Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Xung đột tôn giáo có thể đưa đất nước trở lại thời kỳ quân phiệt ?

Cách đây hai năm, sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, chế độ quân phiệt tại Miến Điện đã chính thức nhường chỗ cho một chính quyền dân sự. Từ đó, một số cải cách dân chủ đã được tiến hành, được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, tiến trình cải cách dân chủ tại đất nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi xung đột không chỉ sắc tộc mà còn tôn giáo. Nhật báo Công Giáo La Croix phân tích chủ đề này qua bài viết chạy tựa : «Bạo lực giữa các cộng đồng đe dọa quá trình chuyển tiếp chính trị ».

Người hồi giáo tại Rangoon lo sợ sau vụ hoả hoạn làm 13 thanh niên thiệt mạng. Ảnh chụp nhân đám tán nạn nhân, ngày 02/04/2013.
Người hồi giáo tại Rangoon lo sợ sau vụ hoả hoạn làm 13 thanh niên thiệt mạng. Ảnh chụp nhân đám tán nạn nhân, ngày 02/04/2013. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Tờ báo cho biết, từ hai tuần nay, bạo lực tôn giáo trở nên nghiêm trọng tại Miến Điện, cướp đi sinh mạng 50 người. Các vụ bạo lực này là do những người theo Phật Giáo quá khích nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo chiếm thiểu số.

Theo tờ báo vào đêm 26/3 vừa qua, tại thành phố Nattalin, cách thành phố Rangoon 200 km về phía bắc, nhiều nhà cửa của người Hồi Giáo và một nhà thờ Hồi Giáo đã bị các nhóm quá khích đập phá suốt 4 tiếng đồng hồ. Theo chính quyền địa phương, thì số người đập phá này có hơn 200 người. Tuy nhiên, tờ báo nêu ra một điểm đáng chú ý là, những người tấn công hành động công khai và hầu như không e dè gì cả, chính quyền thì chẳng bắt bớ một người nào.

Còn tại một địa phương khác cách Nattalin 200 cây số về phía bắc, cách đây hai tuần cũng xảy ra xung đột tôn giáo nghiêm trọng. Địa phương này có 30% dân cư theo Hồi Giáo. Nhiều nhóm nhà sư Phật Giáo quá khích đã tấn công và đốt phá nhà cửa của những người Hồi Giáo, làm thiệt mạng đến 43 người. Các nhà sư này hung bạo đến mức tấn công cả những người chụp hình và yêu cầu họ phải xóa tất cả hình đã chụp được về những vụ đốt phá. Cảnh sát chỉ mới bắt giam có 35 người, trong khi đó có khoảng 12.000 người Hồi Giáo đã phải chạy loạn khỏi địa phương.

Mới hôm qua, tại Rangoon, thành phố lớn nhất và là thủ đô Miến Điện đến năm 2006, một ngôi trường nội trú của người Hồi Giáo đã bị bốc cháy vào lúc nửa đêm, làm thiệt mạng 13 học sinh. Nhà cầm quyền đã khẳng định hỏa hoạn là do chập điện. Thế nhưng, La Croix cho biết, cách đây một tuần ở thành phố này đã có tin đồn về việc các vụ bạo lực sẽ xảy ra. Vì thế, cộng đồng người Hồi Giáo ở đây không tin vào kết luận nói trên của chính quyền. Tình hình căng thẳng đến mức mà có những tài xế xe buýt và taxi ở địa phương này đã phòng xa bằng cách treo cờ hiệu của các nhóm thầy tu Phật Giáo cực đoan.

Nguy cơ quân đội trở lại chính trường

Một quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ Miến Điện cho biết, rất có thể có sự đồng lõa của nhà cầm quyền trong các vụ bạo lực. Người này bức xúc cho biết là cảnh sát và quân đội Miến Điện đã không có hành động gì đáng kể và đã cố ý để cho bạo lực xảy ra. Một nhà chính trị tại Nattalin cho rằng, có nhiều người tại Miến Điện không chấp nhận quá trình chuyển tiếp dân chủ, và muốn trở lại chế độ quân phiệt, bởi dưới chế độ cũ họ được nhiều đặc quyền đặc lợi hơn.

Các chức sắc tôn giáo của cộng đồng người Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo của Miến Điện đã đồng loạt yêu cầu chính phủ làm rõ các vụ bạo lực nói trên. Riêng về giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, La Croix cho hay, bà vẫn im hơi lặng tiếng.

Chỉ trong vòng hai tuần qua, ở miền trung Miến Điện đã có đến 37 nhà thờ Hồi Giáo bị đốt phá. Một số địa phương đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp và thực hiện lệnh giới nghiêm. Đã có những đoàn xe quân đội xuất hiện tuần tra ở một số địa phương. Một chính khách địa phương lo ngại : « Nếu xung đột tiếp tục lan rộng, thì tình trạng bất ổn sẽ tạo cớ cho quân đội trở lại áp đặt quyền kiểm soát ».

Bắc Triều Tiên công khai tham vọng bom nguyên tử

Nhìn về một điểm nóng khác tại Châu Á là bán đảo Triều Tiên, Les Echos đăng bài : « Bắc Triều Tiên thúc đẩy trở lại việc sản xuất bom plutonium ».

Tờ báo nhắc lại, gần đây chính quyền Bình Nhưỡng đã không ngừng có động thái khiêu khích với những lời lẽ sặc mùi hiếu chiến, tuy vậy vẫn chưa có hành động cụ thể. Thế nhưng, hành động cụ thể rốt cuộc cũng đã đến khi mà hôm qua hãng tin KCNA đã cho biết, Bắc Triều Tiên sẽ cho tái vận hành các cơ sở hạt nhân vốn đã bị tạm ngừng hoạt động theo các thỏa thuận ngoại giao hồi năm 2007.

Chưa hết, từ lâu, Bình Nhưỡng luôn phủ nhận việc phát triển hạt nhân quân sự. Thế nhưng, hồi chủ nhật rồi, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố chính thức rằng : « Hiện đại hóa nguồn năng lượng hạt nhân là mấu chốt trong công cuộc phát triển công nghệ để tiến tới sản xuất vũ khí nguyên tử ».

Ngay lập tức, nhiều nước đã lên án động thái này của Bắc Triều Tiên. Ngay cả anh bạn láng giềng thân thiết nhất là Trung Quốc cũng tỏ ra quan ngại.

Về phần mình, Hoa Kỳ đang tiếp tục lợi dụng thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Máy bay ném bom B-52, B-2, máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ đã xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc. Mỹ cũng đã cho neo ngoài khơi Hàn Quốc một khu trục hạm đánh chặn tên lửa và một hệ thống radar khổng lồ. Mỹ cũng đã cho tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực Alaska.

Thêm vào đó, Les Echos đăng bài phỏng vấn chuyên gia quan hệ quốc tế Jean-Vincent Brisset. Chuyên gia này cho rằng, khu vực bán đảo Triều Tiên đang diễn ra một cuộc chiến tranh lạnh, tức các bên ra sức hù dọa lẫn nhau trong khi không bên nào muốn xảy ra chiến tranh thật sự.

Bàn về việc Mỹ tăng cường quân sự tại Châu Á, chuyên gia Brisset cho rằng, ngoài khu vực bán đảo Triều Tiên và ở Nhật Bản, Mỹ còn tăng cường lực lượng ở Philippines, Thái Lan và Singapore, nơi mà Trung Quốc đang muốn gặm nhấm toàn bộ diện tích trong khi có đến 40% hàng hóa giao dịch trên thế giới phải đi qua khu vực này.

Kim Jong Un đang chơi với lửa ?

Nhận định về hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro đăng bài : «Trò chơi đầy nguy hiểm của Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ đang tìm cách khẳng định quyền lực ».

Bàn về tiềm lực quân sự, tờ báo cho rằng, Bình Nhưỡng hăm he dữ dội mấy ngày qua nhưng cũng để khoa chân múa tay thôi, chứ thật sự tiềm lực không thể tấn công được các cơ sở quân sự hay lãnh thổ Hoa Kỳ. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia cho rằng, lối hành xử đầy khiêu khích của Kim Jong Un đã quá quen thuộc vì đã được ông Kim Jong Il sử dụng nhiều lần, đó là gây sức ép để đổi lấy các thỏa thuận ngoại giao và kinh tế của Mỹ và Hàn Quốc.

Thế nhưng, lần khiêu khích này ồn ào hơn bình thường, bởi theo tờ báo, có thể đó là dấu hiệu bất ổn chính trị trong nội bộ lãnh đạo của Bắc Triều Tiên. Vì thế, ông Kim Jong Un mới làm đình làm đám để khẳng định quyền lực với quân đội, để lấy lòng tin với dân chúng.

Thế nhưng, trong tình hình này, sắp tới ông Kim Jong Un phải làm điều gì đó cho ra hồn, chứ nếu chỉ hăm he suông thôi thì sẽ mất mặt với dân chúng và sẽ mất uy thế trong chóp bu đất nước. Le Figaro kết luận: Kim Jong Un đang chơi với lửa.

Vùng sử dụng đồng Euro : Tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục mới

Nhìn sang Châu Âu, nhật báo Le Figaro có bài báo động về tình hình thất nghiệp đang leo thang và sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến.

Theo số liệu vừa được công bố, trong tháng 02/2013, khu vực 10 nước sử dụng đồng euro (eurozone) có tổng cộng 19 triệu người thất nghiệp, tức đạt mức kỷ lục mới. Như vậy, chỉ trong vòng một năm, khu vực này đã có thêm 1,7 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 02 của eurozone như vậy là ở mức 12%, trong khi con số này hồi tháng trước là 11,9%. Riêng tại nước Pháp, tỷ lệ thất nghiệp của tháng 02 là 10,8%.

Sản xuất công nghiệp chế biến của eurozone sụt giảm. Trong khi đó, đến hiện tại cuộc khủng hoảng tại Chypre vẫn chưa kịp gây ảnh hưởng cho khu vực, nhưng những ảnh hưởng sẽ bắt đầu được cảm nhận trong tháng 4 này.

Nhận định chung cho viễn cảnh sắp tới cho hồ sơ việc làm và công nghiệp của eurozone, Le Figaro cho rằng : Sẽ không có gì sáng sủa.

Chypre : Phục hồi kinh tế bằng các sòng bạc

Đề cập đến hồ sơ khủng hoảng tài chính tại Chypre, Le Figaro đăng bài : «Chypre dựa vào casino (sòng bạc) để phục hồi ».

Trong khi đang tiến hành thương thảo với bộ ba chủ nợ là Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế về khoản tín dụng 10 tỷ euro dành cho Chypre, tổng thống Chypre ông Nikos Anastasiades hôm thứ hai này đã tuyên bố dự định cho phép hoạt động chính thức đối với các casino trên lãnh thổ Chypre để thu hút khách du lịch và kiếm thêm nguồn thu ngân sách.

Tờ báo cho biết, Chypre hầu như là nước duy nhất tại EU không cho phép casino hoạt động. Luật của nước này cấm các casino do sức ép của Giáo hội Chính Thống Giáo.

Le Figaro nói thêm, dự định cấp phép cho các casino, nằm trong chương trình tranh cử của ông Nikos hồi tháng Hai rồi, và hiện nằm trong số 12 điểm trong chương trình phục hồi kinh tế của ông.

Pháp chấn động vì vụ trốn thuế của cựu bộ trưởng ngân sách

Sau 4 tháng khẳng định rồi tái khẳng định sự trong sạch của mình, đến hôm qua, cựu bộ trưởng ngân sách Pháp ông Jérôme Cahuzac bất ngờ thú nhận có sở hữu một tài khoản kếch sù ở ngoại quốc. Lời thú nhận đã tạo ra một cú sốc lớn trong xã hội Pháp, và trở thành chủ đề nóng của hầu hết các báo Pháp hôm nay.

Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro không bỏ qua cơ hội tấn công cánh tả của tổng thống Hollande khi đăng bức ảnh lớn của ông Cahuzac trên trang nhất kèm theo một đoạn bức thư xin lỗi của ông này gửi cho tổng thống, thủ tướng và toàn thể nhân dân Pháp. Ngoài những bài mổ xẻ vụ việc trốn thuế của Cahuzac, tờ báo còn dành bài xã luận cho hồ sơ này với dòng tựa báo động : « Tàn phá ». Tờ báo dùng từ « tàn phá » để chỉ hành vi trốn thuế của ông Cahuzac.

Thực tế, thì ông này thú nhận có tài khoản trên dưới 600 000 euro ở Thụy Sĩ. Nhưng tờ báo cánh hữu không nhắm vào sự tàn phá về vật chất của vụ việc, mà là sự tàn phá đối với đạo đức chính trị tại Pháp, bởi lẽ ông Cahuzac đã nói dối với tổng thống, với thủ tướng, và với cả quốc hội. Le Figaro không dừng ở việc chỉ trích cá nhân ông Cahuzac, mà tờ báo này đã tỏ ra gay gắt với cả cánh tả của đương kim tổng thống Hollande.

Không chỉ có báo chí cánh hữu chỉ trích vụ án Cahuzac, mà ngay cả những tờ báo cánh tả cũng không tiếc lời nặng nhẹ. Nhật báo Cộng Sản L’Humanité đăng tựa lớn trên trang nhất : «Cahuzac ngã nhào từ thiên đường thuế của mình ». Ngoài những bài thông tin chi tiết về hồ sơ Cahuzac, tờ báo cộng sản Pháp còn có bài lược qua các phản ứng đến từ mọi phía, từ các chính khách cánh tả đến chính khách cánh hữu. Các quan chức cánh hữu khi chỉ trích thì luôn nhắm vào tổng thống Hollande như lời một dân biểu đảng UMP cánh hữu : «Những lời hứa về một nền cộng hòa không tì vết của ông Hollande đã tiêu tan ».

Về phần mình, nhật báo cánh tả Libération cũng dành trang nhất đăng ảnh lớn của đương sự Cahuzac kèm theo dòng tít lớn : « Thiếu tư cách». Tờ báo nhắc lại, hồi ngày 19/3 rồi, tổng thống Hollande đã cách chức ông Cahuzac. Nhưng sau đó ông này vẫn tiếp tục phủ nhận về tài khoản ở nước ngoài của mình. Để rồi đến hôm qua ông này mới thú nhận vụ việc, một sự thú nhận quá muộn màng, bởi đã bao tháng trời ông này nói dối với tất cả mọi người.

Libération nhận định, vụ việc Cahuzac sẽ làm cho chính phủ Hollande mất uy tín trong bối cảnh ông ngày càng mất điểm tín nhiệm trong dân chúng vì chính sách điều hành kinh tế không hiệu quả.

Trong bài xã luận chạy tựa : «Mất tín nhiệm », tờ báo cho rằng, vụ việc không chỉ dừng ở việc ông Cahuzac hay chính phủ Hollande mất uy tín, mà còn khiến đời sống chính trị Pháp rơi vào một bầu không khí ngờ vực.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua sự kiện này và cũng dành trang nhất cho chủ đề Cahuzac với dòng tựa : « Nói dối ». Tờ báo đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm của cánh hữu Pháp về vụ việc, theo đó cánh hữu Pháp bắt đầu tấn công vào chi tiết nhạy cảm là : Liệu tổng thống và thủ tướng đã biết sự thật trước khi ông ông Cahuzac tự thú hay không ? Nếu biết thì rõ ràng đó là một sự dối trá có hệ thống vô cùng nghiêm trọng trong đời sống chính trị tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.