Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á - PHỎNG VẤN

Miến Điện : Thách thức to lớn trong việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Vào năm 2015, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN sẽ hình thành ra một Cộng đồng Kinh tế hội nhập, trong đó con người, hàng hóa và vốn liếng có thể lưu chuyển tự do giữa 10 quốc gia thành viên. Mắt xích yếu nhất của dây chuyền này rõ ràng là Miến Điện, chỉ mới bắt đầu mở cửa kinh tế vào năm 2011. Kinh tế Miến Điện có thể nói là tụt hậu nhất trong vùng.

Các cơ sở hạ tầng của Miến Điện vẫn còn trong tình trạng hoang sơ. Ảnh: Một cầu cảng tạm cho khu công nghiệp Dawei gần biên giới với Thái Lan.
Các cơ sở hạ tầng của Miến Điện vẫn còn trong tình trạng hoang sơ. Ảnh: Một cầu cảng tạm cho khu công nghiệp Dawei gần biên giới với Thái Lan. REUTERS/Khettiya Jittapong
Quảng cáo

Thông tín viên Arnaud Dubus theo dõi sát tình hình Miến Điện, trước hết phân tích thêm về việc Miến Điện chuẩn bị như thế nào cho việc hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN :

05:24

Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok

Mai Vân

Arnaud Dubus : Thật ra lãnh đạo Miến Điện không có một chiến lược nào để chuẩn bị cho thời hạn này. Chinh khách Miến Điện hầu như không nói đến điều này do bị cuốn hút vào các vấn đề chính trị trong việc mở cửa đất nước.

Khi khai mạc Quốc hội năm 2011, Chủ tịch Quốc hội U Shwe Mann đã tuyên bố là phải soạn thêm hay điều chỉnh cả nghìn đạo luật để chuẩn bị cho việc hội nhập của Miến Điện vào Cộng đồng Kinh tế Asean. 18 tháng sau thì chỉ mới có 30 đạo luật được sửa đổi mà thôi.

Giới kinh doanh và phân tích ở Miến Điện rất lo lắng. Các xí nghiệp vừa và nhỏ có thể bị xóa sổ khi công ty các nước khác trong ASEAN bước vào Miến Điện. Các xí nghiệp nói trên của Miến Điện khó mà chống cự lại được và viễn cảnh tốt nhất khi ấy đối với người dân là trở thành nhân công cho các tập đoàn châu Á hay những công ty lớn của doanh nhân Miến Điện có liên hệ mật thiết với chế độ các tướng lãnh trước đây.

Vấn đề còn đặc biệt gay go đối với lãnh vực nông nghiệp, sử dụng 50% nhân lực và chiếm 36% GDP. Một số tập đoàn Thái Lan như Charosen Phokphand chẳng hạn, đã hiện diện ở Miến Điện. Họ sử dụng nhân công tại chỗ dưới dạng hợp đồng, nhưng cản trở việc phát triển một ngành công nghệ chế biến lương thực ngay tại Miến Điện.

Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp lại đi kèm với việc tịch thu đất đai của nông dân và dẫn đến nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng.

RFI : Nhưng mà theo anh, Miến Điện có thể thu được lợi lộc gì hay không trong việc hội nhập kinh tế khu vực ?

Arnaud Dubus : Có chứ. Đối với Miến Điện, hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN có tác dụng như một liều thuốc cực mạnh. Bị cô lập trong suốt 50 năm, bây giờ lại phải đối mặt một cách đột ngột với môi trường kinh tế khu vực và quốc tế, tình hình đó buộc Miến Điện phải thích nghi.

Ngay trên mặt hành chính, một số quy tắc đã thay đổi, ví dụ như trong việc cấp hộ chiếu hay thể thức cấp visa. Hay là việc Miến Điện đã phải thông qua luật mới về đầu tư nước ngoài, bảo vệ công ty tại chỗ, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công ty ngoại quốc.

Các nước ASEAN cũng có thể mang đến kinh nghiệm của họ để cải thiện hai lãnh vực đang bị khủng hoảng ở Miến Điện : y tế và giáo dục. Chính quyền Miến Điện rất muốn được hỗ trợ trên phương diện đào tạo, nhờ đến kinh nghiệm giới Đại học và bác sĩ Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia.

Một khiá cạnh tích cực khác đối với Miến Điện, là Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ giúp nước này giảm bớt ách thống trị kinh tế của Trung Quốc, mà người dân ngày càng bất bình, nhất là ở khu vực phía Bắc.

RFI : Theo anh thì tiến trình hội nhập kinh tế khu vực có thể có ảnh hưởng đến chuyển biến chính trị tại Miến Điện như thế nào ?

Arnaud Dubus : Việc Miến Điện hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ giúp các lãnh đạo mông muốn cải tổ củng cố thế đứng, nhất là đối với tổng thống Thein Sein, Bộ trưởng Aung Min đặc trách đàm phán với các cộng đồng thiểu số, và Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Soe Thein.

Mặc dù thách thức của tiến trình hội nhập khá lớn, nhưng việc hội nhập sẽ ngăn chặn các bước lùi về tình trạng Miến Điện thời trước đây. Phe cải tổ cũng không muốn gạt bỏ các thành phần bảo thủ, nhất là những lãnh đão cũ trong tập đoàn quân phiệt, và cố giải thích với giới này là họ cũng có thể có lợi trong việc Miến Điện hội nhập vào khu vực.

Tiến trình cải tổ ở Miến Điện vẫn còn mong manh và quyền lực thật sự không phải nằm trong tay chính quyền dân sự mà là trong tay Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, một cơ chế bao gồm thành viên chính phủ và quân đội.

Chính cơ chế này, mà các cuộc thảo luận và quyết định không hề được thông báo ra bên ngoài, có quyết định tối hậu trên những vấn đề quan trọng cho tiến trình cải tổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.