Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Xác heo trôi sông: Minh họa cho tệ nạn thực phẩm bẩn ở Trung Quốc

Hàng ngàn xác heo chết trôi trên sông ở Thượng Hải tuần này đã minh họa cho mặt trái của ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc, chỉ chú trọng năng suất để nuôi sống dân số khổng lồ.

Nhân viên vệ sinh vớt xác heo từ sông Hoàng Phố, 10/03/2013.
Nhân viên vệ sinh vớt xác heo từ sông Hoàng Phố, 10/03/2013. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Hình ảnh xác heo đủ cỡ trôi nổi giữa các loại rác thải trên con sông Hoàng Phố (Huangpu), không chỉ làm cho thủ đô kinh tế bất mãn mà còn gây sốc cho toàn bộ người dân Trung Quốc, vốn ưa chuộng thịt heo.

Trong một đất nước mà người dân ngày càng ăn nhiều thịt, năm ngoái thịt heo chiếm đến 64% tổng sản lượng thịt. Các loại thực phẩm làm từ thịt heo có giá rẻ hơn nhiều so với thịt bò hay thịt cừu.

Theo con số chính thức hôm nay 15/03/2013, số xác heo chết thu nhặt được từ sông Hoàng Phố là 7.500 con, cả heo con lẫn heo lớn, có con nặng đến 150 kg. Dòng sông này là nguồn nước uống, nấu ăn và tắm giặt cho một phần tư trên tổng số 23 triệu dân trong vùng.

Thượng Hải đã điểm mặt chỉ tên thành phố Gia Hưng (Jiaxing) thuộc tỉnh Chiết Giang láng giềng, lên án những người chăn nuôi đã quẳng heo bị dịch bệnh xuống sông. Nhưng các viên chức của Gia Hưng hiện đã dặn dò kỹ những người nuôi heo tại thôn Trúc Lâm (Zhulin) - một trong những trung tâm sản xuất chính - được AFP phỏng vấn, họ một mực kêu là không liên quan gì đến xì-căng-đan này.

Pan Juying, một chủ trại heo 57 tuổi cam đoan: “Chính quyền nghiêm ngặt lắm, và chúng tôi tiêm chủng cho heo đầy đủ. Nếu heo bị bệnh thì không được quyền bán”. Tuy nhiên cách đó không xa là xác một con heo con, da trương phồng lên vì đang bị phân hủy, được liệng bên vệ đường; và con đường này chỉ cách một nguồn nước khoảng một trăm mét.

Ngoài chất lượng nước được chính quyền cho là “bình thường” dù tất cả đều ngờ vực, xì-căng-đan này còn gây nhiều lo ngại về khả năng những con heo chết bệnh được vớt lên từ sông đem đi tiêu thụ.

Trong tuần, chính quyền loan báo các bản án tù dành cho 46 người tại Chiết Giang, trong đó có một số bị hơn sáu năm tù giam, vì đã xẻ thịt bán hơn một ngàn con heo bệnh.

Cũng tại thôn Trúc Lâm, Wang Wei, một bác sĩ thú y của một hãng sản xuất thuốc bán cho các trại chăn nuôi, giải thích rằng một số lượng lớn heo nuôi tại Chiết Giang đã bị chết không rõ nguyên nhân, vào dịp Tết âm lịch năm nay. Theo ông, thì: “Có nhiều khả năng nguyên nhân là từ một trại nuôi heo lớn ở Thượng Hải, không đối phó nổi với một trận dịch truyền nhiễm”.

Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với các xì-căng-đan thực phẩm. Tai tiếng nhất là vụ sữa nhiễm melamine năm 2008, khiến cho sáu em bé chết và 300.000 trẻ em khác bị bệnh. Tháng vừa rồi, tập đoàn thức ăn nhanh Mỹ KFC loan báo loại 1.000 cơ sở chăn nuôi khỏi danh sách các nhà cung cấp tại Trung Quốc, sau xì-căng-đan gà được nuôi bằng kháng sinh đã làm ảnh hưởng đến doanh số bán của tập đoàn này.

Theo bà Zhu Yi, giáo sư trường đại học Nông nghiệp Trung Quốc, vấn đề chủ yếu là do số những người chăn nuôi nhỏ lẻ, “rất khó giám sát”. Thức ăn chất lượng kém, dịch vụ thú y thiếu thốn và việc chú trọng nhân giống đàn gia súc là các tồn tại của các trại nuôi heo nhỏ, còn các trại lớn tương đối tôn trọng các tiêu chuẩn hơn.

Bà Zhu cho biết: “An toàn thực phẩm là một vấn đề cần có những nỗ lực thường xuyên. Mô hình chăn nuôi hiện nay là quá sơ đẳng, và các tiêu chuẩn quá sơ sài”.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.