Vào nội dung chính
CHÂU Á - MÔI TRƯỜNG

Các khu rừng khu vực Mêkông đang bị đe dọa, đập Xayaburi là mối nguy lớn

Nhu cầu đất nông nghiệp có nguy cơ làm mất đi một phần ba diện tích rừng thiên nhiên của khu vực Tiểu vùng sông Mêkông từ nay đến hai chục năm tới, nếu các chính phủ không nhanh chóng đưa ra những biện pháp. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hôm nay 02/05/2013 đã cảnh báo như trên.

WWF nghiên cứu về những mối đe dọa rừng khu vực sông Mêkông
WWF nghiên cứu về những mối đe dọa rừng khu vực sông Mêkông @WWF
Quảng cáo

Tổ chức quốc tế này tố cáo tình trạng phá rừng để trồng cao su và lúa, trong lúc việc khai thác gỗ bất hợp pháp tiếp tục diễn ra tại các khu vực bảo tồn. Cam Bốt, Lào và Miến Điện đã bị mất từ 22 đến 24% diện tích rừng từ năm 1973 (là thời điểm bắt đầu có dữ liệu) cho đến năm 2009, còn Việt Nam và Thái Lan bị mất đến 43%.

Peter Cutter, một người có trách nhiệm của WWF nhấn mạnh: “Tiểu vùng sông Mêkông đang đứng trước một bước ngoặt”. Theo ông, tình hình hiện nay có thể dẫn đến hồi kết của đa dạng sinh học, cũng như dân cư không còn phương tiện mưu sinh. “Nhưng nếu các nguồn lợi thiên nhiên được quản lý một cách có trách nhiệm, thì khu vực này có thể theo đuổi một con đường bảo đảm được tương lai lành mạnh và thịnh vượng cho người dân”.

Theo bản báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, thì bề mặt của các khu rừng trước đây được trải rộng, nay bị chia cắt bởi nông nghiệp và đô thị hóa. Những diện tích sú vẹt cũng bị thay thế bằng ruộng lúa hay hồ nuôi tôm. Nếu hiện tượng này tiếp diễn, 34% diện tích rừng hiện tại sẽ bị mất đi hoặc bị chia nhỏ từ nay đến năm 2030, phá hủy nơi cư trú của nhiều loài thú hoang như cọp và voi.

WWF cũng quay lại với việc Lào xây dựng đập Xayaburi đang có nhiều tranh cãi, cho đây là “mối đe dọa chủ yếu” lên hệ sinh thái liên quan đến khu vực sông Mêkông. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên nhấn mạnh các “hậu quả tàn khốc” của dự án này, đối với 60 triệu cư dân đang lệ thuộc vào dòng sông Mêkông trên các lãnh vực vận chuyển, thực phẩm và kinh tế.

Đập thủy điện trị giá 3,8 tỉ đô la sẽ hoàn thành vào năm 2018, đã gây chia rẽ các quốc gia có dòng Mêkông chạy qua trong nhiều tháng, nhưng Lào vẫn khởi công vào cuối năm 2012. Nếu Thái Lan sẽ mua đa số lượng điện được sản xuất từ đập này, thì Việt Nam và Cam Bốt lo ngại sẽ ảnh hưởng đến lượng thủy sản và phù sa.

Lào, nước không có đường ra biển và công nghiệp yếu kém, đặt hy vọng vào thủy điện để phát triển với giấc mơ trở thành “nguồn điện năng của Đông Nam Á”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.