Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TÂY TẠNG

Chính quyền Trung Quốc trả tự do cho một nhà sư Tây Tạng sau 17 năm cầm tù

Hôm qua, 02/04/2013, nhà sư Tây Tạng Jigme Gyatso đã được trả tự do, sau 17 năm tù khổ sai, vì đã tham gia vào cuộc đấu tranh đòi độc lập cho Tây Tạng. Ông Jigme Gyatso là một trong các nhà hoạt động chính trị Tây Tạng nổi tiếng nhất. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền thường xuyên tố cáo điều kiện giam cầm hết sức tệ hại đối với nhà tranh đấu Tây Tạng trong nhà tù Trung Quốc.

Nhà sư Tây Tạng Jigme Gyatso
Nhà sư Tây Tạng Jigme Gyatso DR
Quảng cáo

Nhà sư Jigme Gyatso, 52 tuổi, vừa trở về quê hương ở vùng tự trị của người Tây Tạng thuộc tỉnh Cam Túc, miền tây bắc Trung Quốc. Theo AP, người phát ngôn của chính quyền Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ cho biết, ông Jigme Gyatso đã được thả sớm một năm so với thời hạn, có lẽ do sức khỏe yếu vì bị ngược đãi trong tù.

Nhà tranh đấu Jigme Gyatso bị bắt vào năm 1996, trong một đợt đàn áp của chính quyền nhắm vào những nhà ly khai người Tây Tạng. Vào thời điểm đó, ông bị kết án 15 năm tù vì bị quy tội « kích động ly khai lãnh thổ » và tội « phản cách mạng », một tội danh giờ đây đã bị hủy bỏ.

Thoạt tiên bị giam tại Drapchi - một nhà tù nổi tiếng ở Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng. Cùng với nhiều tù nhân khác, ông đã bị tra tấn sau thời điểm bùng nổ phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Tây Tạng năm 1998. Vào năm 2004, nhà sư tranh đấu bị kết thêm hai năm tù nữa, sau khi hô khẩu hiệu trong nhà tù ủng hộ lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma. Trong nhiều năm trời, nhà sư Jigme Gyatso bị giam giữ tại Chushur (phía tây Lhassa), một trong các nhà tù khủng khiếp nhất ở Trung Quốc.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Amnesty International kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ông. Năm 2005, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn Manfred Nowak đã gặp ông và sau đó đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc. Sau lần gặp đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, ông cũng đã bị tra tấn nhiều lần.

Theo ông Vincent Metten, giám đốc Châu Âu của tổ chức phi chính phủ International Campaign for Tibet, thì quá trình trở lại hội nhập với xã hội của Jigme Gyatso ngay tại quê hương ông là hết sức khó khăn, vì chính quyền có chủ trương gạt các cựu tù nhân ra bên lề xã hội, tình hình càng đặc biệt khó khăn hơn với các cựu nhà sư hay các nhà chính trị có uy tín. Ông Jigme Gyatso cũng không thể trở lại tu viện để sống như một nhà tu hành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.