Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Bạo động có kế hoạch và được tổ chức ?

Nhìn về Châu Á, nhật báo Pháp Le Monde hôm nay, 28/03/2013 đã dành cả một trang trong mục quốc tế cho tình hình Miến Điện. Trở lại các cuộc bạo động giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo đang diễn ra, tờ báo tỏ nỗi lo ngại trong hàng tít : « Thái độ cực đoan tôn giáo phá hỏng tiến trình chuyển tiếp tại Miến Điện ».

Binh lính dọn dẹp đống đổ nát sau bạo động, Meikhtila, 24/03/2013.
Binh lính dọn dẹp đống đổ nát sau bạo động, Meikhtila, 24/03/2013. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Mở đầu bài viết, thông tín viên Le Monde trong khu vực, Bruno Philip, cho là tổng thống Thein Sein lý ra có thể mơ ước điều tốt lành hơn để mừng ngày ông lên nắm quyền, nhưng trước khi ông có thể bình thản tổ chức 2 năm ngày chế độ quân phiệt tự giải tán, 30/03/2011, thì lại nổ ra vụ bạo động kinh khủng ở miền trung đất nước này.

Bài báo mô tả lại vụ bạo động ở Meiktila : Trong 3 ngày trời, cộng đồng Hồi giáo đã bị tấn công dữ dội. Sự vụ xuất phát từ một vụ cãi cọ trước một cửa hiệu kim hoàn, người Hồi giáo sau đó bị người Phật giáo tấn công, có cả sư sãi trang bị dao găm tham gia. Cộng đồng Hồi giáo cũng có trả đũa, nhưng phần lớn nạn nhân vẫn chính là họ.

Đối với Bruno Philip, vụ việc có vẻ như được tổ chức, có kế hoạch. Hậu quả là hơn 30 người chết, 9000 người bị di dời. Cảnh tượng Meiktila rất đáng sợ : Đền thờ, cửa hiệu bị đốt cháy ; xác người chết cháy đen ngoài đường.

Tổng thống Thein Sein theo bài báo có lý do khi tỏ ý lo ngại : Trên một đất nước rất chia rẽ với 150 dân tộc thiểu số được liệt kê và là sân khấu của chiến tranh du kích không ngừng từ khi giành độc lập năm 1948, Miến Điện vẫn là một quốc gia đang trong tiến trình hình thành.

Trong một thông cáo đọc trên đài truyền hình, tổng thống Thein Sein đã cảnh báo về hậu quả các vụ bạo động mang tính chất tôn giáo trên tiến trình mở cửa, cải tổ của Mién Điện. Theo bài báo, nhiều chuyên gia đã ghi nhận là chế độ độc đoán kết thúc, những mối hiềm khích cũ bị đè nén trước đây, giờ lại có nguy cơ bùng lên, dẫn đến tranh chấp, bạo động. Đấy là nghịch lý trong tiến trình chuyển tiếp.

Tác giả bài báo tỏ mối lo ngại trước thái độ ghét bỏ người theo đạo Hồi, phần đông gốc Ấn Độ, nhưng cũng có người Hoa, và chiếm 4% dân số. Những vụ như tại Meiktila nhắm vào những người được cho là đã hội nhập vào xã hội Miến Điện, khác với người hồi giáo Rohyngya, có nguy cơ làm dấy lên căng thẳng ở một tầm vóc khác.

Bài báo nhìn thấy là ngay trong những người đấu tranh cho dân chủ trước đây cũng đã có những lời lẽ mang tích chất kỳ thị.

Trưóc các sự kiện vừa qua, theo Le Monde, nhiều người tự hỏi phải chăng có người giựt dây ở phía sau và ở một vị thế rất cao không sợ bị phiền hà ? Tờ báo trích dẫn chủ bút tờ Irrawaddy - báo đối lập, đấu tranh cho dân chủ - cho là « nhiều người nêu câu hỏi phải chăng những người tổ chức - là những kẻ thù của tổng thống Thein Sein -, muốn phá hoại cải tổ đang được thực hiện ? Một số người khác thì đoán là những người này có thể là thế lực nước ngoài hay giới kinh doanh Miến Điện không được lợi lộc gì trong công cuộc mở cửa kinh tế. »

Tác giả bài báo còn trích dẫn đại diện Liên Hiệp Quốc, Vijay Nambiar đến Meiktila, ngay sau bạo động, đã ghi nhận bạo động được tổ chức một cách ‘hữu hiệu thô bạo’. Phần đông những người ông gặp, đều nói là những người tấn công là những người hoàn toàn lạ, và có thể không phải là người ở Meiktila.

Tóm lại, theo kết luận bài báo những thế lực bí mật đang tiến công ở Miến Điện, đe dọa hoà bình, ổn định xã hội trong thời điểm đất nước này đổi mới.

Heo nổi trên sông Hoàng Phố : Hệ quả tham nhũng hay bất cẩn ?

Báo Le Figaro chú ý đến sự kiện heo chết trên sông ở Thượng Hải, ghi nhận trong hàng tít ‘heo nổi trên sông Hoàng Phố làm cho Trung Quốc buồn nôn’.

Bài báo của Arnaud de La Grange nhắc lại là hơn 16.000 con heo được vớt từ sông Hoàng Phố và những nhánh phụ con sông. Sông này cũng là nguồn cấp nước uống cho 1/5 cư dân thủ phủ kinh tế Trung Quốc.

Đến giờ chưa có một giải thích thật sự nào về sự kiện này, khiến dân chúng rất phẫn nộ : Đối với họ, một sự kiện như thế mà không giải thích được thì rất kỳ quặc. Nhiều người nghi ngờ là chính quyền muốn che giấu điều gì đấy.

Theo Le Figaro, dù không giải thích được rõ ràng nguyên nhân, nhưng chính quyền Thượng Hải đã nêu được thủ phạm : nơi xuất phát vụ ô nhiễm khủng khiếp này là thành phố Gia Hưng, tỉnh Triết Giang bên cạnh, và nằm ở phiá trên Thượng Hải, một thành phố mà 80% người dân sống về nghề chăn nuôi heo.

Người ta nghi ngờ là heo chết trong các trại bị thẩy ra sông. Nhưng một nông dân cho là, khó có thể mà heo chết của ông lại trôi xuống tận Thượng Hải vì trên những dòng nước đều có rào cản, vả lại nông dân ở đây phải xây những bồn to chứa heo chết.

Theo bài báo, việc nông dân quăng heo chết ra sông rất có thể là nguyên nhân, vì thường khi như một người giải thích, họ được chính quyền hỗ trợ tài chính đối với heo chết, nhưng ít khi tiền đến tay họ.

Theo tờ báo, còn một yếu tố khác là năm nay heo bị chết nhiều do thời tiết quá lạnh. Việc kiểm tra xử lý heo bệnh chết lại lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, Le Figaro còn thấy đây là hệ quả chiến dịch nhắm vào thị trường chợ đen, hàng năm vẫn đưa thịt heo bệnh và chết đến các nhà hàng. Việc buôn bán loại heo này mang lại những khoản tiền kếch xù cả triệu euro.

Tuy nhiên, Toà án Gia Hưng cuối năm ngoái đã phạt rất nặng thủ phạm đường dây buôn heo này, 3 người bị tù chung thân, 14 người khác bị từ 8 tháng đến 15 năm tù.

Chính quyền Thượng Hải đang ra sức trấn an là không hề có chuyện thịt những con heo chết nổi trên sông bán ra thị trường, và chất lượng nước (tiêu dùng) cũng không bị ảnh hưởng.

Nhưng sự kiện này một lần nữa, theo Le Figaro, phơi bày mức độ nghiêm trọng thảm họa sinh thái, vệ sinh của Trung Quốc, mặc dù chính quyền có vẻ đề cao quyết tâm chống ô nhiễm và bảo đảm an toàn lương thực cho người dân.

Công Giáo thu hút thanh niên Hàn Quốc

Cũng trên bình diện xã hội, báo Công giáo La Croix, nhân dịp lễ Phục sinh, đã rất quan tâm đến Hàn Quốc, một nước mà đạo Công giáo thu hút mạnh mẽ thanh niên : Trong vòng 10 năm, số người theo đạo trong lứa tuổi 20-30 đã tăng 89%.

Theo bài báo trên La Croix, trong năm 2011 có 102.773 người mới vô đạo, và tổng số người công giáo ở Hàn Quốc là 5,3 triệu, chiếm 10% dân số, tăng 2% mỗi năm, nhưng dĩ nhiên là đứng sau đạo Phật, chiếm 23% và đạo Tin lành chiếm 18% (nhưng trên đà giảm sụt đều đặn).

Theo La Croix, thành công của đạo Công giáo ở Hàn Quốc đến từ hình ảnh tích cực của giáo hội, luôn dấn thân vào các chương trình xã hội : chống nghèo khó, giúp đỡ người già, người bị gạt qua bên lề xã hội, cũng như quan tâm đến vấn đề tự tử. Thái độ can đảm đấu tranh cho dân chủ thời chế độ quân sự Hàn Quốc của cố Hồng y Kim Sou-hwan, đã tạo thêm uy tín cho giáo hội.

Đối với thanh niên sống trong một xã hội mà cơ cấu truyền thống bị đảo lộn do phát triển kinh tế nhanh chóng trong những thập niên qua, vấn đề tìm ý nghiã cuôc sống, xây dựng mối quan hệ xã hội, rất quan trọng.

Như một phụ nữ giải thích : « Hoạt động mà giáo xứ tổ chức, những cuộc gặp gỡ, chia sẻ với người chung quanh rất quan trọng đối thanh niên chúng tôi », trong một xã hội mà thường mỗi cá nhân chỉ biết có mình, đôi khi còn có cảm giác bị hỏng chân, lạc lõng.

Tổng thống Pháp tiếp tục thúc đẩy chính sách kinh tế đã vạch ra

Thời sự nước Pháp theo thông lệ chiếm các tựa lớn trang đầu. Báo chí hôm nay tập trung trên bài diễn văn của Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua, trên đài truyền hình France 2, muốn trấn an người Pháp và giải thích chính sách kinh tế của ông.

Phản ứng chung có vẻ thất vọng : Le Figaro nhìn thấy « ông Hollande vẫn làm theo Hollande », và « trên đài France 2, tổng thống đã cố đi dây... nhưng đã không làm tan cảm giác mơ hồ trong chính sách của ông ».

Tờ báo thiên tả Libération cũng tỏ ra gay gắt, với hàng tựa : « Đến giờ thì tất cả đều không ổn ». Ở trang trong, tờ báo đánh giá là tổng thống đã cố rao bán chính sách của mình cho dù khủng hoảng kéo dài.

Báo L’Humanité nhắc lại những thông báo gây thất vọng như tiết kiệm thêm trên chi tiêu nhà nước, kéo dài đóng góp cho hưu bổng, chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt kéo dài ít nhất 2 năm.

L’ Humanité nhắc lại kết quả thăm dò dư luận ngày 26 và 27/03, theo đó chỉ có 22% người được hỏi đánh giá ông Hollande là một tổng thống tốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.