Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc xét lại chính sách một con

Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, từ lâu nổi tiếng cả thế giới về chính sách một con. Liệu chính sách này còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay tại Trung Quốc, khi mà tỷ lệ người già ngày càng tăng ? Liên quan đến vấn đề này, báo Le Monde có bài viết đề tựa : "Trung Quốc : chính sách một con được xem xét lại".

Trung Quốc dự định nới lỏng kiểm tra tỷ lệ sinh sản dưới thời Tập Cận Bình (REUTERS /Jason Lee)
Trung Quốc dự định nới lỏng kiểm tra tỷ lệ sinh sản dưới thời Tập Cận Bình (REUTERS /Jason Lee)
Quảng cáo

Chính sách một con ra đời từ 33 năm nay tại Trung Quốc, liệu hiện nay nó có còn hợp thời ? Theo chính sách này, 2/3 các cặp vợ chồng người Hoa chỉ được sinh một con. Người dân tộc thiểu số và dân thôn quê có quyền sinh con thứ hai nếu người con thứ nhất là con gái. Các nhà dân số học Trung Quốc đã đòi hỏi nới lỏng chính sách này từ nhiều năm qua thậm chí là bỏ hẳn chính sách này nhưng vô ích. Ngày nay, tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc thấp hơn ngưỡng phát triển dân số.

Lý do này khiến chính phủ dự định một cuộc cải cách hành chính nhằm nới lỏng kiểm tra tỷ lệ sinh sản dưới thời Tập Cận Bình. Tỷ lệ người già gia tăng, con số đạt 11,3% vào năm 2010 và ước tính sẽ tăng đến 41,9% dân số vào năm 2050. Một cuộc thống kê dân số lớn trong vòng 10 năm diễn ra vào năm 2010 cho thấy một cấu trúc dân số đáng ngại.

Ủy ban kế hoạch hóa gia đình từ lâu luôn phản đối kế hoạch cải cách trên bởi vì chính sách một con là nguồn thu nhập béo bở của họ. Hàng năm, lượng tiền phạt các trẻ sinh ngoài chế độ cho phép lên đến 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,5 tỷ euro. Theo số liệu từ bộ Y tế, chính sách một con đã gây ra 281 triệu trường hợp phá thai.

Một cuốn sách mang tựa « Đại quốc khống sào » do nhà dân số học Diệp Phú Hiền viết ra đời vào năm 2007 nhằm đả phá sự kéo dài của chính sách một con đã dẫn đến tình trạng dân số lão hóa. Tựa đề cuốn sách ví von đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng lại là một cái tổ rỗng bên trong. Cuốn sách ban đầu bị cấm nhưng một năm sau thì được phát hành. Tình trạng « một quốc gia già trước khi giàu có » làm người Trung Quốc lo ngại.

Các nhà dân số và kinh tế học báo động số lượng người trong độ tuổi lao động suy thoái nghiêm trọng trong khi lượng người già gia tăng. Điều này làm mất một số lợi ích mà lượng lao động trẻ mang lại và gia tăng gánh nặng đối với dân số già. Các nhà dân số tiến bộ nhất cho rằng các tiến bộ kinh tế xã hội lamg cho người Trung Quốc không muốn sinh nhiều con mặc dù không có chính sách một con. Họ dự đoán chỉ số sinh sản sẽ không vượt qua ngưỡng 2,1/phụ nữ.

Chính phủ Trung Quốc không thể nhắm mắt trước tình trạng khủng hoảng dân số hiện nay. Theo dự đoán của các chuyên gia, người Trung Quốc sã có quyền sinh con thứ hai vào năm 2016. « Trước tiên, họ sẽ cho phép các cặp có một con sinh con thứ hai, sau đó cho phép mọi người sinh con thứ hai và cuối cùng xóa bỏ chính sách này », ông Hà Á Phúc dự đoán. 

Ấn Độ : Đất nước đông dân nhất hành tinh trong tương lai ?

Cũng liên quan đến tình hình dân số, nhìn về Ấn Độ, báo Le Monde chạy tựa : « Ấn Độ sẵn sàng chiến thắng cuộc chiến dân số ». Từ nay đến năm 2030, dân số Ấn Độ sẽ vượt dân số Trung Quốc và trở thành một trong những nước trẻ nhất hành tinh.

Ngày nay, một nửa dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi. Lượng người trong độ tuổi lao động sẽ tăng 30% từ nay đến 2020. Theo dự đoán của tổ chức quốc tế thế giới về việc làm (OIT) thì trong vòng 10 năm tới, một trong bốn lao động trẻ trên hành tinh là người Ấn Độ.

Theo bài báo, trái với các dự đoán bi quan trong những thập niên 70, 80, sự gia tăng dân số tại Ấn Độ không gây ra đói nghèo hay các thảm họa về kinh tế hay xã hội. Ngược lại, sự năng động dân số tại Ấn Độ có thể còn tạo ra một lợi thế tuyệt vời cho đất nước trong khi dân lao động Trung Quốc thì đang suy giảm.

Cái lợi này được các nhà kinh tế gọi là « lợi nhuận dân số ». Bởi vì khi lượng người trong độ tuổi lao động tăng thì làm giảm gánh nặng chi tiêu của nhà nước cho trẻ em và người già. Nói cách khác là tăng tiết kiệm và đầu tư sản xuất cho quốc gia. Hơn nữa, lượng phụ nữ lao động tăng sẽ làm giảm tỷ lệ sinh sản và tăng tỷ lệ học hành.

Thế nhưng Ấn Độ có tận dụng được cái lợi này không ? Để dân số trẻ Ấn Độ tham gia xây dựng đất nước thịnh vượng thì họ phải được học hành. Giám đốc tổ chức phát triển kỹ năng quốc gia báo động vào tháng 12/2012 : « Chỉ có 5% giới trẻ trong độ tuổi 19-24 được đào tạo ». 7 trên 10 trẻ nghỉ học cuối tiểu học. Ý thức được tính cấp thiết của việc đào tạo dân số, chính phủ đã triển khai việc đào tạo 500 triệu lao động vào năm 2008. Theo đó, chính phủ phải tạo ra hàng triệu việc làm để đáp ứng lượng lao động này. Chính phủ Ấn Độ từ lâu tuyển dụng nhiều trong ngành dịch vụ, giờ đây phải đầu tư nhiều hơn trong ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Để dân số góp phần tăng trưởng kinh tế của quốc gia thì Ấn Độ còn phải chú trọng hơn đến tình trạng sức khỏe của người dân. Cứ trong 7 phút có ½ trẻ suy dinh dưỡng, một phụ nữ tử vong khi sinh con.

Hơn nữa, sự chênh lệnh tỷ lệ nam-nữ còn kéo dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Tại Ấn Độ, theo tục lệ, con gái sống ở nhà chồng khi lập gia đình. Gia đình vợ phải tiết kiệm để chi trả cho gia đình chồng trong khi người con trai thì sống tại nhà mình, chăm sóc cha mẹ mình đến cuối đời. Do đó, người ta phá thai có chọn lọc mặc dù bị cấm siêu âm để biết giới tính của trẻ trước khi sinh. 

Anh : Đợt lạnh gây thiệt hại nông nghiệp

Chuyển sang đề tài khí hậu, báo Le Monde hôm nay có đề cập đến cái lạnh tại Anh gây thiệt hại vụ mùa và khá nhiều vật chăn nuôi bị chết. Năm nay, nước Anh mất mùa và nhiều vật nuôi chết do sự khắc nghiệt thời tiết, mưa và đông đá chưa từng thấy tại nước này. Thiệt hại lần này lan rộng hơn cả đợt cúm gia súc vào năm 2001 mặc dù nó ít dữ tợn hơn.

Trước đó là hạn hán kéo dài và từ một năm nay, mưa không hề ngớt và gần như liên tục. Năm 2013 cũng không khá hơn, đợt lạnh vào tháng ba làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Một người nông dân cao tuổi sống tại đây cho biết ông chua bao giờ thấy cảnh tượng này bao giờ. Các nhà nông dân không ngần ngại cho rằng sự thay đổi khí hậu là nguyên nhân của thời tiết khắc nghiệt.

Thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến toàn đất nước : 90% người nông dân là nạn nhân của hiện tượng này theo một Hiệp hội nhân đạo dành cho người nông dân (PCF). Thu hoạch giảm 13% đối với các trang trại trồng ngũ cốc và giảm 53% đối với các nhà chăn nuôi trên núi. Tổng cộng, thiệt hại lên đến 1,5 tỷ euro trong ngành nuôi trồng. Trước cuộc khủng hoảng, Hiệp hội nhân đạo PCF đã quyết định cứu trợ khẩn cấp nửa triệu euro vào tháng 12 rồi.

Còn bên ngành chăn nuôi thì do trời tuyết và băng giá nên người nông dân không thể chăn cừu ngoài trời. Nhưng nếu giữ bầy cừu trong nhà thì chi phí sẽ rất tốn kém vì phải cho nó ăn, thay vì thả chúng ngoài đồng. Hơn nữa, nuôi cừu trong nhà có nguy cơ làm lây lan một số bệnh và khả năng nhiễm khuẩn cao hơn bên ngoài tự nhiên. Tại miền Bắc nước Anh, các đợt tuyết lạnh hồi tháng 3 làm hàng chục nghìn con cừu chết. Một số nông dân còn phải trả tiền thuê trang trại, thiệt hại trên quả là không nhỏ đối với người nông dân.

Trên thị trường, nếu năm này mất mùa thì giá cả trên thị trường phải tăng để bù lại thiệt hại của nông dân. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chỉ dành để bán trong nước. 

Thụy Sĩ : Các ngân hàng tại thành phố Zurich điêu đứng

Trong phần tin tài chính, nhật báo kinh tế Les Echos đưa độc giả đến Zurich, kinh đô tài chính của Thụy Sĩ qua bài viết : « Tại Zurich, nhân viên ngân hàng thất vọng ». Zurich là nơi có tới 20 000 chỗ làm bị đe dọa do, « ngành ngân hàng và tài chính nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử ».

Kể từ khi không còn được phép giữ kín « bí mật ngân hàng », các nhà băng lớn của Thụy Sĩ đã phải đóng cửa nhiều chi nhánh và sa thải hàng loạt nhân viên.

Hậu quả trực tiếp là trong vài tháng, giá địa ốc ở Zurich đã giảm 30 %, nhiều tòa nhà bị bỏ trống. Chỉ riêng tại đây, ngân hàng Credit Suisse đã đóng cửa 20 chi nhánh, thông báo cho 1 500 nhân viên nghỉ việc. Về phần mình, ngân hàng UBS chuẩn bị sa thải 10 000 nhân viên từ nay đến năm 2015.

Theo lời một chính khách Thụy Sĩ được Les Echos trích dẫn, những kế hoạch sa thải nhân viên được thông báo chỉ là « phần nổi » của tảng băng, bởi vì đa số các ngân hàng Thụy Sĩ không bắt buộc phải thông báo khi tuyển dụng hay sa thải nhân công.

Năm ngoái, ¼ những người bị mất việc là nhân viên phục vụ cho ngành ngân hàng. Ngành tài chính, ngân hàng Thụy Sĩ bảo đảm công việc làm cho 100 000 người lao động.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.