Vào nội dung chính
TÂY TẠNG

Tại nạn hầm mỏ tại Tây Tạng, hơn 83 công nhân bị chôn sống

Một mỏ vàng ở gần thủ phủ Lhassa, Tây Tạng bị sụp lở vào sáng sớm hôm qua 29/03/2013 giờ địa phương. Theo Tân Hoa Xã, lực lượng cứu hộ vẫn chưa định được vị trí cũng như chưa biết số phận của 83 công nhân ra sao. Cùng ngày, tại Quế Lâm, 28 công nhân mỏ than thiệt mạng trong một vụ nổ khí mỏ.

Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sống sót tại khu hầm mỏ ở Maizhokunggar, Khu tự trị Tây Tạng. Ảnh chụp lại qua truyền hình ngày 30/03/2013.
Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sống sót tại khu hầm mỏ ở Maizhokunggar, Khu tự trị Tây Tạng. Ảnh chụp lại qua truyền hình ngày 30/03/2013. REUTERS/CCTV
Quảng cáo

Ngày 30/03/2013 hôm nay, 24 giờ sau tai nạn sụp mỏ vàng ở Maizhokunggar, đông Lhassa, các toán cứu hộ có quân khuyển và ra -đa định vị hỗ trợ vẫn tiếp tục truy kiếm 83 công nhân bị chôn vùi dưới lòng đất. Ngày hôm trước, một dãy đất núi dài 3 km bị trượt từ trên cao phủ lấp mỏ vàng và khu nhà của công nhân chôn vùi 83 người dưới 2 triệu mét khối đất đá. Tin mới nhất cho biết đã tìm thấy một xác người.

Các nạn nhân này làm việc cho tập đoàn CNGG, một trong những tập đoàn khai thác mỏ vàng quốc doanh của Trung Quốc. Đại diện của công ty chủ thầu CNGG, trong cuộc họp báo vào hôm nay cho biết là chưa tìm thấy người sống sót.

Thông tín viên Delphine Sureau tại Trung Quốc cho biết thêm thông tin :

« Hơn hai nghìn nhân viên cứu hộ đã được đưa đến vùng núi Tây Tạng ở độ cao 4.600 m. Tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ra lệnh cho họ phải làm hết sức để đào bới hàng tấn bùn đất đá đổ xuống khu mỏ vàng lộ thiên này. Vụ lở đất xảy ra sáng ngày hôm qua có quy mô cực kỳ lớn và dữ dội, đã phá nát các thiết bị khai thác mỏ.

Những công nhân mỏ bị mất tích là những người sống tại chỗ, làm việc cho một công ty khai thác vàng lớn nhất của Trung Quốc. Phần đông họ không phải là dân Tây Tạng mà đến từ các tỉnh lân cận như Hồ Nam, Tứ Xuyên.

Tây Tạng có rất nhiều mỏ vàng như vậy. Vùng cao nguyên này lưu giữ một nguồn lượng dồi dào vàng, đồng, kẽm. Vì thế đây là vùng kinh tế chiến lược. Bắc Kinh đã khuyến khích khai thác trên quy mô lớn các mỏ nên đã dẫn đến các vụ lở đất vẫn liên tục ở đây ».

AFP cho biết là do các hoạt động khai thác quặng mỏ, tình trạng đất lở tại vùng cao nguyên Tây Tạng càng ngày càng trầm trọng thêm. Mỏ vàng bị tai nạn cũng như các mỏ quặng khác của Tây Tạng đều nằm trong tay các tập đoàn Trung Quốc. Theo báo chí nhà nước, trong những năm gần đây, Trung Quốc phát hiện nhiều nguồn kim loại tại quê hương của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trữ lượng mỏ đồng, chì, sắt, kẽm được thẩm định lên đến nhiều chục triệu tấn.

Cùng với tai nạn đất trượt tại Tây Tạng, một mỏ than ở Quế Lâm, đông bắc Trung Quốc bị nổ cùng ngày gây tử vong cho 28 người, 13 công nhân may mắn sống sót. Mỏ than này cũng do một công ty nhà nước khai thác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.