Vào nội dung chính
CAM BỐT

Lo ngại khi chính quyền Cam Bốt được ưu đãi quá đáng về truyền thông

Báo cáo của Trung tâm Truyền thông Độc lập Cam Bốt (CCIM) công bố vào cuối tháng 3/2013 lo ngại về sự tự ưu đãi quá đáng của chính quyền khi họ nắm trong tay hầu hết các phương tiện truyền thông. Những tổ chức không thuộc chính quyền hầu như bị tước bỏ quyền tự do thông tin.

Những người ủng hộ nhà đối lập Mam Sonando, chủ nhân một đài phát thanh độc lập, xung đột với cảnh sát gần tòa án Phnom Penh, ngày 11/09/2012.
Những người ủng hộ nhà đối lập Mam Sonando, chủ nhân một đài phát thanh độc lập, xung đột với cảnh sát gần tòa án Phnom Penh, ngày 11/09/2012. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

07:14

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Theo bản báo cáo, hiện nay, nhà nước sở hữu rất hùng hậu một đội quân báo chí như làm chủ trực tiếp hoặc không trực tiếp 160 đài hay cơ sở phát thanh, truyền thanh; 11 đài truyền hình; còn báo giấy ra mỗi ngày hay hàng tuần, hàng tháng, thì hơn 98% là của nhà nước.

Dân Cam Bốt lại ít có thói quen đọc báo, họ thích theo dõi tin trên truyền hình hay qua đài phát thanh. Tại các tỉnh và thành phố thì còn có người đọc báo, riêng ở miền quê, dân cư có thói quen nghe đài phát thanh nhiều hơn. Vì thế, họ nghe nhiều bản tin của chính quyền, và những tiếng nói khác cần phải có trong một xã hội đa dạng nhiều thành phần thì lại thiếu vắng các nguồn thông tin của họ. Nghe một chiều từ phía nhà nước lâu ngày tạo cho dân chúng một cảm tưởng rằng chỉ có chính quyền là người có quyền nói và đưa tin trong xã hội.

Khi sở hữu hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng trong xã hội, chính quyền cũng cần sử dụng đội ngũ nhà báo, phát thanh viên, thông tín viên làm việc cho họ. Tất nhiên những nhà báo này làm cho nhà nước thì ăn lương của nhà nước, cho nên cách ăn nói, viết báo, đưa tin của họ phải dựa theo chỉ thị từ trên xuống. Ai nói mà không theo lịnh, tất nhiên phải bị kỷ luật, giáng cấp hay sa thải. Trong xã hội này, bị mất việc, thất nghiệp hay bị ‘bể nồi cơm’ là một sự kiện không kém kinh hoàng. Và vì thế, chính quyền tạo nên một đội ngũ nói cùng một tiếng nói từ trên xuống, rất đồng bộ, rất thống nhất, và dĩ nhiên rất đoàn kết khắng khít keo sơn.

Các bình luận viên trên các đài truyền hình nhà nước cứ như là một tuyên truyền viên, dân coi truyền hình thường chán nản, có lúc dân tự thắc mắc là các bình luận viên sao nói dai mà không mỏi miệng, hoặc thiếu trung thực một cách ngớ ngẩn.

Trong báo cáo mới đây của tổ chức có tên Comfrel chuyên quan sát các cuộc bầu cử tại Cam Bốt thì hồi năm 2012 khi tổ chức bầu cử xã thôn, phương tiện truyền thông nhà nước đã đổ dồn tuyên truyền tốt cho ứng viên thuộc Đảng Nhân dân Cam Bốt đương quyền. Tình trạng cạnh tranh chính trị thiếu bình đẳng như vậy kéo dài suốt từ năm 1993 cho đến nay mặc dù vào thời điểm 1993, dưới sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, Cam Bốt cho thông qua bản Hiến pháp dân chủ, đa nguyên đa đảng, thế nhưng bản chất tham quyền của Đảng Nhân dân Cam Bốt đã biến bản Hiến pháp mới thành đống giấy vô nghĩa.

Xã hội dân sự yếu ớt, đối lập vẫn không có quyền tự do thông tin

Theo bản báo cáo của Trung tâm Truyền thông Độc lập thì những tổ chức nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của chính quyền hiện nay chỉ có 2 cơ sở phát thanh, một là đài Sarika FM phát thanh chương trình Tiếng nói Dân chủ thuộc tổ chức Trung tâm Truyền thông Độc lập Cam Bốt, và đài phát thanh Tổ Ong của ông Mam Sonado.

Ông Mam Sonado vừa được phóng thích sau khi chính quyền đặt bản án 20 năm tù giam để đe dọa tinh thần ông, do vì ông đã cho phát thanh và binh vực số nông dân nghèo ở tỉnh Kratie hồi tháng 5/2012 bị cường quyền áp bức lấy đất và xô đuổi ra khỏi nơi họ sinh cơ lập nghiệp lâu đời.

Báo cáo của tổ chức Trung tâm Truyền thông Độc lập có chỉ ra 3 yếu tố chính làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành truyền thông độc lập tại Cam Bốt, đó là sự thiếu chuyên nghiệp của báo chí, và sự không ổn định về mặt tài chính, và hơn hết trong tất cả là môi trường chính trị thiếu dân chủ, không có một cơ chế độc lập hữu hiệu giám sát bộ máy quyền lực nhà nước.

Chính quyền có ưu thế hơn nhiều về mặt này so với các tổ chức xã hội dân sự, vì họ có quan hệ rộng trên thế giới dưới danh nghĩa là nhà cầm quyền nên có thể cử nhà báo của nhà nước đi du học hay tu nghiệp. Và vì là chủ nhân ông duy nhất của quốc gia, nắm trong tay mọi tài nguyên, cũng như không phân biệt đâu là tài sản quốc gia, đâu là tài sản của Đảng Nhân dân, nên việc trả lương cho cán bộ báo chí là chuyện nằm trong bàn tay của người cai trị. Và vì thế các phương tiện truyền thông thuộc tư nhân muốn giữ được hoạt động độc lập lâu dài thì rất khó do thiếu hụt nhân sự chuyên môn và không có đủ tiền.

Ngoài ra chính quyền còn được hỗ trợ bởi bộ luật hình sự do họ bày ra, bộ luật này như hệ thống kiểm duyệt chặt cá nhân nào phê phán chính quyền. Thiểu số người làm công tác truyền thông trong vài cơ sở xã hội dân sự thì thường phải tự kiểm duyệt nội dung bài viết của họ vì lo sợ bị rơi vào cái bẫy từ ngữ mơ hồ của bộ luật hình sự. Dù mang tên là bộ luật hình sự nhưng thật ra nó cũng còn để triệt hạ bất cứ ai gây nên nỗi lo không nguôi cho nhà cầm quyền về sự bất ổn định chính trị.

Nguyên nhân của tình trạng trì trệ thiếu tự do

Năm 1993, khi Liên Hiệp Quốc đổ hàng tỷ Mỹ kim vào Cam Bốt để xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền tại nơi đây, các nước khu vực đã tỏ thái độ lạc quan sớm. Thật ra, cũng có người cảnh giác trước tham vọng chính trị của Đảng Nhân dân Cam Bốt.

Hậu quả sau 20 năm tốn kém chi phí của cộng đồng thế giới, xã hội dân chủ tại Cam Bốt vẫn còn trong vòng lao đao khốn quẫn.

Dù có một số tổ chức xã hội dân sự được thành lập như các tổ chức nhân quyền địa phương, sự ra đời và tồn tại vài chính đảng đối lập…. Tuy nhiên, lực lượng mỏng yếu này vẫn không ngoi đầu lên được trước sự trấn áp mạnh của Đảng Nhân dân Cam Bốt. Biết rằng, ngày nay tin tức trong xã hội đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân, nên chính quyền muốn tồn tại như suy nghĩ chủ quan của họ, thì phải nắm hết guồng máy thông tin đại chúng.

Hậu quả như công luận được biết qua bản báo cáo của Trung tâm Truyền thông Độc lập, ngành truyền thông tư nhân đã yếu kém lại đang trong tình trạng ngắc ngoải, sống không ra sống và chết cũng không ra chết.

Nguyên nhân tình trạng truyền thông độc lập bị giới hạn nhiều cũng chỉ vì tham vọng chính trị, muốn diệt hết mọi người để một người, một gia đình, một chính đảng được tồn tại phát triển thăng hoa.

Nhưng đây chỉ là hành động nông cạn, để ngăn chận nhất thời những lỗ rò rỉ trên một đập nước vĩ đại đang quyết liệt chuyển mình bứt phá.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.