Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN

Quốc tế quan ngại trước tuyên bố tình trạng chiến tranh của Bắc Triều Tiên

Tuyên bố đặt trong « tình trạng chiến tranh » với Hàn Quốc của Bình Nhưỡng đã gây không khí lo ngại thực sự ở nhiều nước ngoài Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Hôm nay Nga, Đức và Pháp đã lần lượt lên tiếng về những lời đe dọa chiến tranh của Bắc Triều Tiên.

Quân dân Bắc Triều Tiên trong cuộc mít-tinh tại Bình Nhưỡng ngày 29/03/2013 ủng hộ mệnh lệnh lãnh đạo Kim Jong Un chuẩn bị chiến tranh với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Quân dân Bắc Triều Tiên trong cuộc mít-tinh tại Bình Nhưỡng ngày 29/03/2013 ủng hộ mệnh lệnh lãnh đạo Kim Jong Un chuẩn bị chiến tranh với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Không khí chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục được thổi lên căng thẳng với những tuyên bố đe dọa của Bình Nhưỡng. Hôm nay 30/03/2013, Bắc Triều Tiên lại tuyên bố «tình trạng chiến tranh » với Hàn Quốc;

Qua hãng thông tấn chính thức KCNA, Bình Nhưỡng khẳng định :« Các mối quan hệ liên Triều được đặt trong tình chiến tranh và tất ả các vấn đề giữa hai miền Triều Tiên sẽ được xử lý theo nguyên tắc tương ứng của chiến tranh ».

Tuyên bố khiêu chiến của Bình Nhưỡng không có gì mới so với vài ngày qua nhưng cũng khiến cho Washington và Seoul không thể xem thường những đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul tường trình:

« Nhưng đe dọa mới này về chủ yếu vẫn chỉ là lặp lại những khiêu khích bằng lời đã được chế độ Bình Nhưỡng tung ra trong tuần vừa qua. Cũng không nên quên là hai miền chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình từ khi sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953, mà hai nước mới chỉ với nhau hiệp định đình chiến. Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tuyên bố thỏa thuận này vô hiệu.

Dấu hiệu đe dọa của miền Bắc lúc này vẫn được coi là cường điệu. Cho đến ngày hôm nay, hàng trăm nhân viên Hàn Quốc vẫn qua biên giới làm việc trong khu công nghiệp liên doanh nằm bên phần đất miền Bắc mà không có vấn đề gì.

Với những tuyên bố mới này, chế độ Bắc Triều Tiên muốn tỏ sự phẫn nộ trước việc Mỹ đưa máy bay tàng hình B2 hoạt động trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng nổi dóa vì một tuyên bố của quân đội Hàn Quốc nói rằng trong trường hợp bị khiêu khích quân sự, miền Nam sẵn sàng cho phá hủy hàng nghìn bức tượng của Kim Jong Il và Kim Sung Il.

Đây chỉ là cuộc khẩu chiến mà thôi, một cách làm được Kim Jong Un rất hay sử dụng. Nhân việc tạo không khí chiến tranh, có thể Kim Jong Un muốn siết chặt hàng ngũ binh sĩ và cùng cố vai trò kiểm soát dân chúng của mình. »

Dù chỉ là đe dọa bằng ngôn từ nhưng Seoul cũng phải đặt mình trong tư thế sẵn sàng đáp trả. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố quân đội miền Nam sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích, đồng thời theo dõi sát sao mọi biến động của quân đội miền Bắc. Hiện tại Seoul cho biết không có nghi ngờ nào được phát hiện.

Hoa Kỳ, đồng minh của Hàn Quốc, đã ra thông cáo cho biết không thể xem thường những đe dọa của Bắc Triều Tiên đồng thời Washington khẳng định lại « mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc ».

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle hôm nay tuyên bố kêu gọi Bắc Tiều Tiên hãy chấm dứt trò đùa với lửa, đồng thời đánh giá đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng là là « nghiêm trọng ». Trên một diễn đàn của nhật báo Đức Bild, lãnh đạo ngoại giao Đức viết « trò đùa với lửa vô trách nhiệm của Bắc Triều Tiên phải chấm dứt ». Ngoại trưởng Guido Westerwelle nói rõ « Cho dù những hình ảnh và lời nói đến từ Bắc Triều Tiên dường như là vu vơ, nhưng nó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình trong vùng » và ông tỏ ý rất « lo lắng » về những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lúc này. Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ lập trường «đoàn kết » với Hàn Quốc.

Cùng ngày, Paris cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Triều Tiên « không được có mọi khiêu khích mới ». Trong thông cáo ra hôm nay, phát ngôn viên Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nêu rõ : « Pháp vô cùng quan ngại trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên » «Pháp khẩn thiết yêu cầu Bắc Triều Tiên không được có thêm mọi khiêu khích nào, tuân thủ nghĩa vụ của quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các nghị quyết xác đáng của Liên Hiệp Quốc và nhanh chóng nối lại con đường đối thoại ».

Về phần mình, Nga cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Trong một thông cáo ngoại giao ra hôm nay, Matxcơva kêu gọi hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ hãy chứng tỏ thái độ « trách nhiệm và kiềm chế tối đa ». Ông Grigori Logvinov, một quan chức ngoại giao Nga đặc trách hồ sơ Triều Tiên cho biết Nga không thể thờ ơ khi căng thẳng đang leo thang từng ngày ở cửa ngõ biên giới phía đông của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.