Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên gia tăng hăm dọa quân sự

Trong dòng thời sự đang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, báo Le Figaro hôm nay chạy tít : « Gia tăng hăm dọa quân sự tại Bắc Triều Tiên ». Bài báo cho biết chủ tịch Kim Jong Un ra lệnh chuẩn bị tấn công Mỹ bằng tên lửa.

Lãnh tụ Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khẩn duyệt qua năng lực chiến đấu của đơn vị hỏa tiễn chiến lược Bắc Triều Tiên ngày 29/03/2013. Ảnh do KCNA phân phát.
Lãnh tụ Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khẩn duyệt qua năng lực chiến đấu của đơn vị hỏa tiễn chiến lược Bắc Triều Tiên ngày 29/03/2013. Ảnh do KCNA phân phát. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Hàng chục nghìn thường dân và binh lính được kêu gọi diễu hành chống « đế quốc Mỹ ». Vô cùng phẫn nộ, chủ tịch Kim Jong Un đã báo động hệ thống tên lửa và đe dọa sẽ « đánh Mỹ không thương tiếc », cũng như tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và Thái Bình Dương, trong đó có cả Hawai và đảo Guam.

Bình Nhưỡng xem việc hai máy bay ném bom của Mỹ bay trên bầu trời Hàn Quốc như là nguy cơ một « cuộc chiến hạt nhân ». Đường dây điện thoại nóng giữa hai miền Nam Bắc đã bị cắt đứt. Đây là mối liên kết cuối cùng của hai miền. Mặc dù khẩu chiến leo thang, nhưng chẳng một chuyên gia nào xem nguy cơ chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên là có khả năng xảy ra. Bình Nhưỡng chưa thành công trong việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cho nên chưa đủ sức để đánh Mỹ.

Bình Nhưỡng hô hào chiến tranh hạt nhân nhằm buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán và gây sức ép để buộc Hàn Quốc nới lỏng chính trị. Bình Nhưỡng luôn muốn nắn gân tân lãnh đạo Hàn Quốc, bà Park Geun Hye bằng cách đe dọa phá vỡ nền hòa bình mong manh giữa hai miền Nam Bắc. Mỗi lần Hoa Kỳ và Hàn Quốc tập trận chung là y như rằng căng thẳng trên bán đảo dâng cao. Nhưng đặc biệt lần này còn căng thẳng hơn nhiều, bởi Mỹ và Hàn Quốc vừa ký một hiệp định quân sự mới. Lợi dụng sự gây hấn của Bắc Triều Tiên, tuy chưa phải là lớn, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã siết chặt liên minh.

Chẳng ai mong muốn một cuộc chiến xảy ra trên bán đảo đặc biệt là Bắc Triều Tiên, bởi họ biết rằng tấn công Hoa Kỳ đồng nghĩa với tự sát.

Các « quốc gia côn đồ » ngăn cản hiệp ước buôn bán vũ khí quy ước

Liên quan đến tình hình thế giớ nói chungi, vấn nạn về buôn bán vũ khí vẫn chưa được giải quyết tại Liên Hiệp Quốc. Báo Le Monde có bài viết về vấn đề này. Bài báo nêu rõ ba quốc gia đó là Syria, Iran và Bắc Triều Tiên đã gây khó khăn cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong việc thông qua hiệp ước quản lý buôn bán vũ khí.

Chín năm suy nghĩ và hàng tuần tranh luận vẫn chưa đủ để đưa ra một Hiệp ước Quốc tế về buôn bán vũ khí quy ước (viết tắt là TCA) vào ngày thứ Năm 28/03 vừa qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Do sự cản trở của ba quốc gia trên mà « sự đồng thuận nhằm thông qua hiệp ước » vẫn chưa có được. Ba quốc gia này đã khẳng định chính thức chống lại Hiệp ước.

Đây không phải là lần đầu tiên 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thất bại trong cuộc thương lượng ma-ra-tông này. Vào tháng 7 năm ngoái, hiệp ước đã bị dời lại do đề nghị của Hoa Kỳ sau nhiều cuộc mặc cả. Quốc gia này nắm 30% số lượng bán vũ khí trên thế giới.

Những người ủng hộ hiệp ước này thở dài ngao ngán trước sự ngoan cố của ba nước trên. Họ đã tranh đấu từ chục năm nay. Theo bà Anna MacDonal, thuộc tổ chức phi chính phủ Oxfam, thì « thế giới đang là con tin trong tay ba quốc gia này ».

Mục tiêu của hiệp ước là nhằm cấm buôn bán vũ khí có chứa « rủi ro cao », như là có thể được sử dụng cho mục đích « vi phạm nghiêm trọng nhân quyền », cho hành động khủng bố hay như là dùng cho băng đảng. Theo thống kê của viện thăm dò ý kiến công luận Pháp (IFOP), có đến 85% người Pháp ủng hộ hiệp ước trên.

Tuy nhiên, hiệp ước vẫn có một số kẽ hở, đó là chỉ áp dụng trên bảy danh mục vũ khí thông thường như xe tăng, máy bay, pháo và một số vũ khí hạng nhẹ, tức là một số lượng rất giới hạn . Do đó, một chuyên gia nhận định « Hiệp ước trên sẽ lỗi thời trong vài năm tới ». Đó là chưa kể dưới sức ép của Mỹ, đạn dược được xử lý riêng, được quản lý ít nghiêm ngặt hơn. Hiệp ước trên sẽ được thi hành nếu được ít nhất 50 quốc gia phê chuẩn.

Chypre bị cám dỗ rút khỏi khu vực euro

Trở lại tình hình tại Chypre, báo Le Figaro trong mục kinh tế có bài viết mang tựa đề : « Chypre bị cám dỗ rút khỏi đồng euro ». Tổng thống Chypre đảm bảo không có chuyện Chypre rút lui khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng giới chính trị thì muốn trở lại dùng đơn vị tiền tệ quốc gia là đồng bảng.

Ngân hàng Chypre đã hoạt động trở lại sau 12 ngày đóng cửa. Sau khi chính phủ Chypre chấp nhận dự án cứu trợ khắc nghiệt của châu Âu, người dân trên đảo quốc này càng oán giận và chống lại châu Âu hơn. Một số người biểu tình tại thủ đô Nicosie đã đốt cờ châu Âu. Đối với phần đông, hành động cứu trợ của châu Âu không hề thể hiện tinh thần đoàn kết.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của kênh tư nhân Sigma, thì có tới 2/3 người dân Chypre ủng hộ việc ra khỏi khu vực đồng euro. Theo Tổng giám mục Nicosie, kinh tế quốc gia sẽ khá hơn nếu quay lại sử dụng đồng « bảng ». Một giáo sư ngành khoa học chính trị tại trường đại học Nicosie giải thích : « Vấn đề ở đây là luận điệu trên được ủng hộ bởi các các dân biểu đảng cộng sản (17 dân biểu trên tổng số 56). Họ bất bình trước chính sách khắc khổ của các nước khu vực đồng euro ».

Đương nhiên, lập luận như trên được nhiều người hưởng ứng và ngay cả ông Papadopoulos, chủ tịch ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng tán thành việc Chypre rút khỏi khu vực đồng euro. « Trong cuộc khủng hoảng, khi mà đồng lương giảm và thất nghiệp gia tăng thì ý tưởng rút lui khỏi đồng euro càng có khả năng được xem xét. » nhà phân tích chính trị thêm vào.

Đối với một số nhà kinh tế học, ra khỏi khu vực đồng euro dường như là một phương án duy nhất để phục hồi chủ quyền quốc gia. Một kịch bản mà Tổng thống Chypre, ông Nikos Anastasiades muốn loại trừ hồi thứ Sáu vừa qua trong một hội nghị. Ông tuyên bố : « Chúng ta sẽ không rời khỏi khu vực đồng euro và tôi nhấn mạnh trên điểm này. Chúng ta không thể mạo hiểm khi đưa tương lai quốc gia vào tình trạng nguy hiểm. »

Hơn 11.000 loại thuốc trừ sâu bán tại Hoa Kỳ chưa qua thử nghiệm

Liên quan đến sức khỏe, báo Le Monde chạy tựa : « Hơn 11.000 loại thuốc trừ sâu được bán tại Hoa Kỳ mà chưa qua thử nghiệm ». Một đơn kiện chống cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã được đưa ra.

Liệu cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) có cố tình cho bán trên thị trường các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm cho con người và loài ong, nhân tố thụ phấn quan trọng cho các vụ mùa ? Đây là tố cáo từ vài ngày nay của các nhà nuôi ong và các tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ.

Thứ Tư vừa qua, ngày 27/03/2013, sau một cuộc điều tra kéo dài hai năm, Hiệp hội bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) đã xuất bản một báo cáo kết án cơ quan này đã đồng ý bán ra thị trường 11.000 loại thuốc trừ sâu « mà không thông qua kiểm dịch hoặc không được kiểm định đầy đủ » nhờ vào một lỗ hổng pháp lý.

Một cuộc nghiên cứu khác được đại học Purdue tiến hành vào năm 2012 chứng tỏ rằng một số hạt giống được thử nghiệm có chứa chất clothianidine. Lượng này lên tới 700 000 lần liều lượng gây chết loài ong.

Về phần mình, cơ quan EPA này đảm bảo rằng sẽ cố gắng tìm hiểu các tác nhân gây hại cho loài ong. Đồng thời, cơ quan dẫn một phân tích nội bộ « khẳng định các sản phẩm này ban đầu được kiểm kê không chứa những rủi ro không thể chấp nhận được cho người và môi trường ».

Song song với cuộc nghiên cứu trên, bốn chuyên gia nuôi ong và năm hiệp hội đã kiện cơ quan này vào ngày 21/03 vừa qua tại tòa án California. Đồng thời, họ đòi cơ quan này phải ngăn ngay việc sử dụng chất gây hại này. Các hiệp hội này giải thích đã nắm trong tay các tài liệu chứng minh nhiều hành vi phạm luật của các thành viên cơ quan này.

Pháp : Các khoản nợ đeo đuổi Tổng thống Hollande

Quay lại với tình hình chính trị tại Pháp, báo chí hôm nay đề cập nhiều đến dư âm sau cuộc phát biểu của Tổng thống Hollande trên truyền hình.

Báo Le Figaro chạy tựa : « Các khoản nợ đeo đuổi Tổng thống Hollande ». Ngay hôm sau ngày Tổng thống Hollande phát biểu trên truyền hình, l’Insee (Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp) thông báo Pháp đã đạt một mức nợ kỷ lục (90,2% tổng thu nhập quốc nội), đe dọa nghiêm trọng cân bằng kinh tế.

Đã có khoảng 8 triệu khán giả truyền hình theo dõi trả lời phỏng vấn của Tổng thống Hollande, nhưng bài phát biểu này không có một tí thuyết phục nào. Liên quan đến chính sách thuế, ông Hollande đòi đánh thuế cao người giàu làm giới chủ phẫn nộ.

Theo báo Le Monde thì gần một năm sau khi đắc cử tổng thống, ông Hollande chỉ chiểm được lòng tin của khoảng gần 30% dân Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.