Vào nội dung chính
ASEAN-NHẬT BẢN

Một số nước ASEAN muốn siết chặt quan hệ quốc phòng với Nhật Bản

Hôm nay 14/03/2013, kết thúc hội nghị hai ngày cấp thứ trưởng giữa ASEAN và Nhật Bản tại Tokyo, theo Tokyo, một số quốc gia Đông Nam Á muốn Nhật đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vực.

Quảng cáo

Phát biểu sau hội nghị, thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hironori Kanazawa tuyên bố, « hai bên chia sẻ một nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường các quan hệ đối tác về an ninh và quốc phòng ». Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, một số thành viên khối ASEAN bày tỏ hy vọng « Nhật Bản đóng vai trò tích cực trong sự ổn định môi trường an ninh của khu vực ».

Ông Akinori Eto, một thứ trưởng khác của bộ Quốc phòng Nhật cũng khẳng định, Tokyo có lợi ích trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN, trong bối cảnh « môi trường an ninh khu vực đang biển đổi và các nước ASEAN có vai trò quan trọng hơn » với Nhật Bản. Ông Akinori Eto tuyên bố : « Khu vực phải vượt qua được các thách thức chung như an ninh hàng hải và tranh chấp lãnh thổ. Để giải quyết các vấn đề này, bộ Quốc phòng các nước cần tham gia hợp tác tích cực ».

Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, nước Nhật đế quốc đã từng xâm lược nhiều nước châu Á, để lại một nỗi nghi ngại lâu dài ngay cả sau khi Nhật bại trận hoàn toàn năm 1945. Tuy nhiên, nhiều thập niên phát triển trong hòa bình, với các đầu tư và tài trợ rải khắp trong khu vực, đã làm thay đổi hình ảnh về nước Nhật.

Sự lớn mạnh của Trung Quốc và tham vọng đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt trên Biển Đông, khiến nhiều nước láng giếng Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines lo ngại. Do đó, nhiều nước Đông Nam Á muốn Tokyo giữ một vai trò mạnh mẽ hơn để đối trọng với Trung Quốc.

Nhật Bản, cũng như một số nước ASEAN, có tranh chấp tại các vùng biển giáp với Trung Quốc : Biển Đông và biển Hoa Đông. Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt với các tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhiều thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có các tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, một trong những tuyến giao thông đường biển quan trọng nhất thế giới và được coi là có nhiều tài nguyên dầu khí.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.