa nhà máy không được đáp ứng.

Theo phản ứng ban đầu được AFP thu thập, ông Thwe Thwe Win, một người chống mỏ đồng Monywa tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi khu mỏ bị đóng cửa. Chúng tôi sẽ sử dụng các hành động pháp lý hòa bình, cũng như các biện pháp khác nếu cần thiết. »

Theo nhận định của AFP, trong hai năm qua, Tổng thống Thein Sein đã tung ra nhiều cải cách như trả tự do cho tù nhân chính trị, cho phép biểu tình, và cho phép Suu Kyi – trước đây là kẻ thù số một của chế độ - được trở thành dân biểu.

Tuy nhiên, tiến trình mở cửa đã làm nẩy sinh nhiều cuộc đấu tranh xã hội vốn bị chế độ bóp nghẹt trong thời gian trước đây, đặc biệt là những đòi hỏi xung quanh các vụ tịch thu đất đai do chế độ cũ hay các công ty thân cận tiến hành.

Các phong trào xã hội này đặt ra một thách thức thật sự cho chính quyền và, theo các nhà phân tích, có thể đe dọa ổn định xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.