Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG - PHÁP

Nhật quan ngại vì Pháp bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc

Trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính quyền Tokyo bày tỏ quan ngại trước việc Paris cung cấp cho Bắc Kinh thiết bị cho phép trực thăng đáp xuống các tuần duyên hạm.

(Nguồn DCNS - Pháp)
(Nguồn DCNS - Pháp)
Quảng cáo

Trả lời báo chí vào sáng nay 18/03/2013, chánh văn phòng thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cho biết như trên. Nhật Bản lo ngại Pháp giúp Trung Quốc hiện đại hóa hệ thống đáp trực thăng trên tàu vào lúc Bắc Kinh thường xuyên điều tàu tuần duyên đến vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Còn theo lời một viên chức thuộc bộ Ngoại giao Nhật Bản thì đại sứ Nhật tại Paris đã chuyển công hàm phản đối đến chính quyền Pháp. Theo tiết lộ của nhật báo Pháp Le Marin, tập đoàn đóng tàu DCNS của Pháp đã cung cấp 11 tấm thép có lỗ lớn, giúp trực thăng hạ cánh trên tàu trong trường hợp thời tiết xấu. Hai tuần duyên hạm đời mới của Trung Quốc đã sử dụng các trang thiết bị kể trên.

Thông tín viên Frédéric Charles, từ Tokyo, cho biết thêm chi tiết :

« Nhật Bản vừa được thông báo là Trung Quốc sẽ sử dụng trang thiết bị giúp trực thăng hạ cánh trên tàu tuần duyên trong trường hợp thời tiết xấu. Trong bối cảnh tàu tuần duyên Trung Quốc hiện thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản chung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo quan điểm của Tokyo, Trung Quốc đang hiện đại hóa hệ thống đáp trực thăng trên tàu nhờ trang thiết bị mua được của Pháp và đó sẽ là một mối đe dọa mới đối với lính tuần duyên Nhật Bản. 

Gần đây, tàu chiến Trung Quốc đã chiếu radar dẫn tên lửa vào một chiếc tàu của Nhật Bản tại khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước. Theo nguồn tin được tờ báo Pháp Le Marin trích dẫn, Paris đã cung cấp 11 tấm thép có lỗ, để cho phép trực thăng móc vào dễ dàng, khi hạ cánh xuống sàn tàu.

Trước mắt, Tokyo khẳng định quan hệ với Paris vẫn tốt đẹp và sẽ không bị ảnh hưởng vì hợp đồng bán trang thiết bị quân sự giữa Pháp với Trung Quốc. Loại trang thiết bị nói trên không nằm trong danh sách các loại vũ khí mà Liên Hiệp Châu Âu cấm cung cấp cho Trung Quốc. Danh sách cấm vận đó có hiệu lực từ năm 1989 sau biến cố Thiên An Môn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.