Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Lá bài tẩy « dọa đánh Mỹ » của Kim Jong Un bị lật ngửa

Đăng ngày:

Nếu chỉ tin vào hình ảnh tuyên truyền của Bình Nhưỡng thì chế độ độc tài này chuẩn bị lâm chiến và các kẻ thù từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ tiêu tan trước « hỏa lực sấm sét » chưa từng thấy. Chế độ phong kiến đỏ cha truyền con nối thường xuyên « lên gân » nhưng từ khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong đó có Bắc Kinh, thông qua nghị quyết trừng phạt mới thì Kim Jong Un leo thang một cách đáng ngại. Vấn đề là liệu Kim tam thế có xuống thang kịp lúc hay không ?

Bắc Triều Tiên bày tỏ trung thành với Kim Jong Un
Bắc Triều Tiên bày tỏ trung thành với Kim Jong Un REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Từ ngày 30/03/2013 đến nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thành công biến lãnh thổ khép kín này thành một lò thuốc súng. Bình Nhưỡng đơn phương phủ nhận hiệp định đình chiến 1953, hủy bỏ hiệp ước « bất tương xâm » năm 1991, tái lập « tình trạng chiến tranh » với Hàn Quốc.

Mọi kênh liên lạc với Seoul kể cả đường « điện thoại khẩn cấp » cũng bị cắt đứt. Hãng thông tấn KCNA và đài truyền hình nhà nước sử dụng ngôn từ lửa máu thông báo « quân lệnh nửa đêm » của lãnh tụ tối cao, đặt quân đội trong tình trạng « ứng chiến », sẵn sàng phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, liên lục địa, vũ khí hạt nhân tàn phá Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Trong những ngày qua, các kênh tuyên truyền của Bình Nhưỡng đưa ra những phim video phô trương quân đội Bắc Triều Tiên với vũ khí tối tân đánh sập phủ tổng thống Mỹ, nhảy dù, đổ bộ tấn công tràn ngập các thành phố lớn tại Nam Hàn bắt lính Mỹ đầu hàng. Hãng thông tấn AFP của Pháp, tuy nổi tiếng thận trọng, cũng thiếu chút nữa bị đánh lừa trước hình ảnh tàu lướt gió đổ bộ của Bắc Triều Tiên tập trận. Khi kiểm chứng lại AFP phát hiện Bình Nhưỡng dùng kỹ thuật số.

Ngày 02/04/2013, Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế. Vào lúc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo « động thái leo thang khiêu khích của Bình Nhưỡng đi quá xa », Bắc Triều Tiên loan tin sắp cho hoạt động trở lại lò hạt nhân mà một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc buộc đóng cửa vào năm 2007.

Tổng thư ký Ban Ki Moon, nhà ngoại giao lão thành Hàn Quốc, nhắc nhở lãnh đạo Kim Jong Un, một người có tiếng thích chơi « game video» bằng lời lẽ như sau : « vũ khí hạt nhân không phải là đồ chơi ».

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bình Nhưỡng hung hăng khác thường ? Nổi điên vì Hoa Kỳ đem B52 sang « biểu diễn », vì bị Hội Đồng Bảo An trừng phạt, bị Hội Đồng Nhân Quyền lập ủy ban điều tra hay do những nguyên nhân sâu xa nào khác mà trong thâm tâm, Kim Jong Un thực sự không dám động binh vì sợ hậu quả ?

10:13

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng tại Hoa Kỳ

RFI đặt câu hỏi với giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ :

« Nguyên nhân gần là Bình Nhưỡng vẫn theo mô thức, mô hình họ vẫn làm từ xưa là khi nào họ bị chế tài hay bị chỉ trích thì phản ứng lại. Gần nhất là hồi cuối năm 2012, Bình Nhưỡng thử hỏa tiễn thì bị Hội Đồng Bảo An lên án nặng nề. Sau đó lại thử thêm một hỏa tiễn rồi bom nguyên tử nữa. Bị chỉ trích, họ phản ứng mạnh như mọi người đã biết : cắt điện thoại nóng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, đặt tình trạng chiến tranh, bỏ hiệp ước đình chiến rồi doạ bắn hỏa tiễn vào căn cứ Mỹ ở Guam, Hawai, Nhật Bản và Nam Hàn.

Còn nguyên nhân xa, chúng ta thấy đây là phản ứng của một chế độ có nền kinh tế èo uột, thiếu ăn triền miên và lo sợ bị sụp đổ. Sợ bị Mỹ tấn công cho nên luôn luôn đòi đối thoại song phương, đòi ký hiệp ước bất tương xâm với Mỹ nhưng chưa được, nên thỉnh thoảng họ làm như thế .

Bình Nhưỡng lo sợ bị sụp đổ từ bên trong, chứ không phải sụp vì bị tấn công. Với nền kinh tế èo uột và bị chế tài nhiều nên họ sợ.

Nhưng trường hợp bây giờ nó nguy hiểm hơn hồi xưa là bởi vì có nhiều yếu tố khác hẳn. Hồi xưa, mỗi lần bị chỉ trích thì họ hung hăng, thế xong rồi lại điều đình, sau đó phải viện trợ cho họ một chút. Rồi sau đó, lâu lâu họ lại làm một lần nữa gây cái sự chú trọng của mọi người. Nhưng lần này, ông Obama cũng nhường, Bắc Hàn cũng nhân nhượng và Mỹ cũng sẵn sàng viện trợ. Nhưng viện trợ chưa tới thì Kim Jong Un đã thử hỏa tiễn, bom nguyên tử, làm Mỹ rút lại. Đó là điều thứ nhất khác hơn hồi xưa.

Chuyện thứ hai, tình trạng cũng căng thẳng nhiều hơn vì khi Bắc Hàn đe dọa thì Nam Hàn cũng dọa. Chế độ Nam Hàn lúc rắn lúc mềm cho nên tổng thống Obama muốn Nam Hàn cũng phải cứng rắn như Mỹ. Mỹ đưa B2 sang Nam Hàn để chứng tỏ Mỹ sẽ đứng sau Seoul , Seoul đừng lùi bước vì thế căng hơn những lần trước.

Mưu kế của Bắc Hàn là gì ? Nếu căn cứ vào tính cách thuần lý thì đây là một hành động quá khích để được mua chuộc hoặc để người ta chú ý. Lý do là như vậy nhưng mà có hai yếu tố khiến mình khó tiên đoán nó hợp lý đến mức độ nào. Một là lãnh tụ Bắc Hàn còn trẻ không kinh nghiệm như cha và mình cũng không rõ ông ta có kiểm soát được tình hình hay không. Thứ hai là khả năng tấn công của Bắc Hàn đã gia tăng vì họ có hỏa tiễn viễn liên và thứ ba là tình hình này lồng trong khung cảnh căng thẳng chung ở Đông Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản… »

Cho đến giờ phút này, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều án binh bất động. Washington chỉ đưa thêm vào khu vực hai khu trục hạm, 2 chiến đấu cơ F22 tàng hình từ Okinawa sang đóng tại Osan và một dàn tên lửa chống tên lửa tối tân sang đảo Guam. Tổng thống Hàn Quốc Phác Cận Huệ, Park Geun Hye, nhân cuộc họp tại bộ Quốc phòng chỉ thị phải « đáp trả mọi hành động khiêu khích » của Bắc Triều Tiên.

Tại Seoul, người dân gần như không quan tâm đến những lời tuyên bố bốc lửa chiến tranh bên kia vĩ tuyến 38. Bộ Quốc phòng khẳng định tình hình yên tỉnh nhưng đề phòng mọi tình huống.

Các chuyên gia Hàn Quốc, cũng như hầu hết giới quan sát quốc tế đều không tin Kim Jong Un sẽ động binh.

Một lần nữa Kim tam thế noi gương của cha gây áp lực với Mỹ và để củng cố chế độ bị cô lập nhưng lần này « thống tướng » đã leo lên lưng cọp với quân lệnh : « chiến dịch diệt Mỹ sẽ phát động trong ngày hôm nay hoặc ngày mai 05/04/2013 ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.