Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬT BẢN

Châu Âu và Nhật Bản bắt đầu đàm phán về trao đổi mậu dịch tự do

Hôm nay 25/03/2013, theo AFP, Liên hiệp Châu Âu và Nhật Bản khởi động các đàm phán, qua điện thoại viễn liên, về các trao đổi thương mại tự do nhằm vực dậy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng tăng trưởng đang bị chững lại.

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel De Guch.
Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel De Guch. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Ủy viên Châu Âu phụ trách thương mại Karel De Gucht tuyên bố : « Hôm nay là một ngày lịch sử trong quan hệ Nhật Bản và Châu Âu ». Về phần mình, Bộ trưởng kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo : Quyết định chính thức khởi động các đàm phán được đưa ra trong một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai bên.

Việc khởi động các đàm phán lẽ ra phải diễn ra tại Tokyo một cách trọng thể, nhưng do khủng hoảng Chypre, mà Bruxelles đã phải hủy bỏ vào phút cuối chuyến công du của hai chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu, Herman Van Rompuy và José Manuel Barroso, dự kiến chủ trì thượng đỉnh Liên hiệp Châu Âu – Nhật Bản lần thứ 21 cùng với thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Như vậy, một cuộc điện đàm đã được tổ chức một cách khẩn trương giữa ba lãnh đạo, để chính thức khởi động đàm phán.

Đàm phán Châu Âu – Nhật Bản liên quan đến một loạt lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đơn đặt hàng công…, các thương thuyết hứa hẹn sẽ cam go và lâu dài, nhưng hai bên đều cho rằng điều này là cần thiết, để có thể san lấp khoảng cách so với nhiều nền kinh tế khác, đang vươn lên mạnh mẽ.

Nếu như cả hai nền kinh tế Nhật Bản và Châu Âu gộp lại chiếm khoảng 30% kinh tế toàn cầu và 40% thương mại thế giới, thì Nhật Bản và Châu Âu rất cần đến một lực đẩy quan trọng. Trong những năm gần đây, xuất khẩu sang Nhật của Châu Âu tụt xuống vị trí thứ bảy, so với vị trí thứ ba, cách đây 10 năm. Với một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Châu Âu dự kiến sẽ tăng được 0,8% GDP.

Theo ủy viên Châu Âu về thương mại, thì việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan là « chìa khóa của các thương lượng ». Còn đối với Nhật Bản, một trong các ưu tiên là hàng hóa Nhật được vào thị trường Châu Âu dễ dàng hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như xe hơi và đồ điện tử. Nhật cũng muốn thu hẹp khoảng cách với Hàn Quốc, đã đạt được một thỏa thuận trao đổi mậu dịch tự do với Châu Âu, có hiệu lực từ mùa hè 2011. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Châu Âu có thể không mặn mà với việc Bruxelles thỏa mãn đòi hỏi của Tokyo, vì thỏa thuận với Seoul trước đó đã khiến các doanh nghiệp xe hơi Châu Âu mất thị phần trên chính sân chơi của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.