Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Bí ẩn bao trùm dịch cúm gia cầm H7N9

Dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc giờ đây dường như vẫn còn là một ẩn số. Gần phân nửa số bệnh nhân của bệnh dịch này không hề tiếp xúc với gia cầm và rất ít gia cầm bị nhiễm bệnh. Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục bàn luận về vấn đề này.

Các bệnh viện ở Bắc Kinh tăng cường thông tin phòng chống H7N9 (REUTERS /Jason Lee)
Các bệnh viện ở Bắc Kinh tăng cường thông tin phòng chống H7N9 (REUTERS /Jason Lee)
Quảng cáo

Cơ chế lây lan của loại vi-rút mới H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc vẫn còn rất bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập một nhóm nghiên cứu bao gồm 15 chuyên gia giỏi nhất về dịch cúm gia cầm để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân lây sang người.

Theo số liệu từ WHO, tính cho đến 18/04/2013 có đến 87 trường hợp nhiễm bệnh trong đó 17 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, giám đốc văn phòng phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cho biết 40% bệnh nhân không có tiếp xúc với gia cầm. Cho đến nay, người ta vẫn nghi ngờ gia cầm là nguyên nhân chính lây bệnh. Phát ngôn viên của WHO khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh dịch lây từ người sang người.

Tờ báo cho biết, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong 50 000 mẫu xét nghiệm trên gia cầm, chỉ có 39 con bị nhiễm bệnh. Câu hỏi về con đường lây lan của bệnh dịch càng trở nên phức tạp, khi mà bất cứ ai cũng có khả năng tiếp xúc với gia cầm còn sống khi đi chợ, vì tại Trung Quốc, người ta vẫn thích mua đồ tươi sống được giết mổ tại chỗ.

Rõ ràng thì mối liên hệ này chưa đủ để thiết lập nguyên nhân của của sự lây nhiễm. Do đó, cần phải mở rộng hướng điều tra ra các loài vật khác, ví dụ như lợn là cầu nối của nhiều động vật khác. Theo ông Vincent Martin, thuộc tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), « chúng ta có một cái loại virus bệnh rất khó dò tìm mà đã gây ra tử vong cho con người ». 

Khủng bố tại Boston : thủ phạm gây án một cách đơn độc và cực đoan ?

Báo chí Pháp hôm nay lại tiếp tục đưa tin về diễn biến truy tìm thủ phạm đánh bom tại cuộc đua marathon tại Boston. Báo Libération có bài viết miêu tả chân dung của hai thủ phạm và bàn luận về động cơ gây án của hai phần tử khủng bố này qua bài viết : « Thủ phạm gây án một cách đơn độc và cực đoan. » 

Tiếng lóng của các chuyên gia chống khủng bố gọi đây là « những con sói đơn độc ». Đây chính là những thành phần tự phát, không thuộc tổ chức nào, bị ảnh hưởng bởi các mạng Internet. Hai nghi can là hai anh em người gốc Tchetchnia. Theo tờ báo, người ta đặt giả thiết rằng hai nghi can này muốn xây dựng khu Kavkaz hoang tưởng trên đất Mỹ và muốn tử vì đạo.

Ngược dòng lịch sử trở về thời kỳ nước cộng hòa độc lập Tchetchnia bị Nga đánh chiếm và người dân bị truy đuổi. Từ đó, nổ ra hàng loạt các vụ khủng bố như vụ bắt cóc làm con tin ở Beslan phía Bắc Ossetia vào năm 2004 hay vụ bắt cóc trong nhà hát tại Mátxcơva vào năm 2002.

Bên cạnh đó, người ta còn nghi ngờ khả năng hai nghi can của vụ đánh bom theo một giáo phái nào đó. Theo một chuyên gia thì những người học cao, có vẻ như hòa nhập với cộng đồng có thể hành động theo một lô-gic rất gần với các giáo phái.

Các quá trình như vậy rất khó dò tìm, thậm chí phần tử cực đoan này không trực thuộc các nhóm khủng bố có tên tuổi, cũng đánh lên hồi chuông báo động cho các chính quyền. Trong đa số các trường hợp thì internet ít nhiều có vai trò kích thích các hành vi khủng bố. 

Hôn nhân đồng tính tại Pháp : phe chống đối kiên định đấu tranh

Các nhà tổ chức cuộc biều tình phản đối hôn nhân đồng tính lại kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào ngày mai, chủ nhật 21/04/2013, trong khi dự luật trên sẽ được thông qua vào thứ ba tới. Dự định một cuộc biểu tình cấp quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 26/05. Báo thiên hữu Le Figaro hôm nay dành hai trang lớn phân tích về cuộc đấu tranh này của phe chống đối dự luật. 

Sở cảnh sát Paris ước lượng sẽ có khoảng 70 000 xuống đường biểu tình vào chủ nhật này. Sau một tuần đấu tranh liên tục trước cửa Nghị viện, lần biểu tình này, họ hy vọng duy trì áp lực lên chính phủ buộc rút lại đạo luật và đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý. Đảng viên cánh hữu UMP sẽ tham gia đông đảo vào chủ nhật này.

Biểu tình lần này sẽ được rất nhiều báo đài quan sát, phân tích và có thể sẽ trở thành biểu tượng cho những bất mãn xã hội và chính trị.

Tờ báo cho biết cuộc biểu tình lần này được chuẩn bị một cách gấp gáp : truyền đơn chỉ mới vừa được in vào tối thứ năm vừa qua. Đồng thời, người đại diện cho phong trào này dự đoán chỉ có khoảng 30 000 tham gia, lý do là vì đang trong kỳ nghỉ học. Lần này chỉ là ở cấp vùng, còn biểu tình sắp tới vào ngày 26/05 trên toàn quốc mới được chuẩn bị kỹ càng với nhiều người tham gia hơn.

Dân chúng lựa chọn khẩu hiệu : « François, ông không có sự lựa chọn đâu. Ông càng tăng tốc thì chúng tôi cũng vậy ». Để chống tình trạng quá khích, các nhà tổ chức đã soạn thảo một điều luật đăng trên trang web của họ nhắc nhở « không bạo lực và tôn trọng tài sản và con người ». Lần này, tâm lý người biểu tình đã thay đổi. Giờ đây, họ ca hát và sẽ biểu tình một cách ôn hòa với nến.

Về phía cảnh sát, họ không khoan nhượng với các hành vi bạo lực. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Manuel Valls ra lệnh nghiêm ngặt bảo vệ trật tự công cộng.

Về phía tổng thống Hollande, tuy dưới sức ép của hàng loạt các cuộc biểu tình, song ông vẫn không hề lùi bước. Một nhân vật thân cận của ông khẳng định : « Dù có gây sức ép đến đâu thì dự luật cũng sẽ được thông qua. Chính phủ cũng sẽ không thay đổi ý định ». Phe đối lập thì nhân cơ hội này, sau vụ Cahuzac, để làm giảm tín nhiệm của tổng thống.

Kết quả thăm dò của BVA cho biết có 58% dân Pháp đồng tình với việc cho phép hôn nhân đồng tính nhưng điều đáng nói ở đây là họ không tán thành việc cho phép các cặp đông tính nhận con nuôi (52%). 

Latvia hy vọng gia nhập khối euro ngày 1/01/2014

Trong khi các quốc gia trong khối sử dụng đồng euro đang đối mặt với bao khủng hoảng, thì quốc gia bé nhỏ Latvia bên bờ biển Ban Tích lại hi vọng được gia nhập vào cộng đồng này. Báo Le Figaro trong mục Kinh tế có bài viết phân tích hồ sơ này.

Thủ tướng Latvia là một người rất nhiệt tình trong tiến trình đưa đất nước hội nhập khu vực đồng euro. Chuyến công du của ông tại Paris hồi thứ sáu vừa qua không chỉ nhằm củng cố mối quan hệ hai nước, mà còn tìm sự ủng hộ của tổng thống Hollande để đưa đất nước gia nhập khu vực đồng euro. Bruxelles sẽ phải đưa ra phán quyết vào đầu tháng 6.

Trái ngược với một số nước trong cộng đồng châu Âu tìm cách trì hoãn gia nhập đồng euro như Ba Lan, Latvia đã lên lịch cho ngày gia nhập là 1/01/2014. Thủ tướng Latvia nhận xét : « Cuộc khủng hoảng này không phải là cuộc khủng hoảng đồng euro. Đồng euro rất mạnh và ổn định. Đây chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng xảy ra với một số nước. Đồng thời, châu Âu cũng đã có những biện pháp khẩn cấp về lâu dài nhằm tăng độ tin cậy của đồng tiền chung. »

Theo bài báo, trong hồ sơ này, Latvia được nhiều hơn mất. Bất chấp phải tham gia cứu trợ các nước khác hay không đang trong khủng hoảng, thủ tướng Latvia vẫn rất kiên định và cho là sự tương trợ trong khối châu Âu là bình thường và cần thiết, thậm chí có thể cầu cứu cả thế giới. Về đối nội, ông phải ra sức thuyết phục người dân, mà phần đông là không muốn gia nhập đồng euro, trừ một số lĩnh vực thương mại là tán thành. Ông cho rằng đồng euro sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và nêu gương nước láng giềng Estonia đã thành công khi gia nhập vào năm 2011.

Lợi thế khi gia nhập đồng euro là sẽ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, không sử dụng đồng « lats » tức đồng nội tệ sẽ làm giảm hối suất và lãi suất. Với một số cải cách, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 20% xuống còn 10% và tăng trưởng kinh tế cao hơn 5% vào năm 2011 và năm 2012. Chính phủ còn áp đặt một chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc nhất châu Âu tương đương với 17% tổng thu nhập quốc nội (PIB).

Trong lúc đợi phán quyết của Bruxelles, thủ tướng Latvia hoàn toàn an tâm vì nước này đáp ứng năm tiêu chí để gia nhập đồng euro. 

Pháp vẫn còn tư tưởng coi trọng bằng cấp

Bàn về tình trạng giáo dục, báo Le Monde trong mục Văn hóa - Ý kiến có bài viết nhận định tâm lý quá coi trọng bằng cấp tại Pháp. Sính bằng cấp là một đặc trưng của nước Pháp, mà nguồn gốc bắt nguồn từ thời Cách mạng Pháp. Tâm lý coi bằng cấp là trên hết còn dẫn đến một số hệ quả tệ hại, đặc biệt là kiếm việc làm trên thị trường lao động.

Ngày nay, tại Pháp, để tìm được việc làm thì bắt buộc phải có bằng cấp. Hơn nữa, nó trở thành một tiêu chuẩn xã hội và đặc biệt còn quy định lương bổng, địa vị xã hội … Theo nhà xã hội học Millet dạy tại trường đại học Poitiers, bằng cấp mang ba giá trị. Thứ nhất là giá trị thương mại, bởi đó là điều kiện để kiếm được việc làm. Thứ hai là giá trị sử dụng, bởi nó cho phép tìm được việc làm phù hợp với ngành học. Thứ ba là giá trị tượng trưng, tức nó là cái mác xã hội.

Sính chuộng bằng cấp tại Pháp không có gì mới. Người ta vẫn còn nhớ cuộc cải cách dưới thời Bộ trưởng bộ Giáo dục Chevènement vào năm 1985 khi ông đặt ra mục tiêu 80% dân số phải có bằng tú tài. Nếu như vào thế kỷ 19, người ta đặt nặng vấn đề được đi học, thì ở thế kỷ 20 chính là giá trị của tấm bằng.

Bằng cấp của một số trường lớn được coi trọng hơn một số trường khác. Bài báo dí dỏm nêu trường hợp một số người khi chết, trên tấm cáo chung nêu lên một loạt các bằng cấp. Phải chăng người ta chết chung với tấm bằng ? Còn theo nhà xã hội học Bourdieu thì trường học chỉ càng làm cho bất bình đẳng xã hội rõ thêm và tạo ra một tầng lớp danh giá nhờ vào bằng cấp.

Ngày nay, tại Pháp, hầu hết mọi việc làm đều đòi hỏi bằng cấp, thậm chí những việc không cần trình độ nghề nghiệp cao. Bài báo nêu ra tại một số nước như Hoa Kỳ, thì sự tuyển chọn còn dựa trên phẩm chất cá nhân, động cơ làm việc và cả tính sáng tạo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.