Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bạo hành tù cải tạo Trung Quốc được đưa lên mạng internet

Thực trạng bóc lột lao động như nô lệ tại trại « lao giáo » thí điểm Liêu Ninh bị đưa lên mạng internet. Công an tống giam cả những phụ nữ mang thai hoặc tàn tật vào trại lao cải « kiểu mẫu ». Người bệnh ung thư không được thuốc thang. Thời lượng lao động mỗi ngày 14 tiếng. Bắc Kinh buộc phải ra lệnh điều tra.

Tù nhân TQ khiếu nại vì bị ngược đãi. Ảnh chụp năm 2009
Tù nhân TQ khiếu nại vì bị ngược đãi. Ảnh chụp năm 2009 REUTERS
Quảng cáo

Từ một năm nay, Trung Quốc tiết lộ đã tổ chức bốn trại « lao giáo » kiểu mẫu làm thí điểm để thay thế chính sách « lao cải cưỡng bách » ban hành từ thời Mao Trạch Đông và đang bị phê phán gay gắt kể cả trên báo chí nhà nước. Bốn tỉnh được chọn là Liêu Ninh, Cam Túc, Giang Tô và Sơn Đông.

Tuy nhiên, thực tế không như chế độ tuyên truyền hoặc ít ra không như ban lãnh đạo trung ương dự kiến. Theo hãng tin Asia News, nhật ký của một nữ tù nhân đã bí mật thoát khỏi hàng rào kẽm gai và được đưa lên mạng internet gây ra một làn sóng phẫn uất trong dư luận. Nhật ký trong tù tố cáo những trường hợp phụ nữ mang thai, phụ nữ tàn tật, bệnh nhân ung thư đều phải lao động mỗi ngày 14 giờ như các trại viên khác. Theo lời kể của chính nạn nhân, trong trại lao giáo Mã Sơn Gia, tỉnh Liêu Ninh, trại viên phụ nữ bị giam trong điều kiện thiếu vệ sinh, thường xuyên bị tra tấn, ngược đãi hoặc bị xiềng vào giường. An ninh quản giáo vượt qua quyền hạn pháp định, nhân danh « trật tự » họ ép buộc tù nhân dò xét nhau, làm chỉ điểm cho ban giám đốc. Khẩu phần ăn thiếu thốn, người mang bệnh nặng như ung thư không được chăm sóc.

Tháng hai vừa qua, tác giả quyển nhật ký trong tù, một phụ nữ bị giam vì khiếu kiện, được thả.

Thực trạng trại lao giáo ở Liêu Ninh đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trong chính quyền Trung Quốc. Nhiều trích đoạn của quyển nhật ký được đăng lại trên một số trang mạng của chính phủ. Hệ quả đầu tiên là chính quyền Liêu Ninh phải điều tra và cam kết công bố kết quả.

Asia News nhắc lại là vào tháng 11 năm ngoái, khi Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư thì đảng Cộng sản đã thảo luận về khả năng dẹp bỏ hệ thống trại cải tạo vừa vi phạm hiến pháp Trung Quốc vừa bị Liên Hiệp Quốc lên án. Tuy nhiên xã hội công dân Trung Quốc nghi ngờ đảng Cộng sản không dám dứt bỏ trang sử đen tối này để bước vào thế giới văn minh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.